Nhân việc đi tẩy trắng răng

,
Chia sẻ

Tôi trèo lên cái bàn dốc ngược, mắt chói loà vì ánh sáng, môi khô khốc. Rồi thì đến răng lạnh buốt. Có cảm giác khó chịu vì không sao nuốt nước bọt được.

Lúc ấy chị nha sĩ cúi xuống, dòm kỹ mặt tôi, rành mạch hỏi: “Nhìn mặt quen quá nhỉ? Làm truyền hình đúng không?” Tại sao bác sĩ răng lại hy vọng bệnh nhân chữa răng sẽ trả lời một câu hỏi chẳng liên quan gì đến răng, nhất là khi mà tất cả cơ miệng, cơ môi, cơ hàm đang bị banh ra hết cỡ bằng một cái kẹp to bằng cao su có màu xám?

Có một thời điểm, đột nhiên tất cả mọi người đều rất quan tâm đến hàm răng của mình. Họ nói về răng nhiều đến mức tôi bắt đầu phải soi gương và thấy rõ rằng mình có một hàm răng thật chẳng mảy may đáng tự hào. Giọt nước tràn ly khi một trong những ca sĩ nổi tiếng tôi rất yêu thích là Trần Thu Hà, trong một lần tôi đến xem chị hát, chị có hồ hởi khen tôi dạo này xinh ra. “... nhưng răng của em không được trắng lắm!” Rõ ràng tôi xấu hổ. Bắt đầu hỏi han các địa chỉ làm răng và thực sự nghĩ đến chuyện phải làm gì đó cho bản thân mình.

Hàm răng người Việt có màu sáng dần theo lịch sử thế hệ. Đầu tiên là thế hệ chít khăn mỏ quạ, môi đỏ và răng nhuộm cho thật... đen. Tiếp theo thế hệ có răng màu nâu xỉn bởi lý do: uống thuốc kháng sinh Tetracylin. Viên kháng sinh màu vàng, đắng kinh khủng, mẹ tôi vẫn thường gọi nôm na là “viên thuốc hai hào rưỡi”, đắt, hiếm và gần như là thứ thuốc tốt nhất thời bấy giờ. Chỉ có điều nó làm hỏng hẳn men răng. Một lý do khác mà mọi người cũng từng lý giải là do nguồn nước có lượng vôi/phèn quá cao, cũng ảnh hưởng đến màu của hàm răng. Tóm lại là toàn những lý do... bất khả kháng cả.

Một điều khác nhau cơ bản nhất nữa, khi tôi gọi điện cho người bạn người nước ngoài lúc 4 giờ chiều, anh này nhấc máy với một giọng cực kỳ dễ nhận ra của một công việc cũng cực kỳ đặc trưng là... đánh răng! Chắc chắn với bạn bè người Việt, tôi sẽ chẳng bao giờ bắt gặp họ đánh răng vào lúc 4 giờ chiều, may ra chỉ có tối và sáng. Ở Ý, trong những nhà hàng sang trọng, họ không cho phép dùng tăm xỉa răng – vì họ cho rằng đó là một hành động không mấy lịch sự và thiếu cần thiết với họ vì: răng người châu Âu đều và khít, ít có thứ nào chui được vào giữa những kẽ răng. Còn ở Thái, các khách sạn có thể tặng bạn miễn phí nước uống và hoa quả, dầu tắm và dầu gội đầu, nhưng tuyệt đối không phải bàn chải và kem đánh răng. Vì cũng với họ, mỗi người luôn phải coi bàn chải đánh răng là bất ly thân. Nói cách khác, thói quen chăm sóc răng miệng cũng là một sự khác nhau mang... thói quen văn hoá. Còn đến tận bây giờ, chúng ta mới cho con em mình học đánh răng với những mẫu quảng cáo tràn ngập trên tivi lúc này.

Quay về chuyện bằng cách này hay khác, tôi tính kế làm sao để răng mình trắng lại. Té ra là tất cả các bạn bè của tôi đều đã từng đến nha sĩ làm nhiều việc khác nhau. Có người niềng trong suốt hai năm. Có người mài sạch hàm răng của mình để lắp một hàm hoàn toàn mới. Có người mua thuốc ngậm trong vài tuần cho răng trắng bóng... Sau cùng, tôi quyết định làm một việc đơn giản nhất trong số những việc đó, cũng ngắn gọn nhất, là tẩy trắng bằng tia laser.

Đó là lý do tại sao tôi có mặt trên chiếc bàn dốc ngược và mắt đang chói loà vì ánh sáng.

Trong lúc chiếc đèn laser chiếu vào hàm răng, mắt tôi bị đối diện thẳng với chiếc đồng hồ điện tử đếm ngược lại, tám phút cho lần chiếu thứ nhất. Tôi miên man suy nghĩ về chuyện ngay sau đây mình có một hàm răng sáng sủa, có thể nhe ra cười hết cỡ trong những cú chụp ảnh gí sát mặt. Thấy rõ ràng khoan khoái dễ chịu hẳn. Rồi tính nhẩm từ giờ mình cứ tha hồ uống càphê. Số tiền bỏ ra lần này là 2,2 triệu, chỉ cần cứ sáu tháng đi tẩy một lần, răng lại trắng y chang như cũ... Thảo nào các bạn nữ xung quanh tôi chịu khó đi thẩm mỹ tẩy sửa các thứ.
 
Tôi có chị bạn, chỉ hỏi mỗi câu: Chị có hay đi làm trắng răng không, mà sau đó nghe chị khai tuốt tuột là từng đi cắt mí mắt và sửa cả mũi nữa... “Làm thẩm mỹ cũng như đi xăm một hình xăm. Làm xong một lần thấy chẳng có gì phải ngại nữa, rồi còn nghĩ: sao không đi làm sớm hơn!” Chị bạn tôi còn có kế hoạch kỹ càng chi tiết theo kiểu: 28 tuổi làm mũi để cải thiện đường tình duyên và sau khi sinh con sẽ đi làm ngực. Tóm lại thì từ chuyện trắng răng đến chuyện xăm chân mày – nghe rất tự nhiên, đến chuyện sửa cái mũi nhỏ hơn với cắt mí mắt cho đều... nghe cùng là dễ dàng ngang nhau cả.

Tám phút lần thứ hai. Thuốc được chiếu dưới đèn, bắt đầu ngấm vào chân răng tê buốt. Chân răng có dây thần kinh, cho nên người ta vẫn nói đau đầu và đau răng vẫn là hai nỗi đau kinh khủng nhất. Bác sĩ nhìn tôi vẻ hài lòng vì tôi không tỏ ra dẫy giụa, nhưng chỉ vì tôi là đứa chịu đau giỏi, chứ không có nghĩa tôi không cảm thấy đau gì. Ngay sau đây tôi biết ra đường, môi mình sẽ mím chặt vì chỉ cần có một cơn gió lùa qua, sẽ buốt đến tận óc. Rồi nửa đêm hẳn tôi sẽ thức dậy vì thứ tê buốt đặc trưng của hàm răng – nơi con người ta không thể sờ và gãi.
 
Nhân đây lại nhớ ra một chị bạn khác, chân dài, mặt đáng yêu, lại là týp có duyên, thành đạt, cái gì cũng đủ chỉ có hàm răng trên là thiếu đến mấy cái mới đủ mật độ răng thông thường. Thế nên cứ nhe ra cười là người ta thấy cả. Nhưng sợ đau nên chị này nói không với nha sĩ. “Đẹp không bao giờ nên đi với đau!” Sự ngần ngại sửa sang này đến bằng trực quan. Suy cho cùng đều là sự lựa chọn của mỗi người, xem “đau” hay là “đẹp” quan trọng hơn với mình. Truyền hình Mỹ có series phim nổi tiếng có tên Nip/Tuck – về hai bác sĩ chuyên phẫu thuật thẩm mỹ với nhiều pha “sửa sang” rợn người, từng thu hút rất nhiều người xem.
 
Đèn sẽ bật sáng trong tám phút cuối cùng nữa. Lợi tôi đã quen với cái đau và cổ họng đã nuốt được bình thường... Trong cơn hớn hở, tôi nghĩ tiếp đến chuyện làm răng xong, có lẽ tôi nên đi thêu lông mày cho đỡ lởm chởm... Nhân vật Samantha trong Sex and the city, đến bác sĩ thẩm mỹ để xin tư vấn. Lúc nhìn vào gương thì tá hoả thấy cả người chỗ nào cũng có nét đánh dấu bút đỏ, ý là “cần phải sửa lại” của bác sĩ.
 
Nhu cầu trở nên hoàn hảo và ý thức làm đẹp của phụ nữ là vô cùng mạnh mẽ – một thứ trách nhiệm tìm thấy được từ trong truyền thuyết Hy Lạp với chân dung của Nữ thần sắc đẹp. Đàn ông thực tế là người ngoài cuộc nhưng cuối cùng, may mắn thay lại là đối tượng hưởng lợi/hại. Ngày nay phái nam hiện đại dễ tính, có người coi chuyện phẫu thuật cũng như... nhuộm tóc, thích hay không cũng như một thứ màu tóc. Trong đó lại có người gọi đó là nhân văn vì như trong Đàn bà xấu thì không có quà của nhà văn Y Ban, “không ai được chọn xấu và đẹp từ lúc sinh ra, nên nếu có một cách để họ đẹp hơn thì rất hay”. Cũng có người phản đối, chắc do gặp nhiều vụ “sửa chữa”... bị hư hại quá... nặng!

Cuối cùng đèn cũng tắt và lúc ra về, tôi được dặn dò quay lại ngày hôm sau cho một loại nước làm bóng răng nào đó. Những ngày đầu tiên của việc tẩy trắng răng, bao giờ tôi cũng như đứa trẻ chăm ngoan ý thức, chăm chỉ đánh răng và kiêng kỵ những thực phẩm có màu... Thế nhưng chắc chắn chỉ dăm bữa nửa tháng, tôi sẽ lại thấy mình tu ừng ực càphê và quên béng chuyện giữ gìn trắng răng. Vì tôi biết mình lúc nào cũng có thể quay lại phòng răng này. Cũng như câu chuyện một lần bộc bạch của ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, đi sửa mũi rồi lại đến bệnh viện để... tháo mũi ra!

Phụ nữ vẫn giỏi nhất tự hưởng thụ cuộc sống của mình theo cách này hay cách khác, dù là ghép vào hay là gỡ ra như thế!
 
Theo SGTT
Chia sẻ