Khi có người thân nhiễm cúm A/H1N1...

,
Chia sẻ

Con trai tôi vừa bị nhiễm cúm A/H1N1 và phải ở nhà. Tôi phải làm gì để để giữ cho mọi người trong nhà không bị lây bệnh?

Trả lời: 

Có rất nhiều bậc cha mẹ đã hỏi chúng tôi điều này và dưới đây một số khuyến nghị giúp bạn giảm thiểu được sự lây lan của căn bệnh: 

- Cách ly: Hãy để trẻ ốm ở trong phòng riêng. Mọi sinh hoạt đều ở đó. Những người có nguy cơ cao nhiễm cúm A/H1N1 (như trẻ dưới 5 tuổi, thai phụ và những người có bệnh mãn tính như bệnh hen, bệnh tim) cần ở khoảng cách ít nhất là 2m, nhằm hạn chế tối đa cơ hội lây nhiễm từ những giọt dịch bắn ra trong quá trình ho hay hắt hơi của người bệnh. 

- Không tiếp xúc: Tránh cầm hay bắt tay với người ốm. Thực tế, là nên tránh bắt tay trong mùa cảm cúm, cảm lạnh. Nếu tiếp xúc, cần rửa tay ngay lập tức sau đó. 

- Vệ sinh vật dụng: Sách và đồ chơi của trẻ cần được rửa sạch. Lau tay cầm cửa, tủ lạnh và chậu rửa với nước vệ sinh chuyên dụng. 

- Không dùng chung đồ dùng: Vi khuẩn rất khó nhìn thấy vì vậy tránh uống chung cốc, dùng chung bát đĩa, khăn mặt… 

- Che tay khi ho:  Dạy trẻ cách ho và hắt hơi vào một tờ giấy (và rồi bỏ nó vào sọt rác ngay, rửa tay sau đó) hoặc dùng cánh tay để che miệng mũi mỗi khi ho, hắt hơi. Người chăm sóc nên mang khẩu trang vừa vặn để cảm thấy thoải mái dù phải đeo thường xuyên. 

- Ôm ấp có chừng mực: Trẻ ốm thường làm nũng, bạn có thể ôm bé nhưng tránh mặt đối mặt. Tránh không hôn lên miệng. 

- Nhà cửa thông thoáng: Mở cửa sổ và bật quạt ở các khu vực như bếp, phòng sinh hoạt chung và phòng tắm. 

- Chờ đợi: Xu hướng nhiễm virus H1N1 thường là trong khoảng 7 ngày kể từ khi tiếp xúc với người ốm. Người bệnh cũng dễ lây nhất trong những ngày đầu phát bệnh, mặc dù trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể tiếp tục truyền virus lâu hơn 1 tuần. Nếu một tuần trôi qua, kể từ ngày con trai bạn mắc bệnh mà bạn không có biểu hiện nào thì có thể khẳng định rằng bạn đã không bị lây bệnh từ cháu.
 
Cúm A/H1N1 vẫn lây sau nhiều ngày dứt sốt
 
“Ngừng ho mới là dấu hiệu cho thấy khả năng lây truyền virus H1N1 của bệnh nhân không còn nữa”, các chuyên gia y tế cho biết sau khi xem xét một nghiên cứu mới cho thấy virus vẫn tồn tại trong cơ thể bệnh nhân và có thể tiếp tục lây truyền sau nhiều ngày dứt sốt.
 
Theo khuyến nghị chung của TT Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh, mọi người nên tránh tiếp xúc với người bệnh cho tới khi họ dứt sốt được 1 ngày. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy chúng ta cần cẩn thận hơn, đặc biệt là khi ở cùng nhà - nơi nguy cơ lây lan bệnh cao nhất. Gaston De Serres và các nhà nghiên cứu khác đã lấy dịch mũi và họng từ 43 bệnh nhân dương tính với virus H1N1 và 12 người thân của họ bị ốm. 8 ngày sau khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện, 19-75% mẫu xét nghiệm cho thấy vẫn còn virus trong dịch mũi.
 
Còn nghiên cứu của BS Daivd C.Lye trên 70 bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện Tan Tock Seng (Singapore) cho thấy 80% còn virus trong dịch mũi họng sau 5 ngày xuất hiện triệu chứng đầu tiên và 40% vẫn còn vẫn còn virus sau 7 ngày. Thậm chí có bệnh nhân vẫn còn virus sau 16 ngày.
 
Các chuyên gia khẳng định, cúm A/H1N1 cũng có thời gian lây lân lâu hơn so với cúm mùa. Các bác sĩ cho biết cúm mùa có thể lây trước vào sau khi biểu hiện bệnh kết thúc 2 ngày
 
“Nghiên cứu này cho thấy bạn không nên ngừng tiếp xúc 1-2 ngày mà cần giữ khoảng cách trong khoảng 1 tuần”, Gaston De Serres, nhà khoa học của Viện Sức khỏe cộng đồng (Quebec, Canada), khuyến nghị.
 
Nghiên cứu đã được trình bày trong hội nghị Sinh học. Đây là hội nghị lớn đầu tiên của các chuyên gia bệnh truyền nhiễm kể từ khi dịch cúm A/H1N1 bùng phát.
 
Hiện chưa rõ liệu nghiên cứu mới này có được CDC chấp nhận, đưa vào thành một khuyến cáo mới về thời gian cách ly, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. 

Theo Dân trí

Chia sẻ