Ngồi nhiều dễ bị táo bón

,
Chia sẻ

"Là nhân viên văn phòng, tôi phải ngồi nhiều, gần tháng nay bị táo bón và đau rát ở hậu môn. Xin bác sĩ cho biết tôi phải chữa bệnh này như thế nào?".

Trả lời:   

Có rất nhiều nguyên nhân gây táo bón, nhưng có thể chia làm hai nhóm chính:

Nhóm nguyên nhân cơ năng: Sau sốt cao, do dùng thuốc, thói quen đi đại tiện không đều; chế độ ăn nhiều đạm, ít chất xơ, lạm dụng thuốc nhuận tràng, ngồi nhiều...

Nhóm nguyên nhân thực tổn: Do tổn thương trong ống tiêu hóa hoặc chèn ép ngoài ống tiêu hóa, tổn thương não, màng não...

Uống nước thường xuyên là một cách chống táo bón. Ảnh: Corbis.

Việc điều trị phải theo căn nguyên. Nếu táo bón do phản ứng phụ của thuốc thì có thể đề nghị bác sĩ cho dừng thuốc hoặc đổi thuốc khác. Nếu do ăn uống không hợp lý, cần cải thiện thực đơn, uống nhiều nước (2-2,5 lít mỗi ngày), ăn nhiều chất xơ, chất bã (rau xanh 200-300 gr mỗi ngày), ưu tiên những món nhuận tràng như rau đay, mồng tơi, khoai lang... Kiêng uống trà đặc, cà phê, rượu.

Nếu táo bón do rối loạn mất phản xạ đại tiện thì có thể khôi phục bằng cách đi đại tiện đúng giờ, đi ngay khi mới có nhu cầu, không nhịn. Về việc sử dụng thuốc nhuận tràng, hiện có rất nhiều thuốc khác nhau, chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

Nhiều người cho rằng táo bón không phức tạp nên thuờng tự điều trị. Tình trạng táo bón kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hậu quả như trĩ, sa niêm mạc trực tràng, nứt kẽ hậu môn... Nứt kẽ hậu môn kéo dài dễ dẫn đến áp xe hậu môn, áp xe vùng cùng cụt và có thể tử vong. Do vậy, tốt nhất bạn nên đến khám tại các chuyên khoa tiêu hóa, không nên tự ý điều trị.

Theo BS. Nguyễn Bạch Đằng
Bao Dat Viet
Chia sẻ