Phụ nữ châu Á và 'cơn cuồng' làm trắng da

,
Chia sẻ

Từ sử dụng thuốc, tia laser cho tới bôi kem, các liệu pháp làm trắng da đang tạo nên một cơn sốt trên khắp dải đất châu Á.

Thả bộ trên tuyến phố đông đúc ở Hsinchu, Đài Loan, một tay cầm ô và một tay cầm sách, Hilda Chu (18 tuổi, sinh viên ĐH Quốc gia Tsing Hua), trông khá sáng sủa với làn da trắng bóc. “Tôi luôn cố gắng để làm da mình trắng. Nếu da sáng hơn, tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn vì trông tôi ưa nhìn. Điều này sẽ khiến cho tôi giữ được tâm trạng tốt”, Chu cho biết.

Hilda Chu không phải là người đơn độc trong “cuộc chạy đua” này. Người châu Á sử dụng trung bình khoảng 18 tỷ USD mỗi năm để làm mình trông sáng hơn so với màu da gốc.

“Người châu Á thích da trắng. Trung bình mỗi ngày tôi đón khoảng 25 bệnh nhân muốn thay đổi màu da của mình”, tiến sĩ Hsieh Ya Ju, chuyên khoa da liễu tại Bệnh viện MacKay ở Hsinchu, cho biết. Bên ngoài phòng khám của bác sĩ Hsieh, bốn bệnh nhân trung niên với làn da trắng bệch, xanh xao, ngồi chờ một cách kiên nhẫn để được trị liệu với giá từ 300 đến 500 USD mỗi lần. Họ chấp nhận mức giá này với hy vọng sau khi uống xong những viên thuốc của bác sĩ Hsieh, làn da sẽ trở nên trắng hơn nữa. Các bác sĩ ở Đài Loan cũng dùng tia laser, kem, phẫu thuật và các liệu pháp khác để làm trắng da.

Các tấm biển quảng cáo sản phẩm làm trắng da được thấy phổ biến trên đường phố châu Á.

Nydia Lin, giám đốc điều hành chi nhánh hãng mỹ phẩm Shisedo tại Đài Loan, cho hay khoảng 50% phụ nữ Đài Loan và một con số ngày càng đông nam giới trả một khoản tiền lớn để biến đổi làn da vàng vốn có của người châu Á. “Chúng tôi ủng hộ ý tưởng làm trắng da. Đặc biệt ở Đài Loan, chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều ngôi sao trên truyền hình và tất cả họ đều có làn da trắng đẹp. Người Trung Quốc vẫn thường nói rằng, bạn có thể che đi mọi khiếm khuyết nếu như bạn trắng”, bà Lin khẳng định.

Hàng loạt khẩu hiệu được đưa ra trên khắp châu Á như: “Một lần làm trắng có thể che được ba khuyết điểm trên cơ thể bạn”. Theo một nghiên cứu mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường toàn cầu Synovate, gần 40% phụ nữ ở Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc, Malaysia và Philippine đã sử dụng các sản phẩm làm trắng và sáng da.

Sự bùng nổ biện pháp làm trắng da ở châu Á có truyền thống từ hàng thế kỷ trước. Bà Anne Rose Kitagawa, phụ trách phần nghệ thuật Nhật Bản tại Bảo tàng Sackler ở Harvard, nói: “Các vua chúa ngày xưa quan niệm một phụ nữ đẹp phải có làn da trắng, khuôn mặt tròn trịa như mặt trăng với mái tóc đen dài óng mượt. Vì vậy, phụ nữ thời xưa luôn tìm cách trang điểm cho làn da mình thật trắng. Ý niệm đó đã ăn sâu vào nếp nghĩ và họ luôn cho rằng "trắng đồng nghĩa với đẹp”.

Ám ảnh về làn da trắng của người châu Á cũng là sự phản ánh của tình trạng kinh tế. “Những người có làn da cháy nắng thường lao động chân tay, ngoài trời, vì vậy, làn da trắng phản ánh được địa vị công việc”, Gerald Horne, nhà sử học tại ĐH Houston, phân tích. Ông Horne cũng chỉ ra một khía cạnh chính trị được hình thành từ chiến thắng của quân Đồng minh trong chiến tranh thế giới thứ hai. “Có một nguồn cảm hứng khiến nhiều người châu Á hướng tới một làn da trắng, đó là sự phản ánh sức mạnh của vùng Bắc Đại Tây Dương. Vì vậy, họ muốn bắt chước để giống với người dân sống ở khu vực đó".

Tuy nhiên, theo Chao-uan Tsen, thuộc Tổ chức nhân quyền phụ nữ Đài Bắc, xu hướng làm trắng da cũng xuất phát từ các khẩu hiệu cạnh tranh của ngành công nghiệp làm đẹp. “Ngành công nghiệp làm đẹp ở Đài Loan thường nhấn mạnh vào tầm quan trọng của một làn da trắng. Họ cho rằng nếu bạn có một làn da trắng giống phụ nữ Nhật Bản, bạn sẽ đẹp như một đóa hoa anh đào. Trên thực tế, hình ảnh mà họ tạo ra này chẳng những không làm cho phụ nữ hạnh phúc hơn mà thậm chí, còn khiến họ lo lắng thêm”, Tsen khẳng định.

Thêm vào đó, việc làm cho da trắng hơn cũng dẫn đến một số tác dụng phụ nhất định. Điều này đúng với những ai không có đủ tiền để theo đuổi các liệu pháp làm trắng cao cấp. Nhiều người bình dân sử dụng các loại kem chứa chất độc hại và biện pháp làm trắng bất hợp pháp, khiến cho họ bị biến dạng.

Ngoài ra, việc làm trắng da cũng có thể gây nguy hiểm do làm mất đi hắc tố. “Làn da càng trắng càng khiến phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ ung thư hay các tổn thương về da khác”, tiến sĩ Ernesto Gonzalez, Trưởng khoa da liễu tại Bệnh viện Massachusett, Boston, Mỹ, cho biết.

Những vấn đề sức khỏe vẫn bị gạt sang một bên. Hilda Chu cho rằng, làm da trắng là một việc cần thiết như một lời đáp đối với áp lực của xã hội. Nói một cách đơn giản như Chu: “Các ông chủ tương lai của tôi vẫn thích nhân viên có làn da trắng hơn”.

Theo Phan Anh
Baodatviet/GlobalPost
Chia sẻ