Tư vấn sức khỏe giới tính:

Loại bỏ sự mệt mỏi trong ngày "đèn đỏ"

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Vào những ngày "đèn đỏ", do mất đi một lượng máu mà nhiều chị em cũng cảm thấy mệt hơn những ngày bình thường.

Thưa bác sĩ, cháu năm nay 23 tuổi, chưa có gia đình. Dạo gần đây cháu rất hay nhức mỏi cơ thể, nhất là trong những ngày có "đèn đỏ". Vào những ngày này, có lần cháu còn bị tê tay chân, chuột rút về đêm hoặc trong những lúc ngồi lâu một chỗ và đau bụng. Cháu có tới Trung tâm y tế phường để khám thì bác sĩ nói là sức khỏe bình thường (cháu chỉ khám bên ngoài, đo huyết áp, nghe tim, không làm xét nghiệm nào cả) và cho cháu ít thuốc bổ. Nhưng 2 tháng từ sau khi đi khám cháu vẫn thấy sức khỏe của mình không khá hơn. Không biết cháu có bị làm sao không. Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu. Cháu xin cảm ơn! (P. Hiền)

Trả lời:

Bạn P. Hiền thân mến!

Theo như mô tả của bạn thì chúng tôi khuyên bạn nên tới các cơ sở y tế tin cậy để được khám sức khỏe tổng quát, thậm chí làm các xét nghiệm nếu bác sĩ thấy cần thiết và yêu cầu. 

Loại bỏ sự mệt mỏi trong ngày
Vào những ngày "đèn đỏ", do mất đi một lượng máu mà nhiều chị em cũng cảm thấy mệt hơn những ngày bình thường. Ảnh minh họa

Nhức mỏi cơ thể kéo dài có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, ví dụ như do cơ thể bạn bị thiếu năng lượng vì ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, làm việc quá sức lực... hoặc do bạn đang mắc bệnh nào đó trong cơ thể (chẳng hạn như các bệnh về tuyến giáp là một trong những bệnh có thể làm cho bạn vô cùng mệt mỏi). 

Vào những ngày "đèn đỏ", do mất đi một lượng máu mà nhiều chị em cũng cảm thấy mệt hơn những ngày bình thường. Đau bụng trong những ngày này cũng là điều bình thường, đó là do lớp niêm mạc bên trong tử cung bong và trôi ra ngoài, có thể bị tắc lại nên gây đau. Tuy nhiên, nếu bạn bị đau bụng rất nhiều thì cần đi khám xem có bị u bướu hay viêm nhiễm gì không. Đặc biệt, nếu có khối u ở nội mạc tử cung thì thường gây đau bụng nghiêm trọng trong ngày hành kinh. Dị dạng đường sinh dục, cổ tử cung bị chít hẹp, quá nhỏ cũng có thể là nguyên nhân gây đau bụng mỗi lần hành kinh. Bạn nên đi khám chuyên khoa để được điều trị sớm nếu có bệnh.

Bị tê chân, tay hay chuột rút khi ngồi nằm lâu cũng có thể là do tư thế ngồi nằm không đúng làm mạch máu bị chèn ép, cản trở máu lưu thông, khiến các vùng cơ bắp chân tay thiếu máu nuôi. Nhưng nó cũng có thể là biểu hiện của tình trạng thiếu canxi trong cơ thể. Để hạn chế tình trạng này, bạn cần ngồi, nằm đúng tư thế, không ép sát đầu gối, nới lỏng để máu lưu thông tốt và nếu bị tê, có thể xoa bóp chân tay. Nếu ngay cả khi ngồi, nằm đúng tư thế mà tình trạng tê, chuột rút tay, chân vẫn xảy ra thì bạn càng nên đi khám để biết mình cần bổ sung thêm những dưỡng chất cần thiết nào nữa.

Ngoài ra, bạn nên nên thường xuyên tập thể dục, vận động và tham gia một môn thể thao nào đó để tăng cường sức khỏe. Bạn cũng nên bố trí lịch sinh hoạt hằng ngày một cách hợp lý, không nên ngồi làm việc quá lâu trước màn hình vi tính hoặc làm gì đó để tránh chân tay bị tê mỏi, chuột rút.

Chúc bạn vui khỏe!
Chia sẻ