Hiểm hoạ từ những bữa ăn thịnh soạn

,
Chia sẻ

Người Hà Nội đang ăn gần 3 lạng thịt mỗi ngày, còn người Nhật chỉ ăn 74g/1 ngày. Trong khi đó, 43% nguyên nhân gây ung thư có nguồn gốc từ thịt đỏ.

Con số này được PGS.TS. BS Lê Bạch Mai, Viện Dinh dưỡng Việt Nam cho biết tại Hội thảo Dinh dưỡng hợp lý để chăm sóc gia đình do nhãn hàng sữa chua Well Yo (Công ty Cổ phần Kido) phối hợp với Hội LHPN một số quận huyện nội thành Hà Nội tổ chức ngày 31/10.

Tụt hậu chiều cao do dinh dưỡng không hợp lý

"Hiện nay, người Việt Nam đang thua chiều cao so với người Nhật là 8 đến 10cm. Để đạt đến mức chiều cao trung bình như người Nhật hiện nay, chúng ta mất ít nhất 80 đến 100 năm nữa. Trong khi đó, trong quá khứ, chúng ta từng "chê" người Nhật lùn. Chỉ bằng dinh dưỡng hợp lý, họ đã vượt lên chúng ta rất nhiều" - BS Mai cho biết.

Bữa ăn gia đình hợp lý phải cân bằng giữa 4 nhóm thực phẩm. Ảnh HL.

Sự bất hợp lý của người Việt chính là từ những bữa ăn quá thịnh soạn và không hợp lý. Trong khi người Nhật lấy chất đạm từ 3,5 lạng cá mỗi ngày thì người Việt Nam chỉ ăn 72g. Con số rau xanh lý tưởng cho mỗi người trong một ngày là 400g thì người Việt Nam chỉ mới dừng lại ở con số 200g. Riêng thịt đỏ, trung bình người Việt Nam ăn là 75g/1 ngày, nhưng ở một số quận nội thành Hà Nội, theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, có nhiều người ăn ở mức gần 3 lạng mỗi ngày. Trong khi đó, theo khuyến cáo của các bác sĩ dinh dưỡng, con số hợp lý chỉ nên ở mức 1 lạng thịt/1 ngày/1 người.

Nguy cơ từ thịt đỏ là rất khủng khiếp. Có tới 43% nguyên nhân gây bệnh ung thư có nguồn gốc từ thịt đỏ, trong đó có ung thư đại trực tràng, ung thư vú. Hiện nay, có nhiều nam giới cũng mắc ung thư vú, do chế độ ăn uống không hợp lý vì ăn quá nhiều thịt và mỡ. Có 34% phụ nữ bị ung thư nội mạc tử cung do béo phì. Còn trẻ dưới 20kg, nếu ăn quá 1 lạng thịt mỗi ngày sẽ có nguy cơ tích luỹ kim loại nặng trong người. Những người cao tuổi sẽ không có lợi cho sức khoẻ tim mạch vì phải hấp thu lượng cholecterol quá nhiều từ thịt.

Bữa ăn thịnh soạn còn đẩy tỉ lệ béo phì, đái tháo đường tại các thành phố lớn tăng chóng mặt. Hiện nay, Việt Nam đang là nước có tốc độ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới. Tỉ lệ người béo phì ở các thành phố lớn chiếm tới 30% dân số, trong khi nông thôn con số này chỉ mới là 13%.

Ngoài ra, những thói quen ăn uống không hợp lý còn đẩy tình trạng trẻ em đã gầy càng gầy hơn, trẻ béo càng béo hơn. "Nhiều bà mẹ có thói quen cho con ăn bim bim mà không biết rằng năng lượng từ 1 gói bim bim bằng nửa bát cơm nhưng lại không có vi chất hay chất dinh dưỡng nào. Trẻ gầy ăn bim bim sẽ chán ăn và bỏ bữa chính. Trẻ béo ăn bim bim sẽ càng béo hơn vì trẻ vẫn còn ăn thêm bữa chính" -  BS Mai cho hay.

Giảm cân không bao giờ là muộn!

Đó là thông điệp của các bác sĩ dinh dưỡng gửi tới mọi người. Việc tổ chức một bữa ăn hợp lý, đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng và không gây béo phì là mục tiêu số một đối với các bà mẹ, người có vai trò "cầm cân nảy mực" trong việc giữ gìn sức khoẻ cho các thành viên trong gia đình. Nguyên tắc tổ chức bữa ăn hợp lý trong gia đình với chế độ ăn 3 bữa/ngày phải đảm bảo: Bữa sáng = 30% tổng số năng lượng, bữa trưa = 45% tổng số năng lượng, bữa chiều tối = 25% tổng số năng lượng.

"Không có một thức ăn nào là toàn diện. Khẩu phần có giá trị cao chỉ khi trong thành phần có đủ mặt các nhóm ở tỉ lệ thích hợp. Đó là nguyên tắc cơ bản của dinh dưỡng hợp lý" - BS Mai khuyến cáo.

Có 4 nhóm thực phẩm cơ bản cần có trong bữa ăn. Đó là: Nhóm 1 cung cấp protein gồm sữa, thịt, trứng, đậu khô và chế phẩm của chúng; Nhóm 2 là các chất béo. Tuy nhóm này không có nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng chứa nhiều lipid có năng lượng cao, khi phối hợp các thực phẩm khác cũng sẽ làm các vitamin tan trong chất béo khác, hữu ích khi chế biến thức ăn. Nhóm thứ 3 là nhóm ngũ cốc có năng lượng cao do nhiều tinh bột. Nhóm thứ 4 là các loại rau quả, cung cấp nhiều vitamin C, provitamin A và một số vitamin nhóm B. Rau nghèo năng lượng nhưng chất xơ trong rau khi vào dạ dày sẽ giúp hút chất đường từ các thực phẩm khác trong dạ dày sau đó nhả ra từ từ nên cơ thể không bị tăng lượng đường đột ngột.

Trong những nhóm thực phẩm trên, canxi là thành phần vốn có rất ít trong cả 4 nhóm. Do vậy, với phụ nữ, nhất là phụ nữ đã sinh con, mất lượng canxi quá nhiều trong quá trình sinh nở, cần một chế độ bổ sung canxi hợp lý, tránh tình trạng còng lưng sau này. BS Mai khẳng định, sữa và các chế phẩm từ sữa là nguồn cung cấp canxi hiệu quả cho phụ nữ. Mỗi ngày một cốc sữa hoặc các chế phẩm từ sữa sẽ giúp bổ sung lượng canxi thiếu hụt này.

Ngoài ra, khi tổ chức bữa ăn, có một số nguyên tắc căn bản người mẹ cần nhớ là chọn những thực phẩm có thể đáp ứng được nhu cầu khác nhau của các thành viên trong gia đình, căn cứ vào tuổi tác, giới tính, tình trạng thể chất và nghề nghiệp của họ. Với trẻ em đang lớn cần ăn nhiều loại thực phẩm để xây dựng và phát triển cơ thể, nhu cầu chất đạm của trẻ em cao hơn người lớn gấp 3 – 4 lần. Với phụ nữ có thai cần có các thực phẩm giàu chất đạm, chất vôi và chất sắt. Với người cao tuổi cần giảm tỷ lệ bột, đường, dầu, mỡ, thực phẩm chế biến cần dễ tiêu, dễ nhai, ít chất kích thích, tránh ăn mặn, rất có hại cho tim, thận...
 
Theo Hiền Lê
VTCNews
Chia sẻ