Chất đạm giúp trẻ hóa da, tóc và các cơ

,
Chia sẻ

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngoài việc tăng sức đề kháng cho cơ thể thì chất đạm còn can thiệp vào quá trình đổi mới da, tóc và các cơ...

1- Chất đạm (protéine) có tác dụng gì

Tất cả các tế bào sống trong cơ thể chúng ta đều cần chất đạm. Chất đạm tạo điều kiện cho sự phát triển, chất đạm can thiệp vào quá trình đổi mới da, tóc, cơ... và đặc biệt, chất đạm giúp cho cơ thể chống lại bệnh tật.

Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về dinh dưỡng, lượng chất đạm đưa vào cơ thể nên được cân đối theo tỷ lệ 50 % chất đạm có nguồn gốc động vật (thịt, cá, tôm cua, trứng, sữa bò, sữa dê...) và 50 % chất đạm có nguồn gốc thực vật (sữa đậu nành, rau, lạc, đậu đỗ các loại).

2- Nhu cầu trung bình  

Nhu cầu chất đạm của con người được tính theo trọng lượng cơ thể. Dưới đây là bảng nhu cầu trung bình được tổ chức FAO đưa ra năm 2005:

Tuổi

Nhu cầu chất đạm tính theo gr / 1 kg trọng lượng cơ thể

4-6 tháng

 1,38 gr

6-9 tháng

1,25 gr

9-12 tháng

1,15 gr

12-người lớn  

1 gr

Phụ nữ có thai hoặc cho con bú

 1,2 -1,3 gr

Lưu ý :  Nhu cầu trên được tính theo trọng lượng trung bình và cho những người hoạt động ở mức độ trung bình. Những người sử dụng nhiều đến cơ bắp như chơi thể thao, lao động chân tay nhiều thì có thể tăng lượng lên một chút. Ngược lại những người ít hoạt động hoặc có trọng lượng vượt chuẩn cho phép thì nhu cầu đạm tính theo gram / kg trọng lượng cơ thể phải được giảm đi một chút so với nhu cầu trung bình.


Đỗ xào thịt bò - một món ăn bổ sung chất đạm cao

3- Các nguồn chất đạm và cách ước tính cụ thể

Số lượng nêu trên là số lượng chất đạm nguyên chất. Để giúp bạn tính toán được khẩu phần ăn một cách cụ thể, xin hãy tham khảo một số cách tính sau :

- Sữa bột : Thường đã có hàm lượng protéine (chất đạm ) cụ thể trên bao bì.
 
- Bạn sẽ có khoảng 20 gr chất đạm trong:

     + Một 100 gr thịt bò, lợn

     + Một cái đùi gà, vịt

     + Một miếng cá chừng 80 gr

     + Một quả trứng gà, vịt loại trung bình

- Bạn sẽ có 15 gr chất đạm trong:

     + Khoảng 200 gr đỗ đen, đỗ xanh hoặc đỗ đỏ nấu chín

     + Khoảng 150 gr đậu nành (đậu tương)
 
- Bạn sẽ có khoảng 10 gr chất đạm trong:

     + 45 gr pho mát miếng

     + 1 bát (khoảng 250 ml sữa tươi)
 
- Bạn sẽ có 5 gr chất đạm trong:

     + 80 gr bánh mì hoặc gạo nếp

     + 100 gr gạo lức

     + 150 gr gạo trắng bình thường

     + 50 gr lạc

     + Một hộp sữa chua thường (hoặc sữa chua đậu nành) loại 125 ml  

     + Một đĩa mì (nui )

Lưu ý : Trên đây chỉ là một số thực phẩm thông dụng. Bạn có thể tìm thấy chất đạm trong nhiều loại thực phẩm khác với hàm lượng nhiều ít khác nhau.

- Thiếu chất đạm sẽ làm cho hệ cơ trở nên yếu ớt, nhẽo, dễ mệt mỏi và thiếu sức đề kháng. Nhưng ăn quá nhiều chất đạm trong cùng một thời điểm dễ gây viêm tụy cấp. Ăn thừa chất đạm kéo dài có thể có nhiều tác dụng không tốt như: Bắt buộc cơ thể phải mất nhiều nhiệt lượng để phân hủy số lượng đạm ăn vào, đồng thời cơ thể sẽ thải ra nhiều nhiệt lượng, làm cho cơ thể nóng, khô, háo nước. Nặng hơn có thể dẫn đến bệnh gút, thoát đạm qua nước tiểu và một số bệnh nặng khác ....
 
Bác sỹ Thu Hằng tư vấn
Chia sẻ