Chất bảo vệ hoa quả không thể phá hủy nội tạng

,
Chia sẻ

ThS. BS dinh dưỡng Nguyễn Trọng An (Bộ LĐ - TB&XH) cũng khẳng định không có loại hoa quả nào ngâm hoá chất có thể khiến người ăn bị phá huỷ nội tạng.

Thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng hoang mang trước thông tin được truyền nhau qua tin nhắn trên điện thoại di động: "Tuyệt đối không được ăn hoa quả "táo, lê, cam, quýt, nho (xuất xứ nước ngoài) vì có chất phá hủy nội tạng" .

Không thể phá huỷ nội tạng

Trao đổi về thông tin trên, PGS. TS Trần Hồng Côn, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Hoá học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định không có loại trái cây nào ngâm hoá chất khi ăn vào cơ thể có sức mạnh phá huỷ nội tạng ở người.

Thực chất, những loại hoá chất mà người buôn trái cây sử dụng chính là những loại dung dịch chống thối. Dung dịch này là tập hợp của 5 chất có độc tố như thuốc trừ sâu, clo... với mục đích chống vi khuẩn ăn thối vỏ.

Tương tự, ThS. BS dinh dưỡng Nguyễn Trọng An (Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ - TB&XH) cũng khẳng định không có loại hoa quả nào ngâm hoá chất có thể khiến người ăn bị phá huỷ nội tạng. Hoá chất đang được sử dụng nhiều ở một số loại trái cây nhập khẩu trên thị trường hiện nay chính là chất bảo quản, chất kích thích, để vừa chống mốc vừa bảo quản hàng hóa lâu bị hư hại. Hóa chất này có gốc clo, peroxit, chất diệt cỏ 2,4D...  Riêng chất diệt cỏ 2,4D, nếu sử dụng nồng độ thấp sẽ trở thành chất kích thích cực mạnh làm cho củ quả tăng kích thước nhanh bất thường. Ngoài ra, còn có công dụng làm chậm quá trình lão hóa, tươi lâu và giữ được màu sắc củ quả khá tốt. Chúng còn có tác dụng diệt côn trùng, vi khuẩn... nên nhiều người lợi dụng làm chất bảo quản.

BS Nguyễn Trọng An cũng cho biết thêm, những loại hóa chất này thẩm thấu rất mạnh vào bên trong củ quả, về lâu dài gây nguy hiểm cho gan, gây ung thư và nguy hiểm hơn là làm chậm quá trình phát triển của trẻ.

Về cách nhận biết trái cây có ngâm ủ những hoá chất cực độc trên, các nhà khoa học đều khẳng định rất khó nhận biết vì các độc chất trên có tính chất không màu, không mùi, không vị.
 

Người tiêu dùng nên mua những loại hoa quả có nguồn gốc rõ ràng. (Ảnh: Chí Cường)

Chọn trái cây an toàn

Theo BS Nguyễn Trọng An, những loại trái cây như cam, quýt dễ phân biệt có ngâm chất bảo quản hay không nhờ vào lá và cuống. Nếu bị ngâm độc, cuống và lá sẽ bị rụng. Để đề phòng cuống bị gắn bằng keo, người tiêu dùng nên lay nhẹ cuống để xem cuống thật hay giả. Riêng với quả lê và táo, nếu vỏ ngoài xỉn màu, cứng, cuống trắng lốm đốm là đã bị ngâm chất bảo quản.

Ngoài ra, BS An cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên chọn những quả trông đẹp mã, quá bóng bẩy, bởi trái cây có chất bảo quản thường có vỏ ngoài bóng mịn, mỡ màng, màu sắc đẹp. Nên chú ý chọn những loại quả nhìn bên ngoài hơi bóng hoặc có lông, có mùi thơm của quả.

Người tiêu dùng có thể phân biệt trái cây có chất bảo quản qua thời hạn sử dụng, giá tiền của trái cây. Trái cây có chất bảo quản thường có giá rẻ, thời gian sử dụng lâu, có thể để trong một thời gian dài 2- 3 tuần mà không có dấu hiệu bị hỏng. Còn trái cây được bảo quản theo các phương pháp an toàn thì được đóng gói cẩn thận, có ghi tên công ty, hãng gia công, chế biến trên bao gói bán lẻ và trên thùng. Khi chọn mua, người tiêu dùng nên mua những loại hoa quả nguồn gốc rõ ràng, tránh mua những loại hoa quả trái mùa không rõ nguồn gốc. Các loại hoa quả trái mùa như cam, quýt, bưởi... được bảo quản bằng hóa chất độc hại thường có vỏ khô, cứng, khi bóp thấy nhũn hoặc khi bóc vỏ thì ruột đã khô.

Cũng theo BS An, khi sử dụng hoa quả mua về nên rửa sạch dưới vòi nước đang chảy vài lần, ngâm qua nước muối loãng vài phút trước khi ăn sẽ giúp làm sạch thuốc trừ sâu, trứng giun sán và các chất bẩn bám trên hoa quả. Tốt nhất, khi ăn nên gọt sâu các loại hoa quả cần gọt vỏ.
Theo GD&XH
 

Nếu ăn phải trái cây ngâm với lượng chất bảo quản với nồng độ đậm đặc, chậm nhất là sau 30 phút, cơ thể người sẽ phản ứng giống như bị ngộ độc thức ăn như: Chóng mặt, buồn nôn. Trong trường hợp này, người bị ngộ độc nên lập tức gây nôn để đẩy hết lượng thức ăn ra khỏi cơ thể, đồng thời thực hiện theo phương pháp dân gian là ninh đậu xanh (để nguyên vỏ) với nước đường để uống giải độc. Nếu không khá hơn thì phải đến cơ sở y tế gần nhất để giải độc.      

PGS. TS Trần Hồng Côn
(Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Hoá học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội )
Chia sẻ