Người dân có thể dùng nước mưa axit

,
Chia sẻ

Nồng độ axit trong nước mưa ở Việt Nam chưa gây ảnh hưởng gì tới khỏe của người dân. Tuy nhiên, “Đầu cơn mưa và mưa đầu mùa thì không nên hứng nước ngay, để tránh nhưng tạp chất bẩn.

Hiện tại ở Việt Nam chưa có nghiên cứu về tác động của mưa axit đối với con người, mà chỉ nghiên cứu thành phần của mưa axit và tác động của nó lên một số loại động thực vật.

Ức chế sinh trưởng vì mưa axit

Mưa axit lớn có thể hòa tan được một số bụi kim loại và oxit kim loại có trong không khí như oxit chì..., làm thành phần của nước trở nên độc hại, khiến cho các sinh vật bị suy yếu hoặc chết.

Mưa axit tác động lên bức tượng tại thủ đô Viên , Áo. Ảnh D.H.S

Đánh giá về mức độ ảnh hưởng của mưa axit lên tôm sú, Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Lan (Phân viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường phía Nam) cho biết kết quả thực nghiệm như sau: Ứng với nước ao có độ mặn 6 phần nghìn và pH là 6,6 – 6,7 thì lô tôm sú thí nghiệm chết 46% sau một trận mưa. Nguyên nhân do pH nước mưa là 4,3 khiến pH nước ao giảm đột ngột 0,8 đơn vị, độ axit trong nước ao tăng khiến tôm sú chết.

Ngoài ra, mưa axit còn làm tăng các chỉ số độc hại và làm giảm các chỉ số dinh dưỡng trong đất, rễ cây bị phá hủy và ức chế sinh trưởng. Từ kết quả thực nghiệm với rau cải, ThS Lan nhận định rằng, mưa axít có thể làm giảm 20-69% năng suất rau trồng.

Vẫn có thể ăn, nhưng...

Về lý thuyết, ThS Nguyễn Thị Kim Lan cho biết: "Hai hợp chất axit sunfuric (H2SO4) và axit nitric (HNO3) được giới chuyên môn xem là “thủ phạm” gây mưa axit. Nguồn gốc của hai hợp chất này có liên quan mật thiết đến khí dioxit sunfua (SO2) và các ôxit nitơ (NOx) trong khí quyển.

Thùng hứng nước mưa từ mái tôn chảy xuống. Ảnh: Bee

Trong khi đó, SO2 và NOx chính là những chất gây ô nhiễm không khí, xuất phát từ hoạt động công nghiệp, giao thông. Mưa axit do các hoá chất nhiễm bẩn tạo thành, phổ biến là SO2 và NOx, khi chúng thâm nhập vào cơ thể qua các đường khác nhau đều gây tác hại cho người, đặc biệt với hệ hô hấp. Nếu lượng SO2  được đưa vào cơ thể người với nồng độ cao và liên tục thì sẽ gây phù thanh quản, viêm phế quản".

Tuy nhiên, người dân ở nông thôn thường có thói quen hứng và tích trữ nước mưa cho sinh hoạt hàng ngày, trong đó có việc ăn uống. Vậy họ có nên bỏ thói quen đó hay không?

PGS.TS Lê Văn Cát (Viện Hóa học Việt Nam) cho biết: “Nước mưa có độ pH < 4 thì được coi là mưa axit nghiêm trọng. Ở Việt Nam cũng đã từng xảy ra nhưng rất hiếm, chưa ghi nhận trường hợp nào xảy ra mưa axit gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện tại, độ axit trong nước mưa ở Việt Nam chưa tới mức báo động nên người dân vẫn có thể dùng nước mưa để ăn uống bình thường”.

ThS Nguyễn Thị Thúy Ái

Ông Lê Văn Cát nhận định thêm “Thông thường, lượng axit trong dạ dày của người cao hơn hàng nghìn lần so với độ axit trong nước mưa. Hay trong bia, nước khoáng chúng ta uống hàng ngày vốn sẵn chứa axit (có chất bọt tạo ga CO2) cũng cao hơn gấp triệu lần so với nồng độ axit trong nước mưa. Bởi thế, nồng độ axit trong nước mưa ở Việt Nam chưa gây ảnh hưởng gì tới khỏe của người dân.”

ThS Nguyễn Thị Thúy Ái – Trưởng phòng Huấn luyện, Truyền thông (Trung tâm Quốc gia nước sạch  và Vệ sinh Môi trường Nông thôn) khuyến cáo người dân có thể thu hứng và tích trữ nước mưa: “Đầu cơn mưa và mưa đầu mùa thì không nên hứng nước ngay, để tránh nhưng tạp chất bẩn.

Khi hứng nước mưa, không nên dùng tấm lợp xi măng bởi trong tấm đó chứa chất amiăng gây ung thư. Cũng không nên thu hứng bằng mái bằng nhà tranh mái rạ mà tốt nhất là hứng từ mái ngói, mái tôn, mái bê tông".

Theo Việt Anh
Bee.net.vn
Chia sẻ