Có nên ngày nào cũng gội đầu?

Theo SGTT,
Chia sẻ

Việc dùng dầu gội chỉ làm sạch tóc và da đầu. Không nên gội đầu quá nhiều lần trong một tuần để tránh làm mất lớp nhờn (mỡ + protein + nước) giữ ẩm và bảo vệ da.

Ai cũng nghĩ gội đầu hàng ngày giúp da đầu, mái tóc được sạch sẽ, thoáng mát. Nhưng các loại dầu gội tạo bọt, làm tóc bóng mượt với mùi hương liệu thơm mát luôn chứa các chất có hại cho da đầu nếu sử dụng quá nhiều.

Càng gội càng gàu

“Gốc con người” nếu tưới quá nhiều sẽ úng. Ảnh: Trí Dũng
 
BS Nguyễn Minh Quang, phó giám đốc bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, đã có trường hợp phải điều trị vì dầu gội đầu như bệnh nhân Hằng, 27 tuổi, vào viện khám trong tình trạng tóc rụng, da đầu ngứa, mẩn đỏ có dấu hiệu viêm chân tóc. Bệnh nhân này cho biết: do da đầu quá nhiều dầu, sau một ngày đi làm về mồ hôi, khói bụi lại đội mũ bảo hiểm kín khiến tóc chị thường bết lại, ngứa ngáy khó chịu. Lúc đầu, cách một ngày chị gội một lần nhưng tình trạng không cải thiện, dần dần thói quen gội đầu hàng ngày hình thành, dù là mùa hè hay mùa đông. Chị Hằng cũng thay đổi liên tục các loại dầu gội, lúc thì dầu gội trong nước, lúc thì mua hàng xách tay. Loại nào cũng thơm và làm trơn tóc rất dễ chịu. Thế nhưng, gần đây chị có cảm giác tóc rụng nhiều hơn, da đầu có gàu, đặc biệt có những nốt mẩn đỏ, ngứa.

Các bác sĩ sau khi thăm khám kết luận chị Hằng bị viêm chân tóc nhưng chưa rõ nguyên nhân. Sau khi biết chị gội đầu thường xuyên bằng nhiều loại dầu khác nhau, bác sĩ nghiêng về nguyên nhân viêm chân tóc do dùng quá nhiều dầu gội. Khi mồ hôi nhiều, bài tiết ứ đọng và sử dụng nhiều dầu gội thì lớp tế bào sừng trên cùng sẽ tổn thương và bong ra tạo điều kiện thuận lợi cho các vi nấm xâm nhập gây bệnh. Nhiều người mắc bệnh này nhưng ở thể nhẹ, chỉ đến khi quá ngứa, tóc rụng nhiều mới chịu đến bác sĩ khám.

Chai dầu gội là nồi hoá chất

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa hoá đại học Khoa học tự nhiên, đại học Quốc gia Hà Nội, dầu gội đầu thường bao gồm các thành phần như chất hoạt động bề mặt (thường gọi là chất tạo bọt, chất tẩy rửa, chất tạo huyền phù…), muối ăn, muối amoni clorua, chất tạo màu, tạo mùi và các phụ gia tạo ẩm, mượt, dưỡng tóc. Tất cả các thành phần có trong dầu gội đầu “chính hiệu” đều là những chất đã được phép sử dụng, ít hoặc hầu như không độc đối với người. Tuy nhiên, trong trường hợp sản phẩm không theo các quy định của quốc gia cũng như quốc tế thì không thể biết điều gì sẽ xảy ra cho người tiêu dùng.

Thành phần ghi trên bao bì các sản phẩm nước gội đầu hiện nay thường là những hoá chất như sodium laureth sulfate, cocamidopropyl betane, methylparaben, propylparaben, lauramide DEA, collagen… Ông Côn cho biết, sodium lauryl hoặc laureth sulfates là chất đã được cho phép sử dụng trong mỹ phẩm, vệ sinh và tẩy rửa, không gây ung thư và được làm từ dầu dừa, dầu cọ… và tổng hợp nhân tạo. Tuy nhiên, nếu người dùng tiếp xúc thời gian dài, quá nhiều có thể gây mụn ngứa, lở môi, miệng. Methylparaben và propylparaben cũng là chất hoạt động bề mặt đã được cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng trong phụ gia thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm… và hầu như không độc. Ký hiệu được phép của EU là E216 và muối Na của nó là E217 đều là chất hầu như không độc. Lauramide DEA (lauric dietanolamit) là chất được phép sử dụng trong mỹ phẩm và hầu như không độc, nhưng có thể liên quan tiềm tàng đến ung thư và các bệnh khác đối với người sử dụng quá liều.

“Hiện nay, các hãng dầu gội đầu đều quảng cáo là làm mượt tóc và chống rụng tóc. Tuy nhiên, bản chất của sợi tóc là protein sừng hoá, chất sừng đã chết thì không thể hấp thụ được gì. Việc tóc mượt, đẹp phụ thuộc nhiều vào chế độ dinh dưỡng. Việc dùng dầu gội chỉ làm sạch tóc và da đầu. Không nên gội đầu quá nhiều lần trong một tuần, vì trên bề mặt lớp da của cơ thể nói chung và da đầu nói riêng luôn luôn có lớp nhờn (mỡ + protein + nước) tiết ra để giữ ẩm và bảo vệ da. Nếu gội đầu nhiều lần, lớp dầu này mất đi thì da đầu dễ bị tổn thương. Người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm đạt tiêu chuẩn (có nguồn gốc, nhãn mác… cụ thể), không dùng hàng trôi nổi” – ông Côn khuyên.

Chia sẻ