Lắc vòng gây vô sinh?

Theo GiadinhNet,
Chia sẻ

Việc mọi người lo lắng chuyện lắc vòng làm cho trứng bị teo hay tử cung, ống dẫn trứng bị dập, sa tử cung... là không đúng.

Nhiều chị em muốn giảm cân, lấy lại vòng 2 gợi cảm bằng cách lắc vòng. Dù vậy, họ vẫn bán tín bán nghi sợ lắc vòng ảnh hưởng đến buồng trứng và các cơ quan nội tạng khác, thậm chí có thể mất cả khả năng sinh con sau này. Theo các chuyên gia, thông tin này không có cơ sở khoa học.

Vừa lắc, vừa lo

Nhiều người sau sinh vòng 2 trở nên biến dạng, tăng cân... khiến các bà mẹ trẻ phải khổ sở tìm phương pháp giảm, lấy lại vòng 2 thon gọn, gợi cảm. Theo tìm hiểu của PV, bên cạnh những chiếc vòng mây, nhiều chị em còn tìm đến làm đẹp vòng 2 bằng tràng hạt. Đây là loại vòng gồm các hạt bằng gỗ có đường kính 5cm được xâu lại với nhau bằng một dây thừng. Thậm chí nhiều người còn lập hội lắc vòng để cùng chia sẻ với nhau những "bí kíp" làm đẹp. Với họ, lắc vòng tràng hạt rất đặc biệt vì khi lắc những hạt gỗ sẽ massage để đánh tan lượng mỡ tích tụ ở bụng.

Vòng 2 quá khổ khiến bạn bè suốt ngày trêu là “thùng phi di động”, Trần Ngọc (ở Hưng Yên) nhanh chóng tậu cho mình một chiếc vòng. Lúc đầu cô hào hứng lắc ngày 2 lần, nhưng chỉ được một tuần, vòng 2 của cô bỗng trở nên thâm đen với những nốt bầm dập do vòng hạt gây ra. Lại nghe mấy bà hàng xóm bên cạnh “rỉ tai” lắc vòng sẽ làm teo buồng trứng, ảnh hưởng đến chuyện sinh đẻ sau này, Ngọc tá hỏa từ bỏ "giấc mơ giảm cân" từ việc lắc chiếc vòng gỗ vừa to vừa nặng.

Chị Nguyễn Thị Hà (ở Hà Đông Hà Nội) bị mẹ chồng đay nghiến đổ lỗi vợ chồng chị chậm có con là do chị lắc vòng. Trước khi kết hôn, chị Hà thường có thói quen lắc vòng đều đặn để giữ dáng. Từ sau khi cưới, chị tăng cân vù vù, cơ thể trở nên nặng nề nên chị tăng cường lắc vòng. “Nghe mọi người nói bóng gió do lắc vòng nhiều, nhất là lắc loại vòng vừa to vừa nặng sẽ ảnh hưởng đến buồng trứng, cơ quan sinh sản. Nhiều người còn bảo có thể đó chính là nguyên nhân khiến tôi chậm có con nên mẹ chồng cứ chì chiết”, chị Hà chia sẻ.

Lắc vòng gây vô sinh? 1

Lắc vòng cũng như bất kỳ môn thể thao nào khác, cần tập luyện kiên trì và đều đặn. Ảnh minh họa

Không có chuyện lắc vòng gây vô sinh

BS Trần Ngọc Hà – Phó trưởng khoa Phụ sản (Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng) cho hay, lắc vòng là một môn thể dục tốt. Thông tin lắc vòng gây vô sinh là không có cơ sở khoa học. Lắc vòng chỉ tác động đến nhóm cơ bên ngoài thành bụng, lực tác động không đủ mạnh để làm tổn thương các cơ quan bên trong ổ bụng. Do đó, việc mọi người lo lắng chuyện lắc vòng làm cho trứng bị teo hay tử cung, ống dẫn trứng bị dập, sa tử cung... là không đúng.

Nguyên nhân gây vô sinh có rất nhiều. Có thể là do từ người đàn ông, cũng có thể từ người phụ nữ hoặc do hai vợ chồng. Ngoài ra, còn một nhóm vô sinh không rõ nguyên nhân. “Vấn đề vô sinh cũng có thể do nguyên nhân cơ học như hẹp ống dẫn trứng, tử cung nhỏ, buồng trứng kém phát triển. Môi trường âm đạo, cổ tử cung viêm cũng gây vô sinh… Hiện nay, khoa học hiện đại đã khắc phục gần hết các nguyên nhân này. Nhiều chị em sẽ có khả năng làm mẹ khi thụ tinh trong ống nghiệm”, BS Hà cho hay.

“Lắc vòng tràng hạt hay lắc vòng mây đều tốt cho sức khỏe nếu bạn duy trì tập luyện và tập luyện với tần suất vừa phải, phù hợp với sức khỏe của mình. Với những người mới làm quen với lắc vòng thì nên tập với thời lượng ngắn để tránh cơ thể bị mệt mỏi, tổn thương... Tập thể dục làm sức khỏe tốt hơn thì tình trạng có con của họ sẽ dễ dàng hơn”, BS Trần Ngọc Hà nói.

BS Trần Ngọc Hà khuyến cáo, việc lắc vòng cần có thời gian tăng từ vòng nhỏ lên vòng lớn, không nên quá nóng vội, tập thời gian kéo dài, hay vòng quá nặng sẽ làm tổn thương đến lớp cơ mỡ thành bụng... Với các chị em sau sinh cần sau ít nhất 6 tuần mới nên tập. Bởi ít nhất sau 6 tuần các chức năng, sinh lý và giải phẫu ở sản phụ mới trở lại bình thường. Sau thời điểm đó tập thể dục thì không có chuyện gây sa sinh dục. Ngoài ra, những ngày “đèn đỏ” chị em cũng nên hạn chế tập vì nội tiết và tâm sinh lý sẽ thay đổi. Việc vệ sinh cần chú ý hơn, sau 2 tiếng phải thay băng vệ sinh. Bởi môi trường âm đạo ấm, ẩm rất thuận lợi cho nấm, ký sinh trùng phát triển nên rất dễ viêm nhiễm trong những ngày đó. Hơn nữa, hoạt động mạnh sẽ làm lượng máu ra nhiều hơn.

Các chuyên gia khuyên, không nên lắc vòng khi quá no hoặc quá đói vì sẽ ảnh hưởng đến dạ dày. Nên lắc vòng cách bữa ăn khoảng 2 giờ để không bị rối loạn tiêu hóa. Không nên lắc vòng với tốc độ quá nhanh mà nên lắc với vận tốc chậm và đều sẽ cho hiệu quả tốt. Sử dụng loại vòng lắc không quá nặng. Thời gian tập luyện phải hợp lý, mỗi lần tập không quá 20 phút, không quá ba lần trong ngày.

Đặc biệt, dù là phương pháp tập luyện gì đi chăng nữa cũng đều đòi hỏi tính kiên trì, lắc vòng cũng vậy. Bạn nên duy trì đều đặn, không nên ngắt quãng. Khi mới lắc có thể sẽ có vết bầm. Đó chỉ là tổn thương da và mô liên kết dưới da tại chỗ, sau một thời gian sẽ tái tạo phục hồi như trước.

“Vô sinh là một vấn đề liên quan đến bộ phận sinh dục bên trong cơ thể, việc lắc vòng không thể tác động vào sâu trong đó nên không thể coi đó là nguyên nhân gây vô sinh hay ảnh hưởng buồng trứng của người phụ nữ. Lắc vòng tốt cho sức khỏe. Khi lắc vòng, cơ thể phải vận động các nhóm cơ ở thành bụng, cơ lưng, cơ hoành và cả hệ cơ vùng tiểu khung. Để có được một vòng 2 như ý, ngoài việc luyện tập cần có chế độ ăn uống khoa học mới có được kết quả cao nhất”.

PGS.TS Trần Thiết Sơn - Trưởng Khoa phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội)

Chia sẻ