Dị ứng thuốc: nguy hiểm hơn bạn tưởng

Theo PNO,
Chia sẻ

Bệnh viện Nhi Nghệ An đang điều trị cho một bệnh nhi bị dị ứng thuốc trong tình trạng bỏng, loét toàn thân.

Theo TS Nguyễn Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (ĐH Dược Hà Nội), đây là trường hợp dị ứng Paracetamol diễn biến nặng và rất hiếm gặp.

Hội chứng Steven Johnson

Bệnh nhi bị dị ứng là Trần Xuân Bách (ảnh), 8 tuổi, ở xã Thanh Đồng, Thanh Chương, Nghệ An. Được biết, cách đây khoảng 10 ngày, cháu Bách bị cảm, sốt. Mẹ cháu mua thuốc Paracetamol về cho cháu uống. Sau khi uống thuốc, cháu Bách có biểu hiện đỏ môi và hai giờ sau thì nổi các bọng nước ở tay và chân. Tiếp theo, da cháu bị lở loét, chảy nước như bỏng vôi. Các bác sĩ đã chẩn đoán Xuân Bách bị dị ứng thuốc Paracetamol (do cơ địa) hay còn gọi là hội chứng Steven Johnson.

Tại Trung tâm Dị ứng BV Bạch Mai, bệnh nhân Vũ D. (34 tuổi), quê Hải Dương cũng được điều trị dị ứng thuốc, lở loét toàn cơ thể. Bệnh nhân Vũ D. bị viêm tai giữa và dùng thuốc Biseptol 480mg (hai viên/ngày). Uống năm ngày, bệnh nhân nổi nhiều bọng nước trên da và loét vùng da trên các hốc tự nhiên. Bệnh nhân còn bị biến chứng nặng như nhiễm trùng huyết, viêm phổi.

Tại Trung tâm Dị ứng, BV Bạch Mai, bệnh nhân Hoàng Tuấn Ph., 28 tuổi, quê Thái Nguyên cũng bị lở loét, nhiều mụn nước trên da do dị ứng với thuốc Ampicillin 250mg.

Dị ứng thuốc: nguy hiểm hơn bạn tưởng 1

Khó phòng bệnh

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, BV Bạch mai, hội chứng Steven Johnson là hội chứng cấp tính trên da và niêm mạc do thuốc. Các triệu chứng của hội chứng này xuất hiện vài ngày hay vài tuần sau khi uống thuốc. Bệnh nhân bị sốt cao, mệt mỏi, khắp người nổi ban đỏ, bọng nước hoặc bị lột da.

Cũng theo PGS-TS Đoàn, các thuốc có thể gây hội chứng Steven Johnson là penicillin, ampicillin, streptomycin, tetracylin. Bệnh nhân cũng có thể bị dị ứng với các nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm không steroid, nhóm sát khuẩn, chống lao, chống co giật.

“Qua một nghiên cứu trên 98 bệnh nhân bị hội chứng Steven Johnson cho thấy, ngoài những trường hợp dị ứng thuốc trên còn có cả trường hợp dị ứng vitamin B1 và B6. Tuổi thường hay gặp của hội chứng này từ 20 - 40 tuổi. Độ tuổi trên 60 rất hiếm gặp. Có đến 80% bệnh nhân dị ứng dùng thuốc qua đường uống. Độ tổn thương trên da có thể tới 60% diện tích cơ thể” - PGS-TS Đoàn cho biết.

Theo TS Hoàng Anh, hội chứng Steven Johnson rất khó phòng tránh. Với những gia đình có tiền sử dị ứng (như thuốc, mỹ phẩm, thức ăn), người mắc bệnh mề đay, hen phế quản… cần phải cẩn trọng khi sử dụng thuốc.

Đặc biệt, phải sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ, có thông báo tiền sử dị ứng. Sau khi uống thuốc có xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, ban đỏ, sẩn ngứa, khó thở… cần đến khám tại chuyên khoa về dị ứng, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.



Chia sẻ