Hẹp cổ tử cung: một nguyên nhân khó có con ở phụ nữ

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Hẹp cổ tử cung là một bệnh do bẩm sinh nhưng cũng có thể do tác động của các bệnh khác và gây khó có thai.

Em kết hôn được gần 2 năm, trong 1 năm đầu chúng em "kế hoạch" bằng cách tính ngày. Trong thời gian sau đó (khoảng 8 tháng) vợ chồng em không kế hoạch nữa nhưng vẫn chưa có em bé. Em đi khám thì bác sĩ nói em bị hẹp cổ tử cung nên khó có con. Em mong bác sĩ tư vấn giúp em về bệnh hẹp cổ tử cung, bệnh này có nguy hiểm không và ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe sinh sản của em. Em xin cảm ơn bác sĩ! (T. Hoàng)

Trả lời:

Bạn T. Hoàng thân mến!

Người phụ nữ gặp bất kì trục trặc nào ở cơ quan sinh sản đều có thể phải đối mặt với nguy cơ khó có con, trong đó có cả chít hẹp cổ tử cung, hẹp vòi trứng hoặc viêm nhiễm ở các cơ quan này...

Hẹp cổ tử cung: một nguyên nhân khó có con ở phụ nữ 1
Hẹp cổ tử cung là một bệnh do bẩm sinh nhưng cũng có thể do tác động của các bệnh khác và gây khó có thai. Ảnh minh họa

Cổ tử cung bị chít hẹp có nghĩa là cổ tử cung bị nhỏ hơn bình thường, chít hẹp lại có thể do bị dính 1 phần hoặc có dị vật hoặc nang, hoặc polyp ở cổ tử cung. Hẹp cổ tử cung là một bệnh do bẩm sinh nhưng cũng có thể do tác động của các bệnh khác, ví dụ như do viêm, dính sau hút nạo thai, sau khi làm thủ thuật có liên quan đến cổ tử cung, tử cung, polyp cổ tử cung… gây ra. Hầu hết những người bị hẹp tử cung thường có cảm giác bị đau bụng trong kì kinh nguyệt, đau khi có quan hệ tình dục, chảy máu bất thường hoặc không có kinh nguyệt (vô kinh). Những người phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh cũng có thể vô tình bị hẹp cổ tử cung cho dù họ không thấy bất kì triệu chứng nào. 

Khi bị hẹp cổ tử cung, người phụ nữ sẽ chậm có thai, thậm chí khó có thai vì tinh trùng bị cản trở không thể di chuyển vào buồng tử cung và đến vòi trứng để thụ thai được.

Qua mô tả của bạn, rất khó để chẩn đoán bạn bị hẹp cổ tử cung do bẩm sinh hoặc do yếu tố tác động nào khác. Tuy nhiên, bạn cũng không nên lo lắng quá. Trong nhiều trường hợp, hẹp cổ tử cung có thể được điều trị thành công và tăng khả năng có thai cho người phụ nữ.

Để biết chính xác bạn bị hẹp cổ tử cung do đâu và có tác động đến sức khỏe như thế nào thì bạn nên tham khảo tư vấn của bác sĩ đã khám và điều trị cho bạn. Bạn không được tự đoán bệnh và tự ý mua thuốc điều trị theo hướng dẫn của bất kì ai.

Khi quan hệ tình dục thường xuyên trong vòng 1 năm mà người vợ không mang thai, khi ấy các Cặp vợ chồng nên đi khám vô sinh kiểm tra tổng thế sức khỏe sinh sản của cả vợ và chồng. 

Chúc vợ chồng bạn sớm có "tin vui"!
Chia sẻ