Nếu bị sốt khi mang thai, tự ý làm 2 việc này rất có hại cho thai nhi

BS Hoa Hồng,
Chia sẻ

Nếu bị sốt khi mang thai, không nên tự ý dùng thuốc hay xông lá vì có thể đe dọa tính mạng và sự phát triển của thai nhi.

Chào bác sĩ, em năm nay 24 tuổi đang mang bầu được 12 tuần. Vừa rồi, em đi mưa nên bị cảm cúm, sốt, đau đầu. Mẹ em khuyên bị cúm không nên uống thuốc vì không tốt cho sức khỏe thai nhi. Mà nên nấu nước lá để xông để cho hết cảm cúm…. Em không biết hướng dẫn của mẹ có đúng không?

Bác sĩ cho em hỏi, trong quá trình mang thai khi bị cúm, đau đầu, em có nên uống thuốc hạ sốt? Nếu em xông lá thì có thể khỏi cảm cúm không và có ảnh hưởng gì đến thai nhi,? Mong bác sĩ tư vấn giúp em? (Lệ Giang)

Trả lời:

Lệ Giang thân mến!

Trong thời gian mang thai, nếu bạn bị sốt và cảm lạnh (hoặc đôi khi là các triệu chứng của cảm như ho, sổ mũi, đau đầu…), bạn cũng không nên dùng thuốc bừa bãi. Tốt nhất là bạn nên đi khám và tuân theo các chỉ dẫn của bác sĩ.

Rất nhiều người gặp tình trạng sốt khi đang mang thai. Đa phần hiện tượng sốt liên quan đến viêm họng, viêm mũi, viêm đường hô hấp trên, viêm tai giữa... Khi bị sốt, người bệnh thường có nguy cơ kéo theo là rối loạn nước và điện giải, một số vấn đề nghiêm trọng khác, bao gồm cả nguy cơ đe dọa tiền sản giật và sản giật. Sốt quá cao sẽ làm tăng thêm nguy cơ sẩy thai và đẻ non. 

sốt khi mang thai
Nếu bị sốt khi mang thai, không nên tự ý dùng thuốc hay xông lá vì có thể đe dọa tính mạng và sự phát triển của thai nhi. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, thời kỳ đầu mang thai là thời kỳ vô cùng quan trọng vì bé đang trong giai đoạn hình thành các cơ quan. Cơ thể bé vì vậy cũng rất mẫn cảm với các loại thuốc – hóa chất. Do đó, khi dùng thuốc (kể cả thuốc đã kê đơn), bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng (nếu có thể, bạn cần tìm hiểu thêm về bằng chứng an toàn của thuốc trước khi sử dụng). 

Nếu sốt khi mang thai, bạn cũng cần làm các xét nghiệm để chuẩn đoán nguyên nhân (có thể bạn bị sốt vì nhiễm siêu virus lúc bắt đầu mang thai, lây nhiễm trong thai kỳ, hay bạn bị nhiễm khuẩn do viêm bể thận,  màng ối, viêm gan siêu vi B…). Tùy theo tình trạng của bạn, bác sĩ sẽ có hướng điều trị hợp lý. 

Trước khi dùng bất cứ loại thuốc hạ sốt nào bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để có phương án điều trị đúng nhất. Lúc đó bác sĩ  nhận  định cho bạn nên dùng loại thuốc hạ sốt nào.

Còn nếu bạn chỉ bị sốt nhẹ, bác sĩ có thể theo dõi trong vòng từ 24-48 giờ. Bạn không nên tự ý dùng kháng sinh.

Còn vấn đề bạn hỏi có nên dùng nước lá để xông khi bị cảm cúm hay không thì mẹ bầu không nên xông hơi giải cảm khi bị cảm cúm vì có thể làm ảnh hưởng thậm chí nguy hiểm đến thai nhi .  

Khi bà bầu ngồi trong chăn kín với nồi nước xông rất nóng, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cao. Điều này dẫn đến nóng nước ối, gây ảnh hưởng tới bào thai. Các tế bào có thể bị phá hủy và ngăn cản quá trình đưa khí oxy đến với em bé. Nếu nhiệt độ cơ thể mẹ lên đến trên 38 độ C, thai nhi sẽ có nguy cơ khuyết tật ống thần kinh và mất nước về sau trong thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu.

Một lý do nữa mà bà bầu không nên xông hơi khi bị cảm cúm là do áp lực của hơi nóng và sự kín khí khi xông hơi có thể dẫn đến chóng mặt, ngạt thở, thậm chí hạ huyết áp. Bà bầu nên luôn giữ huyết áp ổn định, vì huyết áp thấp làm giảm số lượng máu dẫn đến cho thai nhi. Bên cạnh đó, nếu bất cẩn với nồi nước xông nhiệt độ cao bạn có thể bị bỏng, gây tổn hại không nhỏ đến sức khỏe của chính mình và của em bé.

Vì thế, bạn cũng nên tránh các loại thuốc dân gian chưa qua kiểm nghiệm khoa học. Đôi khi, các loại thuốc này có thể gây tác hại cho cả bạn và bé. 

Bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị cẩn thận nhé.

Chúc mẹ con bạn vui khỏe!

Nếu có thắc mắc muốn được giải đáp liên quan đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, tình dục... bạn có thể gửi câu hỏi về cho chúng tôi tại email:suckhoe@afamily.vn.

Chia sẻ