Nghiến răng khi ngủ: "thủ phạm" khiến bạn nhanh già hơn

Phương Thùy,
Chia sẻ

Chỉ sau một tuần trăng mật, chị Hảo đã muốn quay lại cái thời… chỉ ngủ một mình chứ không phải chịu đựng tiếng nghiến răng ken két của chồng hàng đêm như bây giờ.

Mong chờ lắm mới đến ngày được “quy về một mối” thành vợ thành chồng như ngày hôm nay, nhưng chỉ sau một tuần trăng mật, chị Hảo đã muốn quay lại cái thời… xa xưa ấy của mình, khi mà chị chỉ ngủ có một mình chứ không phải chịu đựng tiếng nghiến răng ken két của chồng hàng đêm như bây giờ.

Cũng trong tình cảnh mất ngủ hàng đêm như chị Hảo, anh Thăng ngày càng gầy rộc đi. Ai hỏi thăm thì anh chỉ bảo do mất ngủ hàng đêm. Mọi người không biết lại cứ trêu anh chị vợ chồng son nên “khỏe” quá, đêm nào cũng “làm việc” đến độ mất ngủ. Nhưng chỉ có anh Thăng mới biết, lý do thực là do tiếng nghiến răng khi ngủ của vợ.

Trước đây vợ anh không có tật nghiến răng này. Nhưng không hiểu sao sau một đợt quá căng thẳng do công việc chuyển đổi công ty, vợ anh thường xuyên thức khuya, làm việc bất kể giờ giấc để rồi hậu quả sau đó là cứ đêm ngủ là nghiến răng khiến anh Thăng rợn hết cả người và giấc ngủ cũng rất chập chờn.


Tật nghiến răng không hiếm gặp

Tật nghiến răng khi ngủ không phải là hiếm gặp. Khoảng 5-20% dân số có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh này nhưng chỉ có 5-10% nhận biết được điều này mà thôi.

Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, Đại học Y Dược TP HCM, đã từng cho biết về hiện tượng nghiến răng khi ngủ thì nghiến răng là sự nghiến hoặc siết chặt các răng một cách quá mức, thường diễn ra khi ngủ (không có ý thức). Do lực sử dụng trong động tác này lớn gấp nhiều lần lực phát sinh khi nhai nên tật nghiến răng tạo ra âm thanh khó chịu cho người xung quanh.

Vào ban ngày, những người bị tật nghiến răng khi ngủ cũng thường nhai răng kèn kẹt mỗi khi bị stress, chẳng hạn như khi lái xe, tham gia kỳ thi, hoặc tập trung vào một nhiệm vụ nào đó.

Stress là nguyên nhân chính gây ra nghiến răng


Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tật nghiến răng khi ngủ, ví dụ như do stress hoặc khả năng kiểm soát cảm xúc, do áp lực công việc, do các rối loạn chức năng ở hệ thần kinh trung ương, suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, suy kiệt ở người già, do hút nhiều thuốc lá, uống nhiều rượu hoặc do có dị tật trong cấu tạo răng (khớp cắn không bình thường, răng mất, răng mọc không đều...) và thậm chí có thể là do di truyền… Trong các nguyên nhân trên thì trong nhiều trường hợp, tình trạng căng thẳng thần kinh hoặc khả năng kiểm soát stress kém là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nghiến răng.

Những yếu tố như viêm nha chu, sự co cứng các cơ hàm, viêm khớp hàm… có thể sẽ làm cho tình trạng nghiến răng tăng lên.

Nghiến răng có thể khiến bạn trông già hơn

Nhìn chung, tật nghiến răng là một dạng rối loạn giấc ngủ và có thể không làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên khoảng 5-10% trường hợp người bệnh nghiến răng mạnh đến mức có thể làm gãy răng, nhức đầu, đau mặt, rối loạn cơ và khớp thái dương hàm, gây khó khăn cho việc nhai hay nói chuyện,… Do các cơ hàm bị co thắt trong suốt thời gian nghiến, người bệnh có thể bị mỏi, đau các cơ, đau đầu, cổ. Các cơ hoạt động quá mức có thể bị phì đại, làm cho khuôn mặt bị mất cân xứng hoặc có dạng vuông (do phì đại cơ cắn ở cả hai bên), rối loạn khớp thái dương-hàm.

Về mặt thẩm mỹ, nghiến răng liên tục sẽ gây mòn răng, răng bị mòn sẽ làm giảm kích thước tầng dưới mặt làm cho người bệnh trông già hơn. Hơn nữa, với những người đã làm răng thì tình trạng nghiến răng kéo dài có thể làm gãy, sứt miếng hàn ở răng, làm gãy các hàm giả (kể cả loại có thể tháo lắp hoặc cố định).


Loại bỏ tật nghiến răng

Cho dù tật nghiến răng có thể không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng không có nghĩa là không cần chữa. Loại bỏ tật nghiến răng nhằm ngăn ngừa tổn thương răng miệng và giảm đau các cơ nhai và cơ vùng mặt. Tuy nhiên, cũng tùy theo từng loại nguyên nhân mà có cách điều trị phù hợp.

- Do stress: Nên điều trị chủ yếu bằng tâm lý liệu pháp và thư giãn (thể dục, thiền tâm,…). Có thể sử dụng thuốc gây giãn cơ để tạm thời giảm co thắt cơ hàm.

- Do bệnh lý thần kinh cơ hay tổn thương não: Chủ yếu là dùng các biện pháp bảo vệ răng và khớp cắn.

- Do thuốc: Một số thuốc chống trầm cảm có thể gây tác dụng phụ nghiến răng nhiều. Có thể ngưng thuốc hoặc dùng thêm thuốc khác để giảm nghiến răng.

- Nếu có những vấn đề về răng: Nên đi khám bệnh ở một bác sĩ răng hàm mặt, có thể sẽ phải làm chỉnh hình răng để cho khớp cắn tốt hơn, hoặc được bác sĩ tư vấn các dụng cụ có thể bảo vệ răng của bạn tránh tổn thương trong trường hợp nghiến răng quá nặng. Nếu do khớp cắn có vấn đề thì sẽ được các bác sĩ mài kĩ thuật để điều chỉnh…

- Do thiếu canxi: Đây là nguyên nhân gặp nhiều nhất ở trẻ bị nghiến răng ban đêm. Cơ thể thiếu canxi sẽ gây ra rối loạn thần kinh, nặng thì gây các cơn co giật, nhẹ thì gây ra chứng nghiến răng. Trong trường hợp này cần bổ sung liều lượng canxi và thuốc an thần theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chia sẻ