Dịch hạch - “cái chết đen” đe dọa loài người

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị và phát hiện kịp thời.

Dịch hạch - Bệnh có tỷ  lệ tử vong cao

Theo thông tin chính thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 21/11/2014, Bộ Y tế Madagascar đã thông báo WHO bùng phát dịch bệnh dịch hạch tại quốc gia này. Ca bệnh đầu tiên được ghi nhận ngày 31/8/2014 và tử vong ngày 03/9/2014. Tính đến ngày 16/11/2014, tại nước này đã ghi nhận tổng cộng 119 trường hợp mắc bệnh dịch hạch, trong đó có 40 trường hợp tử vong. Trong số các trường hợp mắc, chỉ có 2% là dịch hạch thể phổi. 

Trước đó, cơ quan đầu mối IHR của Mỹ thông báo ghi nhận 04 trường hợp mắc bệnh dịch hạch tại bang Colorado, Mỹ và Ủy Ban Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc cũng đã thông báo ghi nhận 01 trường hợp tử vong do bệnh dịch hạch thể phổi tại tỉnh Cam Túc (Trung Quốc). 

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, đây là bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm bởi tốc lây lan mạnh, tỷ lệ tử vong cao và diễn tiến nhanh. Người mắc có những triệu chứng sốt, đau đầu, mệt mỏi, hoại tử (các mô trong cơ thể bị chết) và sưng hạch bạch huyết, đặc biệt ở nách và háng. 

Một trong những thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người do dịch hạch gây ra là trận dịch "Cái chết Đen" hồi thế kỷ 14. Trong khoảng từ thế kỷ 14 tới thế kỷ 18, dịch bùng phát mạnh ở châu Âu và châu Á, trong đó có tới hơn 100 lần tại châu Âu. Giới khoa học cho rằng nó giết chết 75 triệu người trên thế giới, trong đó từ 25 tới 50 triệu người thuộc châu Âu. Đại dịch năm 1603 đã cướp đi 38.000 mạng người chỉ tính riêng ở Luân Đôn, Anh

Trước đó khoảng 800 năm, Đại dịch hạch Justinian bùng phát tại Đế chế Đông La Mã trong năm 541 và 542 sau Công nguyên rồi lan ra nhiều khu vực khác. Các sử gia ước tính khoảng 25 triệu người đã chết vì nó.

Dịch hạch xuất hiện trở lại tại Pháp vào đầu thế kỉ 18. Bệnh khởi phát ở Marseille vào năm 1720, căn bệnh giết chết khoảng 100.000 người dân và phải mất 2 năm, đại dịch này mới hoàn toàn bị chế ngự. Vào đầu năm 1771 dịch hạch tái xuất hiện ở Moscow, - Nga và nhanh chóng chuyển thành đại dịch. Đại dịch này đã khiến cho kinh tế nước Nga gần như tê liệt, lương thực cạn kiệt, cuộc sống của người dân rơi vào cảnh khốn cùng...

Theo WHO, hiện mỗi năm trên thế giới vẫn có khoảng từ 1.000 đến 2.000 ca nhiễm dịch hạch, tập trung ở các thị trấn nhỏ, hẻo lánh. 

Chẩn đoán và điều trị

Dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh là bệnh nhân bỗng nổi hạch và đau đớn. Nhiều trường hợp, đặc biệt trong nhiễm trùng huyết và viêm phổi, không có dấu hiệu rõ ràng. Khi đó, việc chẩn đoán dựa vào các xét nghiệm mẫu bệnh phẩm như máu hay dịch từ hạch bạch huyết. Nếu xác định chính xác là dịch hạch, bệnh nhân cần được điều trị ngay lập tức.

Nếu không được điều trị sớm và thích hợp, thể hạch rất dễ tiến triển đột ngột thành nhiễm khuẩn tối cấp với sốt cao 40-41 độ C, tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, huyết áp giảm, mạch nhanh, nhỏ, vật vã, rối loạn tinh thần, hôn mê, thường bệnh nhân chết trong vòng 3-5 ngày.

Bệnh dịch hạch vô cùng nguy hiểm nhưng có thể chữa được bằng các kháng sinh thông thường và sẵn có. Phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời sẽ mang lại cơ hội hồi phục hoàn toàn. Những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân bị dịch hạch thể phổi cần được theo dõi và cách ly. Điều trị kháng sinh dự phòng với những người này có thể cần thiết, tùy thuộc vào từng thể bệnh và thời gian tiếp xúc với người bệnh.

Dịch hạch - “cái chết đen” đe dọa loài người 1
Một con đường lây bệnh dịch hạch. Ảnh minh họa 

Việt Nam chưa phát hiện dịch hạch

Ở Việt Nam, bệnh dịch hạch thường phát triển mạnh vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét. Bệnh dịch hạch ở người gồm có các thể: Thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và thể màng não, thường gặp hơn cả là thể hạch. 

Tại Việt nam, trên 10 năm trở lại đây không ghi nhận ca bệnh dịch hạch trên người, đồng thời qua giám sát không thấy có dịch lưu hành trên chuột và bọ chét. 

Thời gian trước đây, theo ước tính của Bệnh viện nhiệt đới TP HCM, trước năm 1980 số mắc bệnh ở Việt Nam là cao nhất thế giới. Trong thời kỳ 1960 và 1970, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 ca bệnh (chủ yếu ở miền Nam). Từ 1996-2000 cả nước chỉ còn khoảng 140 trường hợp với 7 ca tử vong. Hai ca mắc bệnh cuối cùng tại Việt Nam được ghi nhận vào tháng 8/2002. Những năm gần đây, bệnh dịch hạch hầu như không xuất hiện tại các bệnh viện.

Để chủ động phòng, chống bệnh bệnh dịch hạch, ngăn chặn kịp thời không để lan truyền vào Việt Nam. 

Người dân cần thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, bố trí và sắp xếp đồ đạc, dụng cụ trong nhà ở, nhà kho hợp lý; nuôi mèo, đặt bẫy, phá vỡ hang tổ chuột, không chế, phá hủy nơi sinh sản của chuột, bọ chét.

Đeo găng tay khi xử lý động vật chết để tránh tiếp xúc da với vi khuẩn dịch hạch (nếu có). 

Tránh cho các vật nuôi khỏi bọ chét bằng cách dùng thuốc diệt bọ chét. Chó, mèo... thả rông có nhiều khả năng tiếp xúc với chuột bị dịch hạch hay bọ chét và có thể mang bệnh về nhà. Nếu vật nuôi bị ốm, nên đưa đến bác sĩ thú y ngay.

Ngoài ra, không cho chó, mèo hoang vào nhà, nhất là ngủ trên giường. Diệt chuột, bọ chét (đặt bẫy, phun thuốc, nuôi mèo, rắn, chim để bắt chuột...).

Khi phát hiện có chuột chết bất thường phải khai báo ngay cho cơ quan y tế. Nếu có người nhà, hàng xóm biểu hiện bệnh dịch hạch (sốt, nổi hạch...) phải đến ngay cơ sở y tế đế khám và điều trị.
Chia sẻ