Nhiễm khuẩn: Thủ phạm gây tử vong ở nhiều bệnh nhân cúm A/H1N1

,
Chia sẻ

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), nhiễm khuẩn là nguyên nhân chính gây ra các trường hợp tử vong ở bệnh nhân cúm A/H1N1.

Virus cúm A/H1N1 có thể gây ra chứng viêm phổi trầm trọng nhưng phần lớn các trường tử vong lại do những loại khuẩn khác, kẻ làm suy yếu hệ miễn dịch và gây ra viêm phổi.

Theo điều tra của CDC thực hiện trên 77 bệnh nhân cúm A/H1N1 đã tử vong, họ nhận thấy 22 nạn nhân (29%) từ 2 tháng tuổi đến 56 tuổi đã bị nhiễm kết hợp thêm ít nhất là 1 loại khuẩn.

10/22 nạn nhân tử vong là do khuẩn cầu phổi, một loại khuẩn có thể chặn đứng bằng vắc xin đặc chủng. Vắc xin ngừa khuẩn cầu phổi được khuyến nghị đối với những người lớn bị hen, hút thuốc, ốm yếu kéo dài hay hệ miễn dịch có vấn đề, người trên 65 tuổi. Nó cũng được tiêm cho trẻ em với 4 liều, bắt đầu từ 2 tháng tuổi. Trong khi đó, chỉ có 16% người trưởng thành (18-49 tuổi) đã tiêm vắc xin phòng khuẩn cầu phổi. Và vì thế, CDC đề nghị ngành y tế cần tăng cường chiến dịch phổ biến loại vắc xin này như chiến dịch tiêm vắc xin cúm mùa.

Theo báo cáo mới đây, CDC cũng khuyến nghị các bác sĩ nên lưu ý vấn đề chống nhiễm khuẩn cho các bệnh nhân cúm; nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn ở những bệnh nhân cúm A/H1N1 thì cần điều trị kết hợp thuốc kháng cúm và kháng sinh.

Như vậy, khi bệnh cúm quay trở lại với mức độ nặng hơn, điều quan trọng là chăm sóc y tế đúng cách.

Dưới đây là một số trường hợp tử vong điểu hình liên quan với cúm A/H1N1 do nhiễm khuẩn tại Mỹ: 

- Một bé gái 2 tháng tuổi, không có triệu chứng bệnh rõ ràng, đã tử vong vì viêm phổi sau khi có biểu hiện sốt chỉ 1 ngày.

- Một bé gái 9 tuổi không có biểu hiện điển hình đã tử vong sau 6 ngày ốm do nhiễm khuẩn liên cầu.

- Một nam giới 34 tuổi bị huyết áp cao và béo phì đã tử vong sau 3 ngày ốm do viêm phổi.

Thông tin trên đăng tải trong bản tin Báo cáo hàng tuần về Sự hoành hành của dịch bệnh & Số trường hợp tử vong của CDC.

Theo Nhân Hà
Dân trí/WMD
Chia sẻ