Côn trùng lạ ở Huế là loài cánh cứng

Theo Báo Đất Việt,
Chia sẻ

Hàng trăm hộ dân tại khu tái định cư thuộc phường Hương Sơ, TP Huế trong những ngày qua rất hoang mang và lo sợ vì bị một loại “côn trùng lạ” tấn công.

Theo người dân, con “côn trùng lạ” này chỉ to hơn con kiến lửa một chút. Có cái đuôi chẻ 2 nhìn không khác gì đuôi con bọ cạp. Tuy nó không trực tiếp cắn người dân nhưng khi bò lên người sẽ khiến da bị đỏ, ngứa sau đó chảy mủ. Thậm chí một số người và trẻ nhỏ còn bị sốt. 
 
TS Vũ Văn Liên, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện KH&CN Việt Nam) cho biết, vì không có mẫu nên chưa thể xác định cụ thể loài “côn trùng lạ” tấn công người dân Thành phố Huế là loài gì.
 
Theo TS Liên, đây có thể là các loài côn trùng cánh cứng thuộc tộc Paederini, họ cánh cộc Staphylinidae. Chúng thường sống ở những nơi ẩm ướt, xuất hiện nhiều vào mùa mưa bão, nhất là sau những trận mưa lớn. Thường khi mưa ngập nước không còn nơi cư trú nữa chúng sẽ bay vào trong nhà theo ánh đèn và tiếp xúc với những vật dụng trong nhà như khăn tắm, khăn rửa mặt, giường chiếu, chăn màn, quần áo… và bám cả lên cơ thể người. 
 
Côn trùng lạ ở Huế là loài cánh cứng
Một em bé bị “côn trùng lạ” tấn công gây bỏng rát (Ảnh Dân Trí ) 
 
Khi tiếp xúc với loại côn trùng, chúng tiết ra một loại axít (dung dịch ceolemic), hóa chất gây bỏng rộp mạnh, gây rát bỏng ở vùng da, có thể gây viêm da làm cho da có các mụn phồng rộp. Vết rát bỏng thường gặp ở vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân, ở các nếp gấp như khoeo chân, khuỷu tay, bẹn, nách, cũng có thể rải rác khắp người.
 
Nơi da bị tổn thương lúc đầu chỉ rát bỏng, sau có thể đau rát hoặc đau nhức nhiều nếu có nhiễm trùng kèm theo. Bệnh nhân có thể sốt nhưng không sốt cao. Với triệu chứng biểu hiện ngoài da như trên cần được điều trị sớm, bệnh khỏi sau bảy đến 10 ngày và sẽ không để lại sẹo nếu không có nhiễm trùng. 
 
TS Liên cũng cho rằng, nếu bị loài côn trùng này tấn công gây bỏng, người dân nên dùng xà phòng rửa sạch ngay, hoặc dùng nước muối 0,9% rửa và đắp vào chỗ tổn thương. Nếu không thấy đỡ, cần đến khám tại các cơ sở có phòng khám chuyên khoa da liễu để được điều trị và tư vấn điều trị. 
 
Người dân có thể áp dụng một vài biện pháp phòng tránh như lắp lưới ở cửa sổ, cửa ra vào, khi ngủ phải thả mùng, màn chống muỗi và côn trùng. Loại côn trùng này không chui qua màn được, có thể chúng chui qua các khe hở của mùng nên cần kiểm tra để không có khe hở cho chúng vào.
 
Khi ngồi dưới ánh đèn và quạt, tránh đập quệt khi có cảm giác vướng trên da, có thể loại côn trùng này bám vào, nếu đập chúng sẽ tiết a xít làm bỏng da. Nên thổi chúng đi hoặc nhử chúng bò vào tờ giấy rồi bỏ chúng đi.
 
Trước khi đi ngủ phải làm sạch giường chiếu, chăn màn, kiểm tra kỹ để đảm bảo không có côn trùng ở chăn, chiếu. Kiểm tra cẩn thận khăn mặt và các đồ dùng trước khi tắm rửa, kiểm tra kỹ quần áo trước khi mặc. Vì côn trùng hướng sáng nên cần tắt hết đèn điện chỗ ngủ để hạn chế chúng bám vào người. 
 

 
Người dân Huế lo sợ vì nghi “côn trùng lạ” tấn công

Côn trùng lạ ở Huế là loài cánh cứng

Chia sẻ