Hậu quả trầm trọng của đái tháo đường đối với các bà bầu

,
Chia sẻ

Hậu quả lâu dài của ĐTĐ thai nghén có thể làm xuất hiện ĐTĐ týp 2 ở mẹ và béo phì, rối loạn dung nạp glucose và/hoặc ĐTĐ týp 2 ở con.

Đái tháo đường (ĐTĐ) thai kỳ là một dạng rối loạn dung nạp carbonhydrate ở những mức độ khác nhau khởi phát trong thời kỳ thai nghén.

Phân biệt với các loại ĐTĐ khác và dịch tễ học

Phụ nữ mắc ĐTĐ trước khi mang thai là ĐTĐ thật sự. Nhưng phụ nữ mắc ĐTĐ thai kỳ sau khi sinh cần khám và kiểm tra lại để có chẩn đoán chính xác.

Chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ được xác định nhờ test dung nạp glucose bằng đường uống.

Phụ nữ nên được làm test phát hiện ĐTĐ thai kỳ giữa khoảng thời gian từ tuần thứ 24 - 28 của thai kỳ. Chưa có số liệu ĐTĐ thai kỳ ở Việt Nam nhưng nhiều nghiên cứu gợi ý rằng tỉ lệ này xấp xỉ 10% ở phụ nữ có thai.

ĐTĐ thai kỳ làm tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong chu sinh. Hậu quả lâu dài của ĐTĐ thai nghén có thể làm xuất hiện ĐTĐ týp 2 ở mẹ và béo phì, rối loạn dung nạp glucose và/hoặc ĐTĐ týp 2 ở con.
 


Xác định phụ nữ ĐTĐ thai kỳ có vai trò quan trọng trong dự phòng để làm giảm tỷ lệ ĐTĐ týp 2 ngày càng tăng trong cộng đồng.

Cơ sở

ĐTĐ trong thời kì mang thai là sự giảm dung nạp carbohydrate với các mức độ khác nhau mà những rối loạn này được phát hiện lần đầu trong khi đang có thai. Như vậy, một tỷ lệ nhỏ phụ nữ có thai đã bị ĐTĐ từ trước nhưng không được phát hiện đã mắc ĐTĐ týp 1 hoặc týp 2 cũng nằm trong nhóm này.

Những người này hoặc sẽ được phát hiện nhờ biểu hiện lâm sàng trong khi mang thai hoặc sẽ được xác định bằng nghiệm pháp dung nạp glucose sau đẻ. ĐTĐ thai kỳ có liên quan đến hậu quả không tốt cả giai đoạn trước mắt và lâu dài đối với cả mẹ và con.

Tỷ lệ hiện mắc ĐTĐ thai kỳ đang tăng lên và thay đổi khác nhau theo nhóm các dân tộc. Theo số liệu ban đầu của cuộc điều tra phụ nữ có thai có tuổi từ 25 trở lên tại Hà Nội thì tỷ lệ ĐTĐ thai kỳ khoảng 10%, một nghiên cứu khác ở một quận ở TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ này là 3,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đại diện cho toàn bộ tình trạng ĐTĐ thai nghén của Việt Nam.

Hậu quả của ĐTĐ thai kỳ

Những nguy cơ đối với bào thai

Khi người mẹ mắc ĐTĐ thai kỳ thì tăng tỷ lệ thai chết lưu, tăng nguy cơ sảy thai và tăng nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh.

ĐTĐ thai kỳ làm tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong chu sinh. Những tiến bộ gần đây trong chăm sóc bà mẹ và thai nhi đã làm giảm tỷ lệ tử vong chu sinh ở các nước phương Tây một cách chắc chắn và toàn diện; nhưng nó vẫn đang là vấn đề cần phải được đặc biệt quan tâm ở các nước đang phát triển.

Những đứa trẻ được sinh ra bởi những bà mẹ không được chẩn đoán hoặc những bà mẹ ĐTĐ thai kỳ không được quản lý tốt có nguy cơ thai to và phải can thiệp khi sinh. Nguy cơ hạ đường huyết sơ sinh, vàng da, hạ canxi máu... đã làm tăng nhu cầu sử dụng phương tiện chăm sóc đặc biệt.

Những nguy cơ đối với trẻ

Những đứa trẻ của lần mang thai bị ĐTĐ thai kỳ sẽ tăng nguy cơ béo phì; sớm xuất hiện rối loạn dung nạp glucose và ĐTĐ týp 2. Nguy cơ này dường như có liên quan đến nồng độ glucose trong máu của mẹ, người ta không thấy nguy cơ này xảy ra ở những người phụ nữ được kiểm soát tốt glucose máu trong khi mang thai.

Những nguy cơ đối với mẹ

Sau tuần thứ 12 là người mẹ nếu bị mắc ĐTĐ thai kỳ đã có những nguy cơ cao bị nhiễm độc thai nghén, làm tăng bệnh võng mạc tăng sinh.


Về những tuần của 3 tháng cuối có nguy cơ thai to, ngôi thai bất thường và tăng tỷ lệ tử vong cho mẹ khi sinh.

Ngay trong đẻ cũng gây cho mẹ đẻ khó, dễ tử vong. Sau đẻ thì có nguy cơ hạ đường huyết sau đẻ, một hậu quả tất yếu của mắc ĐTĐ thai kỳ.

ĐTĐ thai kỳ là một yếu tố nguy cơ quan trọng, để tiên lượng xuất hiện ĐTĐ týp 2 ở bà mẹ. Tỷ lệ chuyển thành ĐTĐ týp 2 ở phụ nữ có ĐTĐ thai kỳ thay đổi khác nhau giữa các nhóm quần thể.

Tỷ lệ này ở những người da trắng vào khoảng 2%/năm. Những phụ nữ béo phì hoặc những phụ nữ thuộc các cộng đồng, nền văn hoá hoặc dân tộc có tỷ lệ ĐTĐ týp 2 cao và khởi phát sớm sẽ có tỷ lệ chuyển đổi nhanh hơn, khoảng 5% một năm. 

 
 
Theo SKĐS
Chia sẻ