Đau dây thần kinh liên sườn: bệnh không thể coi thường

Gia Hân,
Chia sẻ

Đau dây thần kinh liên sườn có thể là triệu chứng của nhiều bệnh nguy hiểm mà bạn không hề biết tới.

Mấy ngày nay, chị Nguyễn Thị Tươi ở Hà Đông (Hà Nội) thường xuyên thấy tức ngực. Có khi đau thành từng cơn, có lúc đau thắt ở vùng ngực khiến chị hốt hoảng, hoang mang sợ mình mắc bệnh tim. Khi đi khám, các bác sỹ cho biết chị bị đau dây thần kinh liên sườn do lao cột sống.

Cũng giống chị Tươi, anh Nguyễn Văn Hòa được bác sỹ chẩn đoán đau dây thần kinh liên sườn. Trước đó, thi thoảng anh thấy đau mạng sườn một chút là hết. Nhưng gần đây anh bị đau trở lại, thậm chí còn đau hơn. “Nhiều khi thở, ho hay hắt xì cũng thấy đau. Lúc đầu là đau ở sườn bên trái, sau đó chuyển sang đau ở bả vai. Khi ấn hoặc đập vào thì không đau nhưng thở hoặc nằm ngủ dậy là đau” – anh chia sẻ. 

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm – Trưởng khoa Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng (BV 103) cho hay, dây thần kinh liên sườn xuất phát từ đoạn tủy ngực D1-D12 chạy dọc theo bờ dưới của các xương sườn cùng với động mạch, tĩnh mạch liên sườn trong bó mạch thần kinh liên sườn. 

Đau dây thần kinh liên sườn thường không nguy hiểm. Nó thường gây đau, khó chịu cho bệnh nhân khi mắc phải nhưng dễ điều trị bằng các loại thuốc giảm đau thông dụng. Tuy nhiên đây lại là triệu chứng của nhiều bệnh. Nguyên nhân gây ra đau dây thần kinh liên sườn là gì sẽ kèm theo nguy hiểm của nguyên nhân đấy. Bởi vậy nó có thể gây nguy hiểm sức khỏe cho con người bắt nguồn từ chính những nguyên nhân gây bệnh này. 

Đau dây thần kinh liên sườn: bệnh không thể coi thường 1
Đau dây thần kinh liên sườn có thể là triệu chứng của nhiều bệnh nguy hiểm mà bạn không hề biết tới. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia sức khỏe, đau dây thần kinh liên sườn bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân. Có hai loại đau dây thần kinh liên sườn là nguyên phát và thứ phát. Đau dây thần kinh liên sườn có thể do lạnh hoặc do vận động sai tư thế; do nhiễm khuẩn hay gặp nhất là đau dây thần kinh liên sườn do zona… Khi bị đau nguyên phát, người bệnh có cảm giác đau liên tục một bên lưng, dần dần lan theo hướng chéo xuống dưới và ra trước tùy theo khu trú ở đoạn cột sống lưng trên hay dưới. Điểm đau rất rõ khi ấn vào những điểm lộ ra của những sợi thần kinh liên sườn, cạnh cột sống, đường giữa nách. 

Đối với đau thứ phát, bệnh nhân thường bị đau do bệnh lý đĩa đệm cột sống ngực, lao cột sống do tổn thương phổi – màng phổi hoặc đau quặn gan cần được chẩn đoán phân biệt. Người bệnh cảm thấy đau ở bả vai với sống lưng, có thể đau một hoặc cả 2 bên, đau âm ỉ cả ngày và đêm khi hít thở sâu, ho, hắt hơi hoặc thay đổi tư thế. Những cơn đau này có thể kéo dài hoặc từng đợt dọc theo dây thần kinh liên sườn. Khi các cơn đau này tăng dần khiến ta nhầm tưởng với các cơn đau thắt ngực thông thường hay các triệu chứng bệnh tim và phổi. 

Việc điều trị đau dây thần kinh liên sườn cơ bản phải tìm được nguyên nhân gây ra bệnh. Người bệnh có thể tìm được nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn bằng các biện pháp cận lâm sàng như xét nghiệm, Xquang, chụp cắt lớp vi tính… Trên cơ sở đó, người bệnh sẽ được bác sĩ điều trị theo nguyên nhân đã được xác định và xử trí theo hướng của viêm rễ thần kinh. 

Nếu là đau dây thần kinh liên sườn có thể dùng thuốc giảm đau paracetamol, diclofenac, thuốc chống viêm không Steroide, vitamin 3B liều cao... Đối với bệnh zona gây ra đau liên sườn nên cho bệnh nhân bôi kem acyclovir mỗi ngày 2-3 lần vào các mụn nước và dùng thuốc giảm đau. Một số trường hợp cần phải điều trị thêm bằng các phương pháp vật lý trị liệu, nghỉ ngơi và an thần.

“Để tránh những biến chứng từ nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn, khi phát hiện sớm có các biểu hiện nghi ngờ như đau tức ngực, đau mạng sườn, mọi người nên đi kiểm tra sớm để được khám và xác định nguyên nhân. Từ đó việc điều trị mới có hiệu quả. Ngoài ra, chế độ ăn uống hàng ngày cần đảm bảo dinh dưỡng, các dưỡng chất nhằm giảm nguy cơ loãng xương để hạn chế mắc bệnh” – PGS.TS Hà Hoàng Kiệm khuyến cáo.
Chia sẻ