Chỉ nên dùng cốc thủy tinh không màu, cốc sứ bóng

,
Chia sẻ

Việc sản phẩm cốc có hình vẽ của hãng McDonald bị thu hồi vì có chứa chất độc đã khiến dư luận lo lắng đặt câu hỏi: Các loại cốc thủy tinh, cốc sứ Việt Nam có an toàn?

Chọn cốc sứ có độ bóng

Vừa qua, các nghiên cứu Mỹ đã cho thấy, chất cadmi tạo màu vẽ trên cốc sứ gây ra các bệnh ung thư, các vấn đề về xương và thận. Đối với cốc có chứa chất độc cadmi có thể thấm dần dần vào cơ thể của trẻ em thông qua việc cầm nắm hàng ngày, nhất là khi tay trẻ có vết xước hoặc trẻ dùng tay chưa rửa để cầm thức ăn cho vào miệng.


Tránh dùng cốc nhiều màu sắc.

Chị Nguyễn Thu Trang (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, dân văn phòng như chị thường mua các loại cốc có hình vẽ và màu sắc để làm cốc uống nước tại cơ quan hay dùng tại gia đình, bởi cốc có hình dáng lạ và màu sắc rực rỡ bắt mắt, đáng yêu. Thế nhưng, sau một thời gian sử dụng, lớp men bên ngoài của cốc hay bị bong lớp sơn màu ra làm nhem nhuốc. 

PGS.TS Vũ Minh Đức, khoa Vật liệu xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, trong gốm sứ thường dùng các chất tạo màu độc ảnh hưởng đến sức khoẻ như: Cadmi tạo màu vàng, da cam; Crôm tạo màu xanh lá cây, cỏ úa hoặc màu bộ đội; Sunfat bari cho màu trắng sơn... Ngoài ra, còn có oxit sắt 3; Oxit manga để tạo màu vàng nhưng các chất này ít độc hại hơn. Các chất này được trộn lẫn với xeslen giúp bền màu mà lại rẻ, tuy nhiên lại tạo ra chất độc.

Để làm nên cốc men sứ có màu mè và hoa văn, người sản xuất thủ công thường làm nên khung xương cốc, sau đó trang trí một lớp men nền với màu thích hợp và vẽ, phun sơn màu phía ngoài rồi hấp khoảng 800 - 900 độ C. Với nhiệt độ và cách làm này, màu sơn sẽ bị thôi, bong ra sau một thời gian sử dụng hoặc dùng trong môi trường có độ pH thấp (axit) sẽ bị tan ra. 

Vì thế, PGS.TS Vũ Minh Đức cho biết, các sản phẩm cốc sứ  có vẽ màu sắc đảm bảo an toàn cần quét lớp men bóng phía ngoài, sau đó nung lại với nhiệt  độ từ 1.500 độ C trở lên. Lớp men bóng này sẽ  ngăn màu phía trong bị thôi ra khi tiếp xúc với người sử dụng. Nên mua của hãng sản xuất có uy tín, nhìn bề ngoài sản phẩm không bị gồ ghề hay nhám, có lớp bóng. Phía trong phải trắng sạch, trơn nhẵn.

Dùng cốc thủy tinh chạm khắc hoặc không màu sắc

Theo PGS.TS Huỳnh Đức Minh, nguyên giảng viên khoa Vật liệu Silicat (Đại học Bách khoa Hà Nội), thủy tinh có độ an toàn về màu sắc cao hơn gốm sứ. Bởi thủy tinh được nung ở nhiệt độ 1.300 - 1.400 độC, sau đó mới đưa vào khuôn ép và mài. Nếu muốn có các hình trên cốc thủy tinh đòi hỏi phải là chạm khắc, tức là sẽ không có màu và hình là các vết hằn sâu trong thủy tinh.

"Cốc thủy tinh ít khi được trang trí bằng các hình có màu. Màu chủ yếu là các chất hữu cơ được vẽ lên sau đó đưa vào nhiệt độ hấp lại. Nếu muốn bám chặt cần nung nhiệt độ cao nhưng sẽ cháy sém. Vì thế, chỉ có cách nung nhiệt độ thấp và dễ bong ra sau một thời gian sử dụng. Điều này dễ gây độc cho người sử dụng. Tốt nhất nên dùng cốc thủy tinh không có màu sắc, nếu có hình cũng chỉ là hình theo kiểu chạm khắc", PGS Minh chỉ rõ.

Theo Bee

Thu hồi 13,4 triệu cốc sứ gây ung thư

Mới đây, nhà phân phối là McDonald đã phải cho thu hồi ngay lập tức 13,4 triệu sản phẩm khắp nơi trên đất Mỹ và Canada. Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) cảnh báo người tiêu dùng ngay lập tức vứt bỏ những chiếc cốc này cũng như báo động về sự tiếp xúc lâu dài đối với cadmi có thể gây ra những vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng.

Ở nước ta hiện chưa có loại cốc này nhưng các loại cốc thủy tinh hay cốc gốm sứ có hình vẽ với nhiều màu sắc khác nhau được bày bán rất nhiều tại các cửa hàng đồ gia dụng hay hàng quà lưu niệm.

Chia sẻ