Con bạn có thiếu sắt?

Saga,
Chia sẻ

Thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu và ảnh hưởng đến sự phát triển ở trẻ. Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Dung công tác tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích.

Bạn có chắc con mình đã nhận đủ lượng sắt theo nhu cầu hàng ngày không? Nguyên nhân nào khiến trẻ thiếu sắt? Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này?

Tại sao sắt quan trọng đối với trẻ em?

Sắt là một chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Sắt giúp chuyển oxy từ phổi đến các phần còn lại của cơ thể, giúp cơ bắp lưu trữ và sử dụng oxy. Nếu chế độ ăn uống của trẻ quá ít chất sắt, trẻ sẽ bị thiếu sắt.

Thiếu sắt ở trẻ em có thể xảy ra ở nhiều cấp độ, từ việc cạn kiệt nguồn sắt cho đến cấp độ cao hơn là thiếu máu (là tình trạng có ít số lượng hồng cầu hay ít số lượng hemoglobin (Hb) hơn bình thường trong máu - một tình trạng mà máu thiếu tế bào hồng cầu khỏe mạnh). Nếu không điều trị tình trạng thiếu sắt ở trẻ có thể dẫn đến chậm phát triển về thể chất lẫn tinh thần.

Nhu cầu sắt ở trẻ em

Nhu cầu sắt ở trẻ tùy thuộc vào nhu cầu phát triển cơ thể và sự mất sắt. Lượng sắt cần hấp thu để đáp ứng nhu cầu cơ thể như sau (theo WHO):

- Trẻ 3-12 tháng tuổi: 0,7mg/ngày.

- Trẻ 1-2 tuổi: 1mg/ngày.

- Thiếu niên, dậy thì: 1,8-2,4 mg/ngày.

- Nữ dậy thì, đã hành kinh: 2,4-2,8mg/ngày.

Nguyên nhân thiếu sắt ở trẻ

Thiếu cung cấp:

- Thiếu sữa mẹ, phải nuôi bằng sữa bò.

- Trẻ thiếu dinh dưỡng.

- Thiếu thức ăn nguồn gốc động vật, ăn bột kéo dài..

- Trẻ đẻ non, sinh đôi, đẻ thấp cân được cung cấp ít sắt trong thai kỳ. Nếu trẻ sinh non, sinh đôi, sinh ba, già tháng, suy dinh dưỡng bào thai, số lượng sắt mẹ cho ít. Con đầu lòng luôn được nhiều sắt dự trữ hơn con thứ 3, 4 vì bản thân người mẹ cũng bị thiếu sắt nếu sinh con nhiều lần. Trẻ cũng dễ thiếu sắt do mẹ xuất huyết trước hoặc trong khi sinh, ở mẹ hoặc ở con (buộc dây rốn nhanh, sang máu ở trẻ sinh đôi một trứng). Dự trữ sắt mẹ cho chỉ đủ dùng trong 3-4 tháng đối với trẻ đủ tháng và 2-3 tháng đối với trẻ sinh non, thiếu cân.

Hấp thu sắt kém:

- Tiêu chảy kéo dài.

- Hội chứng kém hấp thu.

- Bị cắt dạ dày.

- Dị dạng đường tiêu hóa.

Nhu cầu sắt cao:

- Ở giai đoạn cơ thể phát triển nhanh, lúc dưới 1 tuổi, đặc biệt với trẻ thấp cân, sinh đôi, thời kỳ dậy thì, trẻ được sinh ra từ người mẹ mang thai nhiều lần.

- Trẻ bị tim bẩm sinh.

Mất máu:

- Chảy máu đường tiêu hóa: giãn tĩnh mạch thực quản, loét dạ dày- tá tràng, viêm hỗng tràng, túi thừa Meckel, bệnh polype ruột, viêm đại tràng, giun móc, trĩ…

- Chảy máu mũi tái diễn.

- Chảy máu đường sinh dục.

- Tiểu máu: mỗi 2ml máu mất 1 mg sắt. Trẻ nhỏ thường bị mất máu qua đường tiêu hóa có thể mất vi thể hay đại thể (test Meyer).

Sắt không vào được tủy xương: Mặc dù dự trữ sắt bình thường nhưng sắt không được vận chuyển vào tủy, trên tủy đồ không thấy tế bào Sidérose, do các nguyên nhân: Atransférrinelmie congelnitale, thiếu vitamin C.

Những dấu hiệu và triệu chứng:

Thiếu hụt chất sắt có thể làm giảm khả năng hoạt động của trẻ. Tuy nhiên, hầu hết các dấu hiệu và triệu chứng của thiếu sắt ở trẻ không xuất hiện cho đến thiếu máu do thiếu sắt xảy ra. Nếu con của bạn có các yếu tố nguy cơ thiếu sắt như dưới đây, hãy gặp bác sĩ kịp thời để được tư vấn:

Da nhợt nhạt.

Mệt mỏi.

Nhận thức và phát triển chậm.

Viêm lưỡi.

Khó khăn trong việc duy trì nhiệt độ cơ thể.

Tăng khả năng nhiễm trùng.

Thèm một cách không bình thường đối với các chất phi dinh dưỡng.

Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt?

Bạn có thể ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt ở trẻ bằng cách chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ như:

Bú mẹ hoặc sử dụng sữa công thức tăng cường chất sắt: Cố gắng cho trẻ bú mẹ càng lâu càng tốt, tối thiểu là được 1 tuổi. Sắt từ sữa mẹ luôn dễ dàng hấp thu hơn sắt trong sữa công thức. Nếu bạn không cho con bú, hãy sử dụng sữa công thức cho trẻ sơ sinh có tăng cường chất sắt. Sữa bò không phải là một nguồn giàu chất sắt cho trẻ sơ sinh và không được dùng cho trẻ em dưới 1 tuổi.

Thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng: Khi bạn bắt đầu cho trẻ ăn dặm (từ 4 tháng), bạn nên chú ý cho trẻ ăn những loại thực phẩm chứa chất sắt. Khởi đầu, bạn nên tăng cường lượng ngũ cốc cho bé. Đối với trẻ lớn hơn, nguồn chất sắt bao gồm thịt đỏ, thịt gà, cá, đậu và các loại rau có lá màu xanh đậm.

Tăng cường sự hấp thu sắt: Vitamin C giúp cơ thể hấp thụ chất sắt có trong khẩu phần ăn. Bạn có thể giúp trẻ hấp thu chất sắt bằng cách cung cấp các loại thực phẩm giàu vitamin C như dưa hấu, dâu tây, kiwi, bông cải xanh, cà chua và khoai tây.

Xem xét việc bổ sung sắt: Nếu con bạn sinh non hoặc có cân nặng sơ sinh thấp hoặc chế độ ăn thiếu hụt dinh dưỡng, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn để được tư vấn về việc bổ sung sắt đường uống.

Thăm khám

Thiếu sắt và thiếu máu do thiếu sắt thường được chẩn đoán qua xét nghiệm máu. Trẻ từ 9 tháng đến 12 tháng là độ tuổi có thể bắt đầu được kiểm tra thiếu máu do thiếu sắt. Tùy thuộc vào kết quả kiểm tra, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung sắt đường uống hoặc tư vấn cho bạn về chế độ dinh dưỡng cho trẻ hàng ngày.

Thiếu sắt ở trẻ em có thể được ngăn chặn. Để đảm bảo cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, bạn cần theo dõi, chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày của trẻ. Hãy gặp bác sĩ ngay khi thấy con mình có những dấu hiệu của thiếu sắt và thiếu máu do thiếu sắt.

Thông tin thêm:

Khi nghi ngờ trẻ bị thiếu sắt và thiếu máu do thiếu sắt, bạn có thể đưa con mình đến khám tại Bệnh viện hoàn mỹ Sài Gòn, số 60-60A Phan Xích Long, P.1, Q. Phú Nhuận, TP. HCM. Điện thoại: (+84) 8 3990 2468.

Chia sẻ