Nâng sống mũi

,
Chia sẻ

Ngoài việc nâng sống mũi, các bác sĩ phẫu thuật tạo hình còn có thể tái tạo lại những chiếc mũi biến dạng hay bị mất do chấn thương, nhiễm trùng, bỏng, ung thư, dị tật bẩm sinh...

Nâng

Một phẫu thuật khá đơn giản, nhưng được chú ý nhiều trong giới tạo hình thẩm mỹ là nâng sống mũi. Ở Việt nam, có 2 khuynh hướng rõ nét trong thị hiếu của người muốn thay đổi hình dáng mũi.

Thứ nhất là những người muốn thay đổi về chiều cao cũng như hình dáng mũi một cách hài hoà với khuôn mặt của mình. Đa phần những người này ý thức được những điểm yếu của mũi của họ và yêu cầu phẫu thuật làm thay đổi hình dáng mũi ở mức độ tế nhị, không lộ liễu, tự nhiên đến mức người ngoài không thể phát hiện được mũi đã phẫu thuật.

Nhóm thứ hai gồm những người muốn có một chiếc mũi hoàn toàn cao như người châu Âu, nhưng ít quan tâm đến sự hài hoà của chiếc mũi mới với tổng thể khuôn mặt, mà vấn đề chính là muốn những người xung quanh biết họ đã làm phẫu thuật thẩm mỹ ở mũi.   

Phẫu thuật nâng sống mũi có thể tiến hành bằng gây tê tại chỗ hay gây mê toàn thân tuỳ vào chất liệu độn ở mũi. Chất liệu được dùng trong phẫu thuật có thể là các chất liệu nhân tạo như silicon..., với ưu điểm là khả năng tạo khuôn dễ dàng.

Gần đây, một loại chất liệu tự nhiên là san hô bắt đầu được áp dụng để nâng sống mũi nhờ những ưu điểm vượt trội là khả năng liền cao, tỷ lệ nhiễm trùng thấp, khả năng tạo dáng mũi dễ dàng...

Tạo hình mũi bằng các chất liệu độn đều có thể xuất hiện biến chứng nhiễm trùng hay đào thải, nhưng tỉ lệ này khá thấp nếu phẫu thuật được tiến hành trong điều kiện tiêu chuẩn.

Một số nước còn dùng các chất liệu tự thân (xương sọ, xương mào chậu, sụn xườn, xương cẳng tay...) để nâng cao sống mũi. Các chất liệu này có ưu điểm hoà hợp tổ chức tốt ở nơi ghép, nhưng có nhược điểm là sự tiêu huỷ tổ chức dẫn tới thay đổi hình dạng ban đầu cần tạo hình. 

Tái tạo

Mất một phần hay toàn bộ mũi hoặc biến dạng hình dáng bên ngoài của mũi là bệnh cảnh do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường gặp là tai nạn giao thông hay tai nạn lao động, bị súc vật cắn, dị tật bẩm sinh, di chứng bỏng sâu vùng mặt...

Dị tật này không chỉ gây rối loạn chức năng hô hấp, mà còn tác động tiêu cực đến mặt tâm lý của bệnh nhân, khiến họ ngại giao tiếp, sống khép kín, khả năng hoà nhập cộng đồng thấp. Có những trường hợp tuyệt vọng và bi quan đến mức muốn chấm dứt cuộc đời.

Kỹ thuật tái tạo mũi là một trong những kỹ thuật tạo hình cổ điển nhất, do những phẫu thuật viên Ấn Độ đề xuất từ thế kỷ thứ 6 trước công nguyên. Các vạt da ở vùng trán hay má là nguyên liệu chính để tạo lại đầu mũi, sống mũi và lỗ mũi.

Ngoài những yêu cầu về hình thức như có hai lỗ mũi, hai cánh mũi cân đối, sống mũi hài hoà với đầu mũi, yêu cầu về chức năng thông khí của lỗ mũi cũng phải được tính đến.

Với các phương pháp tạo hình mũi kinh điển, bệnh nhân phải trải qua 2-4 lần phẫu thuật để có thể có được một chiếc mũi gần như bình thường.

Theo Minh Vũ
ANTĐ
Chia sẻ