Những người mắc bệnh… vui quá mức

,
Chia sẻ

Nam được nhân viên khoái vì lúc nào cũng vui như Tết, thích tổ chức đi ăn nhậu, du lịch là OK ngay, xin tăng lương là duyệt liền. Nhưng tính tốt này hóa ra lại do… bệnh.

Trong khi đám nhân viên rất thích sếp Nam (28 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) thì gia đình anh lại “đau đầu” vì nhưng cơn hào phóng và hưng phấn quá độ của anh, đến nỗi phải đưa anh đi điều trị ở phòng khám tâm thần.

Lập công ty vì… lên cơn bệnh

Nam làm giám đốc công ty của gia đình anh. Hai năm liền anh điều hành rất tốt, nhưng sau đó anh bỗng thay đổi. Nam chi thả cửa mà chẳng băn khoăn gì đến chuyện cân đối tài chính. Hằng ngày, anh đến công ty với một niềm hứng khởi lớn, thường xuyên tập hợp nhân viên lại họp để nghe anh hào hứng nói về những ý tưởng, kế hoạch lớn của mình. Anh lúc nào cũng thấy vui sướng, nói cười phớ lớ, làm việc như điên (nhưng làm sai, làm hỏng rất nhiều), và đặc biệt là đề xuất chi tiền nào cũng duyệt. Nhân viên thấy sếp vui, đua nhau đến gặp xin tăng lương, rồi đề xuất thưởng, đề xuất cho anh chị em đi du lịch, ăn liên hoan…, Nam đều OK hết.

Sau vài tuần, Nam biến mất khỏi công ty đang gặp nhiều rắc rối về hợp đồng và tài chính. Anh nằm bẹp ở nhà, không thiết ăn uống. Rồi một thời gian sau, trạng thái vui vẻ, phấn hứng lại xuất hiện. Nam đến công ty mà anh không còn làm giám đốc nữa, tay cầm cả nắm phong bao đỏ để lì xì mọi người, thao thao bất tuyệt về chuyện kinh doanh, để rồi ít hôm sau lại “bẹp như con dán”, nằm nhà. Sau nhiều lần tâm trạng “phồng lên xẹp xuống’’ như vậy, Nam được bố mẹ đưa đi khám chuyên khoa tâm thần và được chẩn đoán hưng cảm.

Những người hưng cảm thường vui và hào phóng một cách quá mức. Minh họa: Inmagine.

Còn Bình, 25 tuổi, nhà ở Ba Đình, Hà Nội, cũng đòi bố mẹ lập công ty đúng lúc lên cơn hưng cảm. Chàng trai từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân này cảm thấy mình tràn đầy ý tưởng tuyệt diệu, cần phải hiện thực hóa. Không biết con có bệnh, bố mẹ Bình đồng ý chi tiền. Công ty được lập ra chỉ có thu không có chi, còn ông giám đốc trẻ lúc vui như Tết, tràn đầy hứng khởi, lúc rũ xuống như tàu lá héo, bỏ mặc nhân viên muốn làm gì thì làm. Bố mẹ Bình cũng chỉ biết con bị hưng cảm khi đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý, tâm thần của phòng khám TuNa (Hà Nội).

“Đốt” hết sức sống trong ít ngày

Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga, Phó trưởng phòng khám TuNa, cho biết những người bị hưng cảm thường đem lại cảm giác dễ chịu cho người tiếp xúc và bản thân họ cũng thấy vô cùng sung sướng, tràn đầy năng lượng. Họ vui bất tận, nói nhiều, hoạt động liên tục, hào phóng vô biên. “Những lúc ấy, họ rất dễ bị lợi dụng, chỉ cần khen ngợi, khuyến khích ít câu là xin gì cũng cho, đề nghị gì cũng được”.

Những người hưng cảm rất ít ăn, ít ngủ, hạn chế nghỉ ngơi, chỉ muốn hoạt động. Họ rất tự tin, cảm thấy mình có thể làm được những việc khó khăn nhất. Các ý tưởng “vĩ đại” ào ạt xuất hiện và họ lao vào thực thi, và nếu như ý tưởng đó rất hoang đường, ngớ ngẩn thì cũng khó thuyết phục họ nhận ra.

“Những lúc ấy ai cũng bảo tôi như cắn phải thuốc lắc vậy. Tôi thấy mình tràn đầy sức sống, tôi thấy mình như siêu nhân, không gì không làm nổi”, Phúc, một người từng phải điều trị hưng cảm, nói.

Những cơn hưng cảm này có thể diễn ra trong vài ngày hoặc một tuần, có khi vài tuần. Và ngay sau đó, bệnh nhân rơi ngay vào cơn trầm cảm, kéo dài gấp nhiều lần thời gian “vui vẻ” trước đó. Đang ở đỉnh cao hưng phấn và khỏe khoắn, bệnh nhân bỗng ở “dưới đáy”: trở nên kiệt sức, rũ rượi, chán nản, tuyệt vọng… do toàn bộ sức sống đã bị “đốt” hết trong thời gian ngắn. Đặc biệt nếu trước đó trong cơn hưng cảm, họ thực hiện những ý tưởng “vĩ đại” thì trong cơn trầm cảm, sự thất bại của các ý tưởng đó càng làm họ không thiết gì cuộc đời.

Theo chuyên gia Linh Nga, chứng hưng cảm xuất hiện là do nguyên nhân nội sinh chứ không phải các cú sốc tâm lý. Các sang chấn tâm lý hay thể chất (vào vùng đầu) thường chỉ đóng vai trò thúc đẩy, khiến bệnh xuất hiện ở những người đã có những yếu tố nội tại của bệnh này. Vì vậy, cách điều trị chủ yếu là dùng thuốc, và phải dùng lâu dài, thậm chí suốt đời.

Trừ những trường hợp nặng có xuất hiện hoang tưởng và cư xử bất thường, người hưng cảm chỉ đặc biệt ở chỗ vui vẻ thái quá. Do đó chứng hưng cảm không gây hại cho người ngoài, nhưng lại gây phiền toái cho gia đình và làm khổ bệnh nhân khi cơn trầm cảm xuất hiện. Các chuyên gia khuyến cáo, trong giai đoạn trầm cảm này, người nhà không nên trách móc, lên án những chuyện mà bệnh nhân đã làm khi hưng cảm, vì sẽ khiến cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Điều tốt nhất nên làm cho người thân là đưa đến bác sĩ tâm lý, và động viên bệnh nhân tuân thủ điều trị lâu dài.
 
Theo Đất Việt
Chia sẻ