Chứng “nghiện” thuốc tây

,
Chia sẻ

Nhiều người phải uống thuốc liên tục. Không có thuốc họ không thể nào chịu đựng nổi dù cơ thể không có bệnh

Xem ảnh lớn

Nghiện thuốc
 
Nghiện thuốc, theo định nghĩa của tổ chức Y tế thế giới, là tình trạng cơ thể không hoạt động được bình thường nếu thiếu loại thuốc hoặc dược chất mà nó đã quen.

Cháu bà Mai Lan, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7 mắc chứng nghiện uống thuốc rất nặng. Mỗi lần cháu bị cảm xoàng, hay bị té là cứ nằng nặc khóc đòi mẹ mua thuốc cho uống. Bà Lan cho biết, cháu Hoàng là cháu đích tôn nên rất cẩn thận, mỗi lần bị bệnh sơ sơ là cả nhà toan dẫn bé đi khám và mua một đống thuốc về bắt bé uống, uống nhiều đâm bé rất thích uống thuốc, dù không có bệnh gì bé cũng giả bộ bệnh để được uống thuốc.

Minh Tuyền, 28 tuổi, nhân viên kế toán của một công ty vận tải tàu biển, hằng ngày đối diện với con số khiến cô có căn bệnh nhức đầu thường xuyên. Cô đã uống thuốc giảm đau liên tục và thấy hiệu quả. Lúc đầu một ngày cô uống từ 1 – 2 viên. Đến tháng thứ năm thuốc đã lờn và cơn đau lại tái phát. Cô uống liên tục và phát hiện mình đã nghiện thuốc, không có thuốc cô cảm thấy khó chịu và không thể tập trung làm việc được.

Khó chữa

Theo dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, có một số thuốc rất dễ gây nghiện vì có chứa các chất gây nghiện như thuốc kích thích có lượng cocaine, thường được dùng như một yếu tố kích thích thực thể và tâm lý, làm dễ chịu, khoái cảm. Một số thuốc có chất benzodiazepin an thần với liều cao sẽ gây nghiện, suy giảm hô hấp, dẫn đến chết người. Người bệnh cảm thấy cần phải tiếp tục sử dụng loại thuốc này vì nếu ngưng dùng, họ sẽ thấy khó chịu, thiếu hụt hoặc cảm thấy bệnh có thể đột biến trở lại. Chẳng hạn, người nghiện thuốc nhuận tràng nếu cắt thuốc sẽ bị táo bón nặng hơn; việc cắt thuốc co mạch chữa viêm mũi có thể khiến bệnh tái phát nặng hơn, người nghiện thuốc ngủ nếu không dùng nữa sẽ không tài nào nhắm mắt được... Do đó, người bệnh không nên để mình sa vào tình trạng nghiện một loại thuốc nào đó.

Dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh, trưởng phòng dược sở Y tế TP.HCM cho biết, phòng ngừa chứng nghiện thuốc bằng cách đọc kỹ toa thuốc đính kèm và chỉ uống sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ. Dùng thuốc phải đúng chỉ định, đúng liều lượng và thời gian tuỳ loại bệnh và tuỳ từng trường hợp cụ thể do bác sĩ quyết định. Dùng nhiều hơn hay ít hơn đều không tốt.

Nghiện thuốc thường dẫn đến ngộ độc thuốc cấp và mãn, có thể gây tử vong. Riêng nghiện thuốc ngủ có một tác hại nữa là chức năng gan, thận bị ảnh hưởng do các cơ quan thải độc này phải làm việc quá nặng trong thời gian dài. “Các thuốc ngủ gây nghiện đều được xếp vào nhóm chất độc”, dược sĩ Lan cho biết thêm.        

Biểu hiện của hiện tượng nghiện thuốc

Người bệnh có một khoái cảm nhẹ nhàng yên bình hoặc có cảm giác bạo lực. Khi bị cắt thuốc, bệnh nhân thấy bồi hồi, bứt rứt mất ngủ, lo âu, hoảng sợ, suy nhược, đôi khi bị ảo giác, rối loạn trong cách cư xử với người khác, rối loạn tiêu hoá (như tăng tiết nước bọt, đi lỏng, nôn, đau bụng), đau đầu, đau cơ, chuột rút, rối loạn vận mạch (mặt khi đỏ khi xanh tái), huyết áp không ổn định, tim đập nhanh, chảy nước mắt, rối loạn nổi da gà.

Theo Hoàng Dung
SGTT
Chia sẻ