Lưu ý phòng tránh ngộ độc thực phẩm tại các lễ hội

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Tại khu vực lễ hội, hoạt động dịch vụ ăn uống thường không đảm bảo vệ sinh nên dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Các lễ hội diễn ra chủ yếu vào mùa xuân khi thời tiết nóng, lạnh thất thường. Thời tiết này cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh hơn bình thường, thực phẩm dễ bị ôi thiu nên những người dự lễ hội nếu không chú ý, ăn phải các thực phẩm kém chất lượng sẽ dễ bị ngộ độc thực phẩm.

Bộ Y tế đề nghị đảm bảo an toàn thực phẩm mùa lễ hội năm 2015

Ngày 26-2, Bộ Y tế gửi công điện đến UBND các tỉnh, thành phố để chỉ đạo sở y tế và UBND các cấp phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa lễ hội năm 2015.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố cần sắp xếp, bố trí nơi kinh doanh, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh có đủ nước sạch, nơi thu gom rác, đảm bảo ATTP, vệ sinh chung và cảnh quan lễ hội.

Yêu cầu các cơ sở, hộ gia đình kinh doanh thực phẩm tại khu vực lễ hội ký cam kết và thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm ATTP trong quá trình chế biến và bày bán sản phẩm.

Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh thành tổ chức các đoàn kiểm tra tại khu vực lễ hội, các cơ sở sản xuất thực phẩm có nhiều sản phẩm bán tại các khu vực lễ hội, xử lý nghiêm những vi phạm an toàn thực phẩm. Đồng thời bố trí các đội thường trực, sẵn sàng cấp cứu, điều tra xử lý kịp thời khi xảy ra ngộ độc thực phẩm nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng...

Theo Bộ Y tế, sau Tết Nguyên đán thường diễn ra những lễ hội ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Tại khu vực lễ hội, hoạt động dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thường đa dạng và khó kiểm soát do các hoạt động ở đây có tính chất thời vụ, địa điểm kinh doanh không cố định, khó bảo đảm đầy đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm nên nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng rất lớn.

Lưu ý phòng tránh ngộ độc thực phẩm tại các lễ hội 1
Tại khu vực lễ hội, hoạt động dịch vụ ăn uống thường không đảm bảo vệ sinh nên dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ảnh minh họa

Những lưu ý khi tiêu thụ thực phẩm tại các lễ hội

Để tránh bị ngộ độc thực phẩm tại các lễ hội khi chúng ta ăn uống trực tiếp tại các cửa hàng, địa chỉ xung quanh khu vực diễn ra lễ hội cần đảm bảo thực phẩm được nấu chín kĩ, không ăn đồ tươi sống hoặc tái, tránh thực phẩm có nhiều côn trùng xuất hiện xung quanh nhằm hạn chế bệnh tiêu chảy và tình trạng lây nhiễm vi khuẩn.

Để giữ sức khỏe ổn định suốt hành trình lễ hội, chúng ta nên mang bên mình trai nước bổ sung cho cơ thể. Tuyệt đối không nên uống nước đá và nước máy. Hãy chọn các loại nước đóng chai, ưu tiên cho những sản phẩm của các thương hiệu uy tín.

Bạn còn phải để ý đến chất lượng của nước sinh hoạt tại nơi đến. Nếu nước có mùi lạ hoặc trông bẩn, tuyệt đối không sử dụng chúng để rửa tay.

Ngoài việc tránh ăn các món rau trộn, bạn chỉ nên ăn những loại trái cây có vỏ và phải gọt bỏ vỏ trước khi ăn.

Vào mùa lễ hội, nhiều địa phương thường xuất hiện những đặc sản lạ như thịt thú rừng, các loại thực phẩm đặc trưng, hiếm có, nếu bạn không chắc chắn về nguồn gốc cũng như là ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe thì tuyệt đối không nên thử ăn.

Để tránh ngộ độc thực phẩm tại các lễ hội, tốt nhất người dân nên chọn các cửa hàng uy tín, có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, có môi trường kinh doanh tốt. Đồng thời nguồn gốc thực phẩm sử dụng nếu đóng gói phải có nhãn mắc bao bì xuất sứ rõ ràng, có hạn sử dụng được niêm yết theo quy định.

 Sơ cứu khi bị ngộ độc 

Nếu bị ngộ độc thức ăn, phải ngừng ngay không ăn món đó nữa.

Đối với người lớn, các triệu chứng ngộ độc thức ăn có thể là: tiêu chảy, nôn, nhứt đầu, đau bụng, nặng hơn là khó thở, tím tái, co giật… Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo thì cần gây nôn nhanh chóng bằng cách uống nhiều nước, móc họng, tìm cách đưa thức ăn nhiễm độc ra ngoài cơ thể.

Đối với trẻ em, không nên gây nôn để tránh trường hợp trẻ có thể bị sặc, nên để trẻ nằm, đầu ở vị trí thấp và nghiêng sang một bên.

Trường hợp bệnh nhân bị ngưng thở cần sơ cứu kịp thời bằng cách hà hơi và ấn tim. Sau đó nhanh chóng đưa đến bệnh viện gần nhất để điều trị.

Sau khi sơ cứu, phải khẩn trương đưa người bị ngộ độc đến bệnh viện sớm nhất để được xử lý tiếp. Cần mang theo thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc, chất nôn hoặc phân để giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị nhanh hơn.
Chia sẻ