Hạt vỏ cứng tốt hơn bạn vẫn tưởng

Theo PNO,
Chia sẻ

Những lý do dưới đây sẽ lý giải vì sao bạn nên nhâm nhi các loại hạt có vỏ cứng và tầm quan trọng của chúng đối với sức khỏe.

Bên cạnh nguồn protein thực vật vô cùng phong phú, các loại hạt có vỏ cứng còn có nhiều dưỡng chất giá trị như vitamin A, vitamin E và folate, những khoáng chất như ma-giê, selen, đồng, kẽm, phốt-pho, chất xơ, những chất béo có ích cho tim và các chất chống ô-xy hóa…

Những lý do dưới đây sẽ lý giải vì sao bạn nên nhâm nhi các loại hạt có vỏ cứng và tầm quan trọng của chúng đối với sức khỏe.

1. Hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim

Những chất béo có trong các loại hạt có vỏ cứng phần lớn là các a-xít béo chưa bão hòa,  đã được chứng minh là có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và hạn chế mật độ của lipoprotein. Các a-xít béo omega-3 hiện diện trong những hạt này có tác dụng làm hạ thấp mức triglycerides trong mạch máu. Một số loại hạt còn chứa các sterol từ thực vật, giúp làm giảm mức cholesterol. Mỗi tuần, chỉ cần dùng 140g các loại hạt có vỏ cứng, nguy cơ mắc những căn bệnh về tim mạch giảm tới 35%. Ngoài ra, ở những phụ nữ ăn các loại hạt có vỏ cứng 4 lần mỗi tuần, nguy cơ tử vong vì bệnh tim cũng giảm khoảng 40%.

2. Nguồn cung cấp protein dồi dào

Các loại hạt có vỏ cứng rất giàu protein. Trên thực tế, những người ăn chay có thể sử dụng các loại hạt này để đáp ứng nhu cầu protein mà cơ thể cần mỗi ngày. Tám loại amino a-xít thiết yếu mà con người cần để bổ sung protein cho cơ thể đều có trong hạt đậu phộng. Bên cạnh đó, các loại hạt có vỏ cứng đều có nhiều loại amino a-xít có tên là Arginine, giúp làm thư giãn và mở rộng các mạch máu. Lượng protein trong các loại hạt này đủ đáp ứng cho nhu cầu của cơ thể.
 

3. Hạ huyết áp

Trong các loại hạt vỏ cứng chứa chất I-arginine có khả năng làm tăng sự sản xuất ô-xít nitric trong cơ thể. Ô-xít nitric sẽ giúp làm thư giãn các động mạch và khiến chúng mềm dẻo hơn, ít có xu hướng hình thành các khối máu đông - do mức huyết áp trong cơ thể được cải thiện theo hướng giảm.

4. Giúp xương chắc khỏe

Phần lớn các loại hạt này đều cung cấp nhiều kali, can-xi và phốt-pho. Đây là những khoáng chất rất cần thiết để xây dựng xương. Trên thực tế, ¼ chén hạt hạnh nhân có chứa lượng can-xi hầu như tương đương với ¼ ly sữa. Hạt đậu phộng cũng có Lysine, chất dinh dưỡng có ý nghĩa quan trọng cho việc hấp thu can-xi của cơ thể.

5. Tăng cường chất xơ

Là nguồn cung cấp chất xơ nên các loại hạt có vỏ cứng sẽ giúp phần thức ăn đã được tiêu thụ trong cơ thể di chuyển qua đường tiêu hóa dễ dàng hơn. Chúng còn giúp bạn cảm thấy no nhanh, nhờ đó chúng ta ăn ít hơn. Kết quả là cân nặng được kiểm soát tốt. Chất xơ còn đóng vai trò trong việc phòng ngừa bệnh tiểu đường. Chỉ 25g hạt đậu phộng đã chứa 8% lượng chất xơ mà cơ thể cần mỗi ngày.

6. Hạ thấp chỉ số glycemic (GI)

Các loại hạt có vỏ cứng còn nổi tiếng vì có chỉ số glycemic thấp. Điều này đồng nghĩa với việc chúng làm chậm quá trình giải phóng đường vào trong các mạch máu. Nhờ đó, sẽ bảo vệ những cơ quan thiết yếu trong cơ thể không bị tổn thương bởi lượng đường dư thừa quá mức, đồng thời hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

7. Cung cấp nhiều chất chống ô-xy hóa

Nhờ vào lượng chất chống ô-xy hóa dồi dào, các loại hạt có vỏ cứng sẽ làm giảm quá trình ô-xy hóa của lớp chất béo lắng đọng trong thành mạch máu, giúp bảo vệ các tế bào và mô tế bào không bị tổn hại bởi các gốc tự do. Những gốc tự do là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lão hóa sớm và tình trạng suy nhược thông thường của cơ thể.

8. Nguồn cung cấp kali dồi dào

Kali là khoáng chất thiết yếu cho sự khỏe mạnh của hệ thần kinh và rất cần thiết cho cả hệ thống cơ bắp trong cơ thể, bao gồm các cơ ở tim. Chúng hỗ trợ cho nhịp tim luôn đập nhịp nhàng, giúp cơ bắp co bóp  đều đặn và máu lưu thông tốt.

9. Nguồn cung cấp vitamin E tốt nhất

Hạnh nhân và đậu phộng đều được đánh giá là những nguồn cung cấp vitamin E tuyệt vời. Loại vitamin này sẽ bảo vệ cơ thể khỏi những căn bệnh có liên quan đến tình trạng căng thẳng do quá trình ô-xy hóa gây ra như lão hóa, viêm khớp, đục thủy tinh thể, tiểu đường và các chứng viêm nhiễm.

10. Tăng cường năng lượng

Các loại hạt có vỏ cứng còn cung cấp nhiều khoáng chất quan trọng như kali, ma-giê và kẽm, vốn rất cần thiết cho việc sản xuất năng lượng, cung cấp cho cơ thể hoạt động.

Những lợi ích dành cho sức khỏe từ các loại hạt có vỏ cứng là vô tận. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là chúng cũng mang đến khá nhiều calo. Một nắm tay các loại hạt này (khoảng 30g) có chứa từ 160 đến 200 calo.

Hãy tham khảo lượng calo mà chúng cung cấp (với trọng lượng khoảng 30g) dưới đây:

- Từ 28 - 30 hạt đậu phụng: 170 calo

- Từ 20 -24 hạt hạnh nhân: 160 calo

- Từ 16 đến 18 hạt điều: 190 calo

- Từ 8 đến 11 hạt óc chó: 180 calo

Nếu được sử dụng ở mức điều độ, các loại hạt có vỏ cứng mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cần giới hạn mức tiêu thụ từ 30g đến 40g các loại hạt này mỗi ngày ở dạng chưa được tẩm ướp thêm muối hay gia vị. Tốt nhất bạn nên chọn mua những loại hạt còn sống, chưa được chế biến thay vì chọn loại đã được xử lý và chế biến sẵn (có chứa nhiều muối) và uống một ly nước đầy sau khi ăn chúng.

Chia sẻ