Phụ nữ mang thai dễ tử vong hơn khi nhiễm cúm A/H1N1

,
Chia sẻ

Phụ nữ mang thai nhiễm cúm A/H1N1 có nguy cơ phải nhập viện cao gấp 4 - 5 lần và dễ tử vong hơn so với những người bệnh khác.

Do đó, khi dịch cúm A/H1N1 đang lây lan mạnh trong cộng đồng như hiện nay, phụ nữ mang thai cần cẩn trọng, tuân thủ các biện pháp phòng chống nhằm tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Tuy nhiên trên thực tế, chẳng phải thai phụ nào cũng ý thức được điều này.

Nhầm cúm A/H1N1 với cúm A/H5N1

(Ảnh minh họa)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết: "Kết quả một nghiên cứu đăng tải trên một tạp chí y tế quốc tế uy tín cho thấy, từ ngày 15/4 - 15/5 tại Mỹ xác định 34 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm cúm A/H1N1. Từ ngày 15/4 - 16/6, có 6 trường hợp tử vong. Nguy cơ phụ nữ nhiễm cúm A/H1N1 phải nhập viện điều trị cao gấp 4 - 5 lần so với những người bệnh khác. Đặc biệt, các thai phụ này dễ bị biến chứng phổi, suy hô hấp nặng phải thở bằng máy, và dẫn đến tử vong".

Để phòng tránh cúm A/H1N1, các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ nữ mang thai cần tìm hiểu thông tin về dịch bệnh, chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh như hạn chế tối đa sự tiếp xúc trong cộng đồng. Khi buộc phải đến những nơi đông người (như thăm khám định kỳ tại các bệnh viện), cần đeo khẩu trang vì đây là bệnh lây qua đường hô hấp.

Ấy thế, nhưng khi khảo sát thực tế tại Khoa khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, lại thấy hầu hết các thai phụ đều không đeo khẩu trang. Trong khi đó, mỗi ngày tại đây tiếp nhận cả ngàn bệnh nhân đến khám và điều trị.

Thai phụ T.T.H, 26 tuổi, ở Tân Thành, Đông Kinh, Hải Phòng, lý giải: "Vẫn biết phụ nữ mang thai phải đeo khẩu trang để phòng cúm A/H1N1 nhưng nóng quá... nên không thể đeo nổi".

Cá biệt, chị Đ.T.T., 27 tuổi, ở Phan Bội Châu, Hà Nội còn nhầm lẫn rất trầm trọng, cho rằng đường lây của dịch cúm A/H1N1 cũng như cúm A/H5N1, nghĩa là đều lây qua đường ăn uống. Vì vậy, dù mới mang thai được 2 tháng, giai đoạn rất quan trọng hình thành cấu trúc của thai nhi nhưng chị T. chẳng hề mang khẩu trang dự phòng. "Biết chỗ nào không có cúm mà tránh? Làm sao có thể đeo khẩu trang mãi được?", chị T. tỏ ý khó chịu khi được hỏi.

Cần chủ động phòng tránh

Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết trong thời gian mang thai, sức đề kháng của người phụ nữ sẽ giảm đi. Do đó, họ thường dễ nhiễm bệnh hơn, và nếu nhiễm cúm A/H1N1 thì dễ biến chứng nặng hơn so với những đối tượng khác.

Đối với thai nhi, nếu người mẹ nhiễm virus cúm A/H1N1 nói riêng và virus cúm nói chung, nhất là giai đoạn 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, dễ dẫn đến tình trạng thai dị dạng, bất thường như sứt môi, hở hàm ếch, thậm chí còn gây đẻ non, sẩy thai...

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu phụ nữ mang thai xuất hiện các triệu chứng sốt, hắt hơi, sổ mũi, đau mình, đặc biệt là có tiếp xúc với những trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 thì nên đến các bệnh viện chuyên khoa điều trị cúm ngay để được cách ly, điều trị bằng thuốc Tamiflu kịp thời, tránh biến chứng nặng.

Trường hợp nhẹ, các thai phụ có thể đến các bệnh viện phụ sản để được thăm khám, hướng dẫn điều trị. Nếu phát hiện trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 nhưng chưa đến mức cần can thiệp cấp cứu, bệnh nhân sẽ được chuyển tới các bệnh viện chuyên khoa điều trị cúm.

Trường hợp thai phụ cần cấp cứu về thai sản sẽ được xử trí tại bệnh viện phụ sản trước, sau đó mới chuyển đến các bệnh viện chuyên khoa. Để phòng chống lây nhiễm cúm A/H1N1, phụ nữ mang thai cần chủ động tránh đến những nơi đông người, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, thường xuyên rửa tay, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Nếu đến nơi đông người phải đeo khẩu trang.

"Nếu vắcxin phòng chống cúm A/H1N1 "ra mắt" vào mùa thu tới, những thai phụ dự định sẽ mang thai hoặc đang mang thai trong giai đoạn đầu cần được “ưu tiên” tiêm vắcxin phòng cúm ngay”, Tiến sĩ Tiến khuyến cáo.
 
Theo Tin tức/Vietnam+
Chia sẻ