Một số bệnh nguy hiểm mẹ có thể lây sang con khi mang thai

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Trong quá trình mang thai, người phụ nữ cần hết sức giữ gìn sức khỏe vì sức khỏe người mẹ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi.

Thưa bác sĩ, em đang mang thai ở tuần 22. Hôm trước đi khám em mới biết mình bị nhiễm nấm âm đạo (trước đó em cũng bị ra nhiều dịch và ngứa ngáy nhưng em lại nghĩ do mang bầu nên dịch ra là bình thường). Bác sĩ khám khuyên em nên chữa trị cẩn thận để tránh lây sang cho con. Điều này khiến em rất lo lắng. Bác sĩ cho em hỏi, bệnh nấm âm đạo nếu lây cho con sẽ lây như thế nào? Ngoài ra, người mẹ bị những bệnh gì tương tự có thể lây cho con, mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (K. Thanh)

Trả lời:

Bạn K. Thanh thân mến!

Trong quá trình mang thai, người phụ nữ cần hết sức giữ gìn sức khỏe vì sức khỏe người mẹ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi. Đặc biệt, nếu người mẹ mắc một số bệnh phụ khoa, viêm nhiễm sinh dục hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục thì khả năng lây bệnh sang cho con cũng rất cao.

Một số bệnh nguy hiểm mẹ có thể lây sang con khi mang thai 1
Bạn cần kiểm tra sức khỏe để chắc chắn mình không bị những bệnh có thể lây truyền sang con và được bác sĩ tư vấn cách phòng bệnh tốt nhất. Ảnh minh họa

Trẻ có thể nhiễm nấm từ mẹ trong khi sinh, nếu trên cơ thể trẻ hoặc đường âm đạo của mẹ có vết xước vì như vậy vi khuẩn gây bệnh sẽ dễ dàng xâm nhập từ mẹ sang con. Tuy bệnh không nghiêm trọng nhưng cũng có thể làm cho trẻ khó chịu, quấy khóc. Nấm thường phát triển ở lưỡi và mặt trong má, thành từng đám trắng. Chính vì vậy, bác sĩ khám cho bạn thường khuyên bạn nên trị bệnh sớm và giữ gìn tốt nhất để tránh lây cho con.

Ngoài ra, bạn cũng nên biết một số bệnh khác mà nếu người mẹ mắc phải cũng có thể lây sang cho con, gây nguy hiểm sức khỏe của trẻ như:

- Bệnh mụn rộp - herpes: Nếu trẻ sơ sinh bị nhiễm virus herpes ở thể nhẹ thì chỉ bị tổn thương một phần hoặc toàn bộ cơ thể. Virus có thể xâm nhập vào bên trong cơ thể, gây tổn thương các bộ phận như mắt, gan, lách, thậm chí cả não bộ. Những em bị nhiễm virus toàn thân có thể tử vong hoặc tàn phế vì di chứng não và mắt. 

- Bệnh u sùi ở cơ quan sinh dục: Vì sự lây nhiễm virus gây u sùi có thể xảy ra ngay khi trẻ còn trong tử cung, nên việc mổ lấy thai cũng khó tránh nhiễm bệnh. Đa số trường hợp mắc u sùi đều tự khỏi, song đôi khi bệnh tái phát, kể cả khi đã cắt bỏ phần cơ thể nhiễm bệnh. 

- Bệnh do chlamydia: có thể gây viêm mắt trẻ sơ sinh (khoảng 2 tuần sau đẻ), viêm phổi và viêm ống tai. Nếu không được điều trị, dứt khoát, bệnh có thể trở thành mạn tính, dễ tái phát và để lại sẹo ở giác mạc. Chứng viêm phổi thường bộc lộ ở tuần lễ thứ 6 sau sinh với triệu chứng ho, thở gấp, nhưng không sốt. Nếu ho nhiều sẽ làm cho trẻ không bú được và không lên cân. Cần điều trị bằng erythromycine theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Để phòng bệnh cho con, bạn cần kiểm tra sức khỏe để chắc chắn mình không bị những bệnh này và được bác sĩ tư vấn cách phòng bệnh tốt nhất.

Chúc bạn vui khỏe!
Chia sẻ