Gầy tong teo vẫn bị… thừa mỡ

Theo Đất Việt,
Chia sẻ

Cứ tưởng mình gầy gò thì không phải lo đến mấy cái bệnh của người béo, nhiều người không tin được khi bác sĩ bảo họ bị gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ...

Từ hồi thanh niên đến nay, anh Phú, 38 tuổi quê ở Bình Lục, Hà Nam, lúc nào cũng gầy, ăn ít. Sau một thời gian dài mệt mỏi, ăn không ngon, tiêu hóa kém, Phú nghi mình bị đau dạ dày nên đi khám. Các kết quả xét nghiệm cho thấy anh bị gan nhiễm mỡ.

Còm nhom vẫn có mỡ thừa

Không chỉ Phú mà gia đình, người quen ai cũng ngạc nhiên với kết luận của bác sĩ. Có người còn nghi ngờ bệnh viện trả nhầm kết quả của một người nào khác cho anh Phú vẫn luôn nghĩ rằng chỉ có người béo mới thừa mỡ chứ “người lúc nào cũng còm nhom như anh Phú thì mỡ ở đâu ra mà thừa”.

Một trường hợp khác, bà Phùng, 52 tuổi, nhà ở phố Cự Lộc, Thanh Xuân, Hà Nội cũng rất ngạc nhiên khi nhận được kết quả xét nghiệm máu nhiễm mỡ, vì bà có thể trạng khá thanh mảnh, cao 1m55, nặng 46 kg.

Bà thường xuyên thấy mệt mỏi, hụt hơi, hoa mắt, chóng mặt, đo huyết áp thấy tăng cao nên đến bệnh viện khám. Bác sĩ cho biết bà  bị bệnh máu nhiễm mỡ. Chính vì bà không biết để có biện pháp điều chỉnh kịp thời khiến hàm lượng mỡ trong máu tăng cao nên mới bị cao huyết áp.


Theo bác sĩ Trần Thu Thủy, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, thường thì hiện tượng bị dư thừa hàm lượng mỡ trong cơ thể xảy ra ở người béo nhiều hơn, nhưng không có nghĩa người gầy thì không có lượng mỡ thừa tích trữ trong cơ thể, và điều này có nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên phải kể đến chế độ ăn. Bác sĩ Thủy giải thích, ở những người có thói quen ăn ít hay ăn kiêng quá mức,  lượng đường trong máu thấp nên cơ thể phải tự điều chỉnh tăng hấp thu để phân giải mỡ thành năng lượng cung cấp cho cơ thể.

Quá trình này khiến lượng axit béo đi vào trong máu quá nhiều, vượt quá mức cho phép và có thể kéo theo cả việc tích trữ mỡ trong gan, tim, tụy… cũng tăng lên.

Hơn nữa, tình trạng suy dinh dưỡng của cơ thể lâu ngày gây thiếu một số chất vốn rất cần thiết để “thanh lọc” bớt mỡ ra khỏi cơ thể và mỡ sẽ bị tích tụ. Người gầy lại thường “lười” vận động, tập thể dục nên cũng là một nguyên nhân khiến cơ thể khó giải phóng lượng mỡ thừa trong cơ thể.

Một nguyên nhân khác là tình trạng rối loạn gene và có yếu tố gia đình. Nếu bố hay mẹ từng phải điều trị tình trạng rối loạn chuyển hóa mỡ thì các con cũng có thể gặp tình trạng tương tự dù họ không hề thừa cân. 

Những ảnh hưởng của môi trường sống, làm việc, tình trạng stress, căng thẳng quá mức cũng khiến hệ thần kinh có những phản ứng lại và có thể sẽ gây rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể.

Có thể kéo theo nhiều bệnh nguy hiểm

Những người bị rối loạn chuyển hóa mỡ, gan nhiễm mỡ lúc đầu thường khó phát hiện vì triệu chứng không rõ ràng.  Một số người thấy mệt mỏi, kém ăn, nhưng các biểu hiện này dễ gây nhầm với các bệnh khác.

Ở mức độ nhẹ, rối loạn chuyển hóa mỡ ở máu hoặc gan, tim… chưa gây hại nhiều đến sức khỏe. Nhưng nếu để lâu, bệnh tiến triển nặng sẽ kéo theo các bệnh khác như cao huyết áp, xơ vữa động mạch hay viêm gan, xơ gan, tiểu đường…, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Vì thế, theo bác sĩ Thủy, việc khám sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết đối với tất cả mọi người. Điều này giúp  phát hiện sớm bệnh tật để điều trị kịp thời, tiết kiệm được cả thời gian và tiền bạc.

Để phòng tránh “thừa mỡ”, căn bệnh khá phổ biến của xã hội hiện đại, cần có thói quen sinh hoạt, ăn uống lành mạnh. Không nên ăn quá nhiều các chất được cảnh báo có hại nhưng cũng không kiêng khem quá mức khiến cơ thể bị thiếu chất, mất cân bằng sinh lý. Việc tăng cường vận động, rèn luyện cơ thể bằng các hoạt động thể dục thể thao phù hợp giúp cơ thể điều hòa, dễ dàng hấp thu các chất có lợi và đào thải chất có hại cho cơ thể.

Đối với những người gầy mà vẫn bị “thừa mỡ”, tốt nhất là tăng cường bổ sung năng lượng cho cơ thể, chế độ ăn nên có nhiều vitamin, protein, cenlulo... để cân bằng các chất cần thiết. Có thể sử dụng một số loại thuốc làm giảm lipid trong máu, nhưng phải do bác sĩ kê đơn tùy theo tình trạng của từng người, không được sử dụng tùy tiện.
Chia sẻ