Nên đeo kính, khẩu trang khi đi trong đường hầm

,
Chia sẻ

Một nghiên cứu của các nhà khoa học ở ĐH Công nghệ Queensland (Australia), không khí tại các đường hầm bị ô nhiễm gấp 1.000 lần so với các khu vực xung quanh.

Các nhà khoa học của Việt Nam cũng khẳng định, các đường hầm của Việt Nam không phải là ngoại lệ. Lắp đặt hệ thống lọc, hút không khí, sử dụng các loại xe đạt tiêu chuẩn về khí thải... là cách để đường hầm Việt Nam bớt "độc".

Đối với đường hầm dài như đường hầm Hải Vân, ô nhiễm chủ yếu là do bụi mịn (muội khói của xe cộ) và khí C02 thải từ các động cơ xe. (Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ)

Ô nhiễm là chuyện dễ hiểu

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng ĐH Xây dựng cho biết, mặc dù, hầu hết các đường hầm đều được thiết kế hệ thống thông gió tiên tiến, song do cấu trúc đặc thù nên các chất gây ô nhiễm trong đường hầm không bị pha loãng hoặc thoát lên cao nhanh như ở bên ngoài dẫn đến tình trạng bị ô nhiễm.

Việc ô nhiễm của các đường hầm phụ thuộc vào lưu lượng xe lưu thông trong đường hầm, tốc độ di chuyển của xe (càng tắc nghẽn ô nhiễm càng nặng) và độ dài ngắn của đường hầm. Đường hầm càng dài, ít lỗ thông gió và có mật độ phương tiện giao thông qua lại ở mức độ dày đặc càng có nguy cơ bị ô nhiễm cao. Đặc biệt, đường hầm 1 chiều ít bị ô nhiễm hơn đường hầm 2 chiều.

Vẫn theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, ở Việt Nam, việc đánh giá mức độ ô nhiễm tại các đường hầm ở Việt Nam chưa được chú ý nhiều, nhưng chắc chắn đường hầm Việt Nam không phải là ngoại lệ, nhất là đối với đường hầm dài như đường hầm Hải Vân. Ô nhiễm chủ yếu là do bụi mịn (muội khói của xe cộ) và khí C02 thải từ các động cơ xe.

Đồng quan điểm, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Môi trường Đô thị & Khu công nghiệp, ĐH Xây dựng cho biết, đã là đường hầm, nguy cơ ô nhiễm hơn so với các khu vực xung quanh là điều dễ hiểu.

Các chuyên gia cho biết, đường bộ Kim Liên - Đại Cồ Việt (Hà Nội) không dài đến 1km nên khả năng bị ô nhiễm không khí có thể có nhưng không cao.

Đáng lo ngại nhất là đường hầm Hải Vân dài 6.247m (đường hầm bộ dài và hiện đại nhất Đông Nam Á), lưu lượng xe qua lại rất lớn. Trong khi lượng xe quá hạn sử dụng, xe không đạt chuẩn về khí phát thải rất phổ biến. Vì thế, nguy cơ bị ô nhiễm ở đường hầm này là cao, có thể gấp tới 2 - 3 lần so với các khu vực xung quanh.

Phòng tránh bằng bịt khẩu trang, đóng kín cửa xe

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng cho hay, dù bị ô nhiễm ở mức độ nào cũng cần phải có những đánh giá cụ thể để có cách khắc phục bởi lưu lượng người qua lại ở các đường hầm trong 1 ngày là không ít.

Tại các đường hầm, cần phải lắp đặt các máy đo không khí như để thường xuyên biết được mức độ ô nhiễm tới đâu. "Đặt các thiết bị lọc hút không khí và sử dụng các loại xe đạt chuẩn về khí thải sẽ là cách hạn chế đến mức tối đa nguy cơ ô nhiễm không khí tại các đường hầm ở Việt Nam", PGS.TS Nguyễn Văn Hùng đưa ra gợi ý.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, khoa Môi trường, ĐH Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, kiểm soát ô nhiễm trong đường hầm có nhiều cách như thiết kế hệ thống thông gió đạt chuẩn, lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường.

Trong trường hợp ô nhiễm không khí vượt ngưỡng cho phép thì giảm lưu lượng xe trong đường hầm, bơm khí từ ngoài vào để đẩy khí ô nhiễm ra... Bên cạnh đó, cũng nên cưỡng chế không cho những loại xe cũ, xe có lượng phát thải vượt quá mức cho phép lưu thông trong đường hầm...

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cũng khuyên, đối với người tham gia giao thông tại các đường hầm, nếu đi ô tô nên đóng kín cửa xe. Đối với người đi bộ hoặc điều khiển các loại xe hai bánh, cách phòng tránh tốt nhất là đeo khẩu trang, đeo kính...
 

Kết quả kiểm tra tại đường hầm phía  đông M5 ở Sydney, Australia của Phòng Thí  nghiệm Quốc tế về  Chất lượng Không khí & Sức khoẻ cho thấy, tại một số thời  điểm, mức độ ô nhiễm cao gấp 1.000 lần so với các điều kiện môi trường xung quanh trong thành phố. 

Các chuyên gia cho biết, không khí bị ô nhiễm trong đường hầm ở mức  độ cao có thể gây ra các các bệnh về  hô hấp. Đối tượng bị  ảnh hưởng nhất là người điều khiển xe 2 bánh và người đi bộ.

Theo SK&ĐS

Chia sẻ