“Nghịch dại” ngày hè, nhiều trẻ bị chấn thương mắt

Theo Dantri,
Chia sẻ

Mặc dù đã giữa hè, nhưng số trẻ khám và điều trị tại khoa Chấn thương, bệnh viện Mắt TƯ, không ít. Chỉ riêng cuối tuần qua, đã có 7 trẻ và đa phần là tổn thương giác mạc.

Đa số trẻ bị chấn thương mắt là do chơi đùa, người lớn ít để ý.

Đa số bị rách giác mạc

Tại phòng khám của khoa Chấn thương, mẹ bé N.M (Phú Thọ, 8 tuổi) cho biết: Bé bị thủng giác mạc do chơi đùa với anh họ. Anh cầm cây không biết em đứng đằng sau, vậy là chọc vào mắt, gây rách giác mạc. Chị đã đưa con đi khám ngay. Và chỉ sau 1 ngày ở bệnh viện tỉnh, ngày (15/7), bé được đưa lên bệnh viện tỉnh và phải chuyển viện Mắt TƯ và được chỉ định mổ lấy máu tụ và khâu giác mạc ngay sau đó.
 
BS Quốc Anh đang kiểm tra mắt cho bệnh Nhi H để xem có phải mổ tiếp lần 3 (Ảnh: T.P)

Trong khi đó, trường hợp của bé M.H (Thanh Hóa) lại phức tạp hơn, đã mổ 2 lần nhưng vẫn có thể phải mổ lần thứ 3. Nguyên nhân là vì dù thấy máu trong mắt con chảy ra sau khi con đánh rơi chai thủy tinh đựng nước ngọt, gia đình muốn đưa đi viện nhưng bà nội nhất quyết cho rằng không làm sao, giữ bé H. ở nhà 3 ngày liền. 

Chị H. mẹ bệnh nhi, cho biết: Do mẹ đang nấu ăn tối, nên bé M. đã tự ý lấy chai thủy tinh đựng nước ngọt trên bàn bán hàng của bà rồi đánh rơi. Đến khi thấy mắt bé xuất tiết nhiều dịch, chị đã vội đưa con lên bệnh viện huyện, huyện chuyển ngay lên tỉnh và chỉ sau chưa đầy 1 tiếng, bệnh viện tỉnh lập tức cho chuyển lên bệnh viện Mắt TƯ. 

Tại bệnh viện Mắt TƯ, tuy không tìm thấy mảnh thủy tinh vỡ nhưng do giác mạc bị rách lớn, và để lâu nên các tổ chức trong mắt đã dính vào nhau. Các bác sĩ đã phải tiến hành mổ 2 lần để khâu giác mạc bị rách, đưa lại mống mắt vào, rửa sạch máu đọng và tách phần mống mắt bị dính. Hiện bé vẫn được theo dõi và nếu tình trạng dính vẫn còn, bé sẽ phải mổ lần 3.
 
Bệnh nhi T. đến khám tại viện Mắt TƯ ngày 20/7 và BS Quốc Anh cho biết trường hợp này sẽ phải mổ trong hôm nay (Ảnh: T.P)
 
Một trường hợp khác là bé N.V.T (5 tuổi, Nghệ An), cũng được chỉ định mổ ngay sau khi khám vào ngày hôm nay (19/7). Bố em T. cho biết, em bị bạn bắn súng đồ chơi vào mắt từ đầu năm (16 tháng Giêng âm lịch) và được điều trị tiêu máu tại bệnh viện tỉnh nhưng thị lực ngày càng suy giảm. Thấy mắt con chuyển màu bạc, khác hẳn mắt còn lại, gia đình mới vội đưa H. lên viện Mắt TƯ. Các bác sĩ xác định đây là hiện tượng đục thuỷ tinh thể sau chấn thương. 

ThS Nguyễn Quốc Anh, Trưởng khoa Chấn thương, bệnh viện Mắt TƯ, cho biết, trường hợp này tương tự như 1 số trường hợp khác ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) cũng bị chấn thương mắt do chơi súng nhựa hồi đầu năm. Sở dĩ tai nạn này nở rộ là do dịp đó súng nhựa được bày bán nhiều.
 
Theo nghiên cứu của BS-ThS Nguyễn Đức Thành, PGĐ BV Mắt TƯ cho thấy: Chấn thương đụng dập nhãn cầu chiếm 30% chấn thương mắt nói chung, hay gặp ở trẻ em, đặc biệt là các em trai. Các tác nhân gây chấn thương rất đa dạng: Que gậy, thanh củi, thanh sắt đập vào mắt, chó cắn, cò mổ, gạch ném, kính vỡ, đánh nhau, dao chém, mảnh đạn pháo... gây ra những tổn thương nhãn cầu và cũng như có thể kèm theo tổn thương khác trên cơ thể. Thời điểm thường gặp nhất là hè, đặc biệt là giai đoạn chuyển giao giữa nhà trường và gia đình, chưa sắp xếp được thời khóa biểu mới cho trẻ.
 
Tổn thương ít nếu sơ cứu đúng cách
 
Một câu hỏi luôn được các bậc phụ huynh quan tâm khi mắt con bị chấn thương là thị lực sau này sẽ thế nào? 

Theo ThS Nguyễn Quốc Anh, thị lực của các bệnh nhi này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng (có sẹo trong mắt) nhưng mức độ thế nào thì còn tùy từng trường hợp. Với những trẻ được đưa đến sớm (đưa đến viện ngay sau khi mắt bị tổn thương) và sơ cứu đúng cách (cần băng mắt bị tổn thương lại, lý tưởng nhất là dùng băng che (shield) bằng nhựa sạch (có dạng hình khum) đặt lên mắt, không đè ép lên mắt; hoặc chỉ nên băng nhẹ, tránh gây áp lực, thấm hết dịch trong mắt, làm biến dạng và khó phục hồi mắt), nguy cơ tổn thương sẽ được hạn chế. Sau chấn thương thị lực sẽ ít bị ảnh hưởng tuỳ theo mức độ của tổn thương cũng như mắt bị chấn thương được xử trí sớm hay muộn. 

Ngoài ra, nếu bỏ sót dị vật trong mắt bị chấn thương sẽ gây nhiễm trùng, thậm chí gây viêm cho mắt bị tổn thương và cho cả mắt bình thường (gọi là hiện tượng nhãn viêm đồng cảm và đến nay cơ chế của nó vẫn còn nhiều thuyết để giải thích). 

Vì thế, không chỉ cẩn trọng trong điều trị, khâu tái khám cũng rất quan trọng. BS Quốc Anh cho biết: “Khâu tái khám tại viện rất chặt chẽ. Khoa dành hẳn 2 ngày trong tuần cho hoạt động này với những lời khuyên rất cụ thể và bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối, đặc biệt là trẻ em vì tương lai của các cháu còn rất dài phía trước”.

Chia sẻ