Chất béo và những bí mật bạn cần biết

,
Chia sẻ

Mặc dù trước giờ vẫn mang tiếng xấu là "kẻ thù" của cơ thể nhưng trên thực tế chất béo đóng vai trò hết sức quan trọng đối với cơ thể.

Tế bào chất béo có thể phình lên gấp 6 lần so với kích thước nhỏ nhất của chúng

Khi lượng calo được hấp thụ nhiều hơn lượng calo được đốt cháy, tế bào chất béo trong cơ thể sẽ phình lên tới 6 lần so với kích thước nhỏ nhất của chúng, và bắt đầu nhân đôi – từ mức trung bình 40 tỉ (ở người lớn) lên tới 100 tỉ. Ai cũng có tế bào chất béo, chúng bắt đầu hình thành trước khi chúng ta ra đời và khi chúng ta khoảng 16 tuổi, chúng sẽ trở nên hoàn thiện. Sau đó, khi bạn già đi, lượng tế bào chất béo tăng hay giảm sẽ phụ thuộc vào lối sống và gien của bạn.

Tế bào chất béo đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống và bổ sung nguồn năng lượng cho cơ thể. Nếu không được chuyển hóa, chất béo sẽ ngay lập tức được lưu trữ để dùng sau này. Và khi các bữa ăn hàng ngày của bạn nhiều calo trong khi lượng calo được đốt cháy ít thì tế bào chất béo lại có dịp phình ra và nhân đôi, dẫn đến tăng cân.

Tế bào chất béo sản sinh estrogen

Tăng thêm vài cân thừa cũng có thể ảnh hưởng xấu tới sự cân bằng hocmon của cơ thể, dẫn đến nhiều nguy cơ bệnh tật. Estrogen là một hocmon dự trữ chất béo. Dù được biết như một loại “hocmon nữ” nhưng estrogen cũng tồn tại một lượng nhỏ ở đàn ông. Khi bạn tăng cân, lượng estrogen cũng sẽ tăng và làm nẩy sinh nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Mặc dù estrogen cần thiết ở người vì nó điều tiết khả năng tình dục lành mạnh, tăng cường sự hoạt động của não (đặc biệt trí nhớ) và bảo vệ tim nhưng khi lượng estrogen quá cao, lượng testosterone sẽ giảm và nhiều người sẽ cảm thấy mệt mỏi, xổ cơ bắp, giảm ham muốn và trong một số trường hợp, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tuyến tiền liệt. Nói cách khác, việc tăng lượng estrogen ở người sẽ không mang lại tác dụng tích cực.

Nếu bạn giảm nhiều cân, tế bào chất béo sẽ co lại nhưng không biến mất

Khi bạn giảm cân, các tế bào chất béo trong cơ thể không mất đi mà chỉ co lại và vẫn nằm trong cơ thể bạn, chỉ chờ bạn ăn nhiều thịt là chúng lại phình ra.

Vì thế, bạn nên duy trì trọng lượng ổn định thay vì tăng hay giảm cân quá nhanh, đồng thời nên trung thành và duy trì một chế độ ăn uống nhất định. Một người có trọng lượng ổn định (chẳng hạn, hơi gầy) trong cả đời sẽ duy trì mức trọng lượng đó dễ dàng hơn người có tế bào chất béo phình ra và nhân đôi.

Tế bào chất béo “hành xử” khác nhau ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể

Thường những cân thừa của cơ thể sẽ tập trung ở vùng giữa (chẳng hạn vùng bụng), do đó nếu bạn tăng cân (dù bạn uống bia hay không), phần lớn cân nặng được tăng thêm sẽ tích tụ ở phần bụng trước tiên.

Chất béo ở bụng làm tăng lượng cholesterol xấu (LDL), tạo ra chất béo thừa trong máu, và tăng huyết áp cũng như lượng đường trong máu. Bên cạnh đó, chất béo ở vùng bụng có xu hướng nằm sâu bên trong cơ thể hơn so với chất béo ở đùi và hông mà được lưu trữ ngay dưới da.

Tế bào chất ở bụng thải ra nhiều axit béo hơn, điều này có thể dẫn đến bệnh đái đường, động mạch vành, đột quỵ và một số loại ung thư. Tế bào chất béo bụng còn có thể ảnh hưởng đến hoạt động lành mạnh của gan.

Thật không may, không có cách nào giảm trọng lượng tại một bộ phận cụ thể của cơ thể (chẳng hạn, vùng bụng). Vì vậy, để giảm cân thừa, bạn phải tập luyện toàn bộ cơ thể. Tin tốt lành là những cân thừa ở phần giữa thường giảm nhanh nhất khi bạn tập luyện đều đặn.

Nếu không hấp thụ chất béo, bạn sẽ làm gián đoạn các hoạt động tự nhiên của cơ thể

Chất béo rất quan trọng trong việc duy trì các quá trình hoạt động tự nhiên của cơ thể, chẳng hạn như hấp thụ vitamin và sản xuất năng lượng. Không có những vitamin hòa tan chất béo đặc biệt này (A, D, E và K), cơ thể không thể hấp thụ canxi hợp lý, việc sản xuất hocmon có thể bị ảnh hưởng xấu, dẫn đến các bệnh nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm bệnh quáng gà, còi xương, thiếu máu, và chảy máu trong. Bên cạnh đó, khi cơ thể không thể hấp thụ canxi, xương có thể bị yếu và giòn.

Chất béo – loại không bão hòa — cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết cholesterol bằng cách giảm lượng cholesterol “xấu” (LDL).

Calo từ chất béo chỉ chiếm 30% tổng mức calo hàng ngày

Chất béo không phải là kẻ thù của bạn. Cơ thể bạn cần một lượng chất béo nhất định để duy trì các hoạt động bên trong cơ thể được diễn ra bình thường. Ngoài ra, chất béo còn giúp hấp thụ một số loại vitamin và hơn hết, chúng cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng cần thiết để hoạt động mỗi ngày.

Với một chế độ ăn uống lành mạnh, calo từ chất béo sẽ chiếm 30% tổng số calo hấp thụ mỗi ngày. Tuy nhiên, cần nhớ rằng chất béo chứa gấp đôi lượng calo của carbohydrate hoặc protein.

Chất béo bão hòa, có thịt đỏ và sản phẩm làm từ sữa, thường làm tăng lượng cholesterol xấu (LDL) hơn các loại chất béo khác, chẳng hạn như chất béo không bão hòa dạng đơn thể và chất béo không bão hòa dạng đa thể có trong các loại hạt, dầu oliu và cá nhiều chất béo.

Thụy Vân

(Tổng hợp)

Chia sẻ