Chảy máu tiêu hoá, tổn thương nguy hiểm

,
Chia sẻ

Tuỳ tổn thương, mức độ chảy máu diễn ra nhẹ, rỉ rả đến ồ ạt, gây tử vong nhanh chóng do hết máu trong cơ thể.

Chảy máu tiêu hoá là một báo hiệu tổn thương quan trọng trong đường tiêu hoá, có thể chảy máu từ thực quản, dạ dày – tá tràng, mật, ruột non, ruột già đến hậu môn và không bao giờ do rối loạn chức năng thông thường. Tuỳ tổn thương, mức độ chảy máu diễn ra nhẹ, rỉ rả đến ồ ạt, gây tử vong nhanh chóng do hết máu trong cơ thể.

Tổn thương chảy máu tiêu hoá có thể dưới dạng đại thể, tức người bệnh nhận biết được qua triệu chứng ói ra máu hoặc đi tiêu ra máu đen hoặc đỏ. Cũng có thể chỉ chảy máu vi thể, người bệnh và thầy thuốc không hay biết trong thời gian dài, cho đến khi bị thiếu máu với triệu chứng chóng mặt, ngất xỉu mới đi khám bệnh.
 


Dễ chẩn đoán nhầm

Trường hợp chảy máu đại thể, máu sẽ thoát ra qua hai lỗ thông với bên ngoài của đường tiêu hoá là miệng và hậu môn, tức là nôn ra máu hoặc đi tiêu ra máu. Chảy máu từ đường tiêu hoá trên (thực quản, dạ dày – tá tràng) gây nôn ra máu hoặc đi tiêu ra máu hoặc đồng thời cả hai. Chảy máu từ đường tiêu hoá dưới (phần còn lại của đường tiêu hoá) chỉ gây tiêu ra máu.

Nôn ra máu: liều lượng có thể ít với vài vệt máu trong dịch nôn hoặc nhiều với hàng lít máu tươi lẫn máu cục, làm bệnh nhân choáng mất máu, có thể tử vong nhanh. Có khi nhầm giữa nôn máu và ho máu. Ho máu thường là máu đỏ loãng có bọt, khạc ra khi có động tác ho, còn nôn máu thường xảy ra sau một cảm giác lợm giọng buồn nôn và chất nôn máu sẫm hơn, có lẫn dịch dạ dày, không bọt, nếu chảy máu nhiều có thể nôn ra toàn máu đỏ tươi.

Đi tiêu ra máu: tuỳ vị trí và nguyên nhân chảy máu, có thể: tiêu ra phân lỏng, sệt màu đen như bã càphê, mùi nồng khắm, nếu vị trí chảy máu ở đường tiêu hoá trên; tiêu ra toàn máu đỏ bầm loãng và máu cục nếu vị trí chảy máu ở đường tiêu hoá dưới, hoặc chảy máu quá nhiều ở đường tiêu hoá trên; tiêu ra phân lỏng hoặc đặc có lẫn máu đỏ trong phân, nếu vị trí chảy máu ở phần gần cuối ruột già; tiêu ra máu dính bên ngoài phân, nếu vị trí chảy máu ở trực tràng hay hậu môn.


Lưu ý, máu chảy nhỏ giọt từ hậu môn sau khi phân đã thoát ra hoặc ít máu dính theo phân là triệu chứng đặc hiệu chỉ xảy ra trong bệnh trĩ và hiếm khi phải cấp cứu ngay.

Trường hợp chảy máu vi thể, chỉ có thể phát hiện bằng xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân. Đây là một xét nghiệm đơn giản nhưng có ý nghĩa tầm soát các bệnh ở đường tiêu hoá, nhất là ung thư. Khi xét nghiệm dương tính, cần nội soi tiêu hoá để xác định thương tổn.

Vì đâu bị chảy máu tiêu hoá?

Có nhiều nguyên nhân gây ra chảy máu tiêu hoá, thường gặp nhất là: loét dạ dày – tá tràng mạn tính; viêm, loét cấp tính dạ dày – tá tràng do thuốc, stress, sau một biến cố lớn về sức khoẻ;

Bất thường mạch máu ở niêm mạc ống tiêu hoá; ung thư dạ dày; loét và viêm miệng nối (thương tổn loét mãn tính ở miệng nối dạ dày – tá tràng trên bệnh nhân phẫu thuật có làm miệng nối dạ dày – ruột); túi thừa tá tràng (chảy máu do viêm niêm mạc túi thừa); chảy máu thực quản (vỡ tĩnh mạch thực quản trong bệnh xơ gan tăng áp tĩnh mạch cửa);

Các thương tổn khác ở đường tiêu hoá trên (u lành dạ dày, u tá tràng, hội chứng Mallory – Weiss, thoát vị hoành); chảy máu ở ruột non (do lao, các loại u, túi thừa Meckel); chảy máu ở ruột già (do các loại u, viêm đại tràng chảy máu); chảy máu ở hậu môn (do trĩ, các loại u); chảy máu từ đường mật (thường gặp là nhiễm trùng đường mật do sỏi, giun)...

Để chẩn đoán, bác sĩ phải xác định thực sự có phải chảy máu tiêu hoá không, mức độ nặng của chảy máu, vị trí và nguyên nhân gây chảy máu, máu đang chảy hay đã ngưng và tiên lượng khả năng tái phát. Hai nội dung đầu có thể xác định được sau khi khám bệnh.

Hai nội dung sau chủ yếu dựa vào nội soi tiêu hoá. Hiện có nhiều phương tiện nội soi giúp bác sĩ nhìn thấu toàn bộ ống tiêu hoá từ thực quản đến hậu môn như: nội soi thực quản dạ dày – tá tràng, nội soi đại tràng, nội soi ruột non, nội soi viên nang, nội soi ảo...

Các phương pháp chụp X-quang cũng có thể phát hiện một số thương tổn nhưng không chính xác nên không dùng trong chẩn đoán chảy máu tiêu hoá.


Điều trị khởi đầu bằng nội khoa

Người bị chảy máu tiêu hoá không nên đến các phòng khám tư, phòng khám đa khoa để điều trị vì nếu chảy máu nặng e không cấp cứu kịp thời.

Nên đến các bệnh viện ít nhất là từ tuyến quận, huyện trở lên để được khám sơ bộ, cấp cứu kịp thời và chuyển tiếp đến tuyến cao hơn nếu cần can thiệp chuyên khoa. Điều trị chảy máu tiêu hoá bao gồm làm cho ngưng chảy máu và lấy đi thương tổn gây chảy máu. Bao giờ điều trị cũng khởi đầu bằng nội khoa.

Với điều trị nội khoa (dùng thuốc, truyền dịch, truyền máu), chảy máu sẽ tự cầm trong 50% trường hợp. Số còn lại không cầm máu được với điều trị nội khoa, sẽ phải dùng phương pháp cầm máu qua nội soi hoặc phẫu thuật.

Cầm máu qua nội soi: là sử dụng các kỹ thuật đốt, tiêm, xịt keo, bấm kim vào chỗ chảy máu bằng các dụng cụ chuyên dụng luồn qua ống soi trong khi nội soi dạ dày hoặc đại tràng. Đây là phương pháp cầm máu bước đầu và nhiều trường hợp có thể đạt đến ngưng hẳn chảy máu, có tác dụng làm giảm lượng máu cần truyền và giảm số ca chỉ định mổ cấp cứu.

Chỉ định cầm máu qua nội soi áp dụng cho các trường hợp chảy máu đang tiến triển hay chảy máu đã tạm ngưng nhưng còn nguy cơ. Tuy nhiên, trong trường hợp máu chảy mạnh thành tia, rất khó cầm máu thì thường phải mổ cấp cứu.


Phẫu thuật cấp cứu: chỉ thực hiện khi chảy máu vẫn tiếp diễn hay tái diễn sau cầm máu qua nội soi hoặc khi chảy máu thành tia từ động mạch khá lớn nhìn thấy qua nội soi. Phẫu thuật có thể chỉ thực hiện cầm máu đơn thuần hoặc vừa cầm máu vừa điều trị triệt để thương tổn gây chảy máu và các biến chứng kèm theo như thủng, hẹp, tắc ống tiêu hoá.

Ngoại trừ các trường hợp tự cầm máu với điều trị bằng thuốc, các trường hợp còn lại phải dùng các thủ thuật chuyên khoa hoặc phẫu thuật chỉ thực hiện được ở các bệnh viện có chuyên khoa. Vì vậy, cần nhấn mạnh một lần nữa rằng, khi bị chảy máu tiêu hoá, người bệnh nên đến khám tại bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Theo SGTT
Chia sẻ