Phẩm màu - Đẹp nhưng nguy hiểm

,
Chia sẻ

Phẩm màu giúp hồi phục màu sắc, mùi vị tự nhiên của sản phẩm đã bị mất mát trong quá trình chế biến, bảo quản, nhưng bạn hãy cẩn thận khi cho trẻ sử dụng.

Từ niềm tin của người tiêu dùng sản phẩm càng có nhiều màu sắc càng có giá trị dinh dưỡng, các nhà sản xuất thường sử dụng phẩm màu để tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm. Vì vậy, phẩm màu có mặt ở khắp các loại thực phẩm chế biến: bánh kẹo, mứt, nước giải khát…

Tuy nhiên, loại phẩm màu họ sử dụng lại không phải là loại phẩm màu tự nhiên. Phẩm màu tự nhiên có độ bền màu rất thấp nhưng giá thành lại cao. Sự lựa chọn đương nhiên nghiêng về phẩm màu tổng hợp.

Nguy cơ từ phẩm màu tổng hợp

Các phẩm màu tổng hợp hóa học không có lợi về mặt dinh dưỡng mà lại có khả năng gây ra những biến đổi bất thường ở trẻ.

Một số nghiên cứu cho thấy thực phẩm chứa phẩm màu tổng hợp có thể khiến trẻ thay đổi về thể chất và tinh thần.

Nếu thường xuyên đưa vào cơ thể các loại phẩm màu hóa học này, cơ thể sẽ mất dần khả năng tự giải độc. Phẩm màu tích tụ ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể cũng gây ra những căn bệnh nguy hiểm cho trẻ.

Nếu dính vào thành dạ dày, phẩm màu có thể gây ra tình trạng đầy bụng, rối loạn tiêu hóa. Sỏi trong niệu đạo là hậu quả của việc phẩm màu dính vào cơ quan bài tiết.

Nguy hiểm hơn, phẩm màu là tác nhân gây cản trở hoạt động của hệ thống thần kinh, làm rối loạn quá trình truyền tin. Hậu quả: Trẻ bị kích động quá mức trở nên hung hãn bất thường.

Khi có sự chậm trễ trong việc tiếp nhận các luồng thông tin của hệ thần kinh, trẻ trở nên thiếu linh hoạt, lười suy nghĩ, ảnh hưởng đến quá trình học tập.

Sự ảnh hưởng của phẩm màu đến sức khỏe diễn ra từ từ. Vì vậy, mức độ ảnh hưởng rất khó phát hiện. Về lâu dài, việc tích tụ phẩm màu trong cơ thể có thể dẫn đến ung thư.

Việc điều trị do ngộ độc phẩm màu cũng không hề đơn giản. Theo bác sĩ Nguyễn Huy Toàn, với trẻ nhỏ, thực phẩm thích hợp nhất là thực phẩm tươi, đa dạng và an toàn. Cần hạn chế tối thiểu việc dùng thực phẩm chế biến, đặc biệt là thực phẩm dùng những phẩm màu để bảo đảm trẻ không mắc những căn bệnh nan y.

Tuy nhiên để tăng sự bắt mắt cho món ăn, kích thích bé ngồi vào bàn, bạn nên tăng cường sử dụng những thực phẩm nhiều màu sắc.

Vừa bắt mắt lại an toàn và tốt cho sức khỏe

Các chất lycopene, anthocyanin có nhiều trong thực phẩm màu đỏ như cà chua, đậu đỏ, táo đỏ, quả lựu… Chúng có tác dụng thanh lọc máu, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, ung thư…

Chất lecithin, isoflavone sẽ tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trẻ, tăng tuần hoàn máu và củng cố hệ xương. Chúng có nhiều trong các thực phẩm màu đen như đậu đen, hạt vừng…

Chất diệp lục có trong các thực phẩm màu xanh như bông cải xanh, trà xanh, rong biển… giúp khả năng trao đổi chất, ngăn ngừa táo bón, tăng cảm giác thèm ăn.

Xoài, cam, đào, hồng, cà-rốt… là những thực phẩm có beta carotene. Đây là chất giúp cơ thể trẻ phát triển, tăng cường hệ miễn dịch, chống o-xy hóa và rất hiệu quả trong phòng chống bệnh ung thư.

Bạn hãy cho bạn sớm làm quen với các loại thực phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, hạn chế những loại thực phẩm chế biến sẵn, màu mè. Như vậy, sức khỏe của bé sẽ luôn được đảm bảo.
 
Theo Tiếp thị gia đình
Chia sẻ