Hóa điên vì nghiện việc

,
Chia sẻ

Theo nhiều bác sĩ và chuyên gia tâm lý, tình trạng sa lầy trong công việc dẫn đến stress nghiêm trọng, thậm chí loạn thần kinh ngày càng phổ biến.

PGS.TS Lê Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương, cho biết, gần đây bệnh viện liên tục tiếp nhận các bệnh nhân đe dọa tự tử, trầm cảm, rối loạn lo âu, stress vì sức ép công việc. Nhiều người tham công tiếc việc đến mức mê muội, không quan tâm sức khỏe bản thân.

Sai một ly, đi tự tử

Bệnh nhân Nguyễn Thành N., 50 tuổi, giám đốc một công ty có tiếng ở Hà Nội, sau khi tự vẫn bất thành đã phải vào viện điều trị chứng loạn thần do làm việc quá mức. Dự vài ba cuộc họp mỗi ngày, điện thoại réo gần 300 lần trong vòng 24 giờ, ký những hợp đồng kinh tế hàng trăm tỷ đồng, bia rượu liên miên với đối tác..., áp lực phải thành công hơn nữa khiến vị giám đốc luôn trong tình trạng “căng như dây đàn”.

Hóa điên vì nghiện việc

Bỏ qua những cơn đau đầu, đau bụng, T. sống như một cái máy được lập trình để chạy hết công suất với phương châm sai một ly, đi một tỷ. Không khí gia đình nặng nề, áp lực công việc đè nặng khiến ông mất ngủ nhiều đêm, uống rượu triền miên. Kết quả là ông bị loạn thần và muốn tìm đến cái chết.

Bệnh nhân Phạm Thành L., 32 tuổi, cao lớn, đẹp trai, du học từ nước ngoài về. Với mong muốn làm giàu nhanh chóng và học hỏi được càng nhiều kinh nghiệm càng tốt, L. không ngại vài tháng chuyển chỗ làm một lần, thậm chí có khi làm 2 - 3 công việc một lúc. L. mê việc đến nỗi đôi khi quên cả ăn uống, quên cả bạn bè.

Nhưng thành quả công việc không như mong muốn. Cả nhà phát hoảng khi thấy L. cứ tự diễn thuyết như đang điều hành một công ty lớn. Sau khi tiếp nhận L., bác sĩ kết luận: bệnh nhân bị hoang tưởng do làm việc quá mức.

Theo Ths Đinh Đoàn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý Nhật Minh, do thúc ép của công việc nên người nghiện việc phải gồng mình lên, dẹp bỏ nhiều nhu cầu khác. Họ dần kiệt sức, chán ăn, mệt mỏi, mất ngủ, ít quan tâm tới đời sống xã hội xung quanh, bó hẹp giao tiếp... Cuộc sống trở nên đơn điệu, nhàm chán. Khi ngừng làm việc, họ thường có cảm giác trống rỗng.

Bệnh chồng bệnh khó chữa

Làm việc quá sức mà không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý sẽ tiêu hao sức khỏe, tạo áp lực thể chất, tinh thần cho bản thân, dẫn đến nhiều rối loạn và bệnh tật như căng thẳng thần kinh, suy nhược, trầm cảm, mất ngủ kéo dài... Theo các bác sĩ, dấu hiệu ban đầu của người nghiện việc là yếu mệt, đau đầu, đau bụng, đau lưng, mất cân bằng nội tiết...

Quá trình làm việc quá sức lặp đi lặp lại cộng thêm những biến động bất lợi trong cuộc sống có thể khiến người nghiện việc đổ bệnh cả thể chất lẫn tinh thần, tạo điều kiện cho các bệnh khác phát triển như tăng huyết áp, loét dạ dày, hoành tá tràng, tim mạch…

Sau khi cảm thấy đau tim, nhiều người đi khám và uống các loại thuốc điều trị tim mạch nhưng bệnh không hề thuyên giảm, thậm chí có dấu hiệu nặng thêm. TS Hồi cho biết, đó là hậu quả của chứng nghiện làm việc. Khi đó cần điều trị bằng liệu pháp tâm lý và thuốc đặc trị về thần kinh, chứ không thể chữa bằng phác đồ dành cho bệnh nhân tim.

Theo thạc sĩ Đoàn, con người không phải là cái máy vĩnh cửu, vì vậy rất cần điều hoà hợp lý giữa làm việc, học tập, chăm lo cuộc sống gia đình, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí và thoả mãn các nhu cầu cá nhân khác.

Đặc biệt, nên xác định lại giá trị cuộc sống, nhận diện đâu là hạnh phúc, mục tiêu cuộc đời mình để từ đó có những điều chỉnh hài hòa giữa công việc và đời sống tinh thần.

Đừng ngại hỏi ý kiến nhà chuyên môn khi sức khỏe tinh thần có vấn đề. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân nghiện việc cần người thân tâm sự, chia sẻ để họ sớm có những thay đổi phù hợp.

Theo Trần Danh
Baodatviet
Chia sẻ