Chữa khỏi ung thư nhờ cấy vi rút HIV

Theo Gia đình Việt Nam,
Chia sẻ

Cô bé Emily Whitehead 7 tuổi sống tại bang Pennsylvania (Mỹ), hay Marshall Jensen 30 tuổi ở bang Utah (Mỹ) là hai trong số những bệnh nhân điều trị thành công bệnh ung thư nhờ vi rút HIV.

Chữa khỏi ung thư máu bằng vi rút HIV

Không may bị ung thư máu từ năm 4 tuổi, cô bé Emily Whitehead sống tại bang Pennsylvania (Mỹ) đối mặt với nguy cơ tử vong khi các phương pháp dùng thuốc hay hóa trị đều không thành công. Bố mẹ em đã đánh liều cho con mình thử cách điều trị mới của các bác sĩ ở Bệnh viện nhi Philadelphia: cấy HIV vào tế bào miễn dịch để tiêu diệt những tế bào ung thư.

Chữa khỏi ung thư nhờ cấy vi rút HIV 1
Emily là bệnh nhi đầu tiên được điều trị bằng phương pháp mới này.

Vi rút HIV sử dụng đã được bất hoạt và làm giảm độc lực để không gây ra bệnh AIDS. Các bác sĩ cấy gen lập trình diệt tế bào ung thư lên HIV bất hoạt. Sau đó, HIV mang gen lập trình lại được cấy vào tế bào miễn dịch của Emily. Nhờ sự xâm nhập và nhân lên nhanh chóng của HIV, gen lập trình đã dễ dàng phân tán vào các tế bào sau mỗi lần phân bào. Như được tiêm văcxin, các tế bào của Emily được lập trình đã tiêu diệt mọi tế bào ung thư mà chúng phát hiện được.

Sau tám tháng điều trị, các xét nghiệm đều cho thấy không còn bất kỳ tế bào ung thư nào tồn tại trong cơ thể Emily, bệnh tình của em thuyên giảm rõ rệt. Các bác sĩ cho biết sẽ theo dõi thêm một thời gian để chắc chắn Emily khỏi bệnh. Nếu so với phương pháp ghép tủy, liệu pháp dùng HIV làm trung gian cấy gen rẻ hơn nhiều. Thành công này đang làm nức lòng giới y học thế giới, mở ra con đường điều trị cho những bệnh nhân ung thư máu.

Thuyên giảm bệnh ung thư nhờ miễn dịch trị liệu tế bào T

Bệnh ung thư máu của anh Marshall Jensen 30 tuổi ở bang Utah, Mỹ, đã thuyên giảm sau khi được các bác sĩ đưa vào cơ thể một dạng vô hại của vi rút HIV.

Chữa khỏi ung thư nhờ cấy vi rút HIV 2
Marshall Jensen cùng vợ và tiến sĩ Carl June

Năm 2012, Jensen được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu (hay còn máu trắng, bạch cầu cấp). Đây là bệnh ung thư do sự sản sinh đột biến của các tế bào bạch cầu bất thường. Thay vì thực hiện chức năng miễn dịch bảo vệ cơ thể, các bạch cầu bất thường này tấn công hồng cầu rồi đến cả các tế bào khác.

Anh Jensen đã cùng vợ và con trai đi khắp nước Mỹ, thực hiện nhiều cuộc điều trị và phẫu thuật nhưng vẫn không thành công. Cuối cùng, Jensen quyết định tham gia chương trình điều trị thử nghiệm tại BV Đại học Pennsylvania (thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania). Điều kỳ diệu đã xảy ra. Tuần trước, Jensen cùng vợ con trở về nhà sau khi được xác nhận cơ thể anh đã không còn các tế bào ung thư.

Chương trình nghiên cứu tại BV Đại học Pennsylvania do TS Carl June đứng đầu đã có hai thập kỷ phát triển những đột phát trong điều trị thử nghiệm, có thể ngăn chặn ung thư bạch cầu ở bệnh nhân tưởng như không thể chữa trị. Các nhà khoa học tập trung vào sử dụng các tế bào miễn dịch của bệnh nhân - được biết với tên gọi tế bào T, một loại tế bào bạch cầu và HIV - virus gây ra căn bệnh AIDS đã được vô hiệu hóa.

Liệu pháp thực nghiệm này được gọi là miễn dịch trị liệu tế bào T. Các nhà khoa học gỡ bỏ hàng tỷ tế bào T khỏi máu của bệnh nhân và tái lập chúng với một mẫu bị vô hiệu hóa của HIV trong phòng thí nghiệm. Những tế bào được biến đổi (gọi là tế bào CTL019) sau đó được phát triển trong phòng thí nghiệm và truyền lại vào bệnh nhân để nhận dạng, tiêu diệt các tế bào ác tính. Sau khi làm xong nhiệm vụ, các tế bào CTL019 sẽ ngủ yên trong cơ thể, đề phòng trường hợp ung thư xuất hiện trở lại.

Cả Jensen và Whitehead đều là một phần của nghiên cứu được thực hiện tại bệnh viện Nhi Philadelphia và Bệnh viện trường đại học Pennsylvania (Penn Medicine). Tổng cộng có 30 bệnh nhân bạch cầu cấp tính tham gia các nghiên cứu này, trong đó có 5 người lớn từ 26 đến 60 tuổi và 25 trẻ em, thanh thiếu niên từ 5 đến 22 tuổi. Sáu tháng sau khi được điều trị, 23/30 bệnh nhân vẫn sống, 19 người đã thuyên giảm bệnh hoàn toàn và không cần đến các liệu pháp điều trị khác.

Chia sẻ