Cháo dinh dưỡng, khó đủ chất bổ!

,
Chia sẻ

Với ưu thế tiện lợi, rẻ tiền, lúc nào mua cũng có… các loại cháo dinh dưỡng ăn liền đang bày bán khắp nơi được khá nhiều gia đình có con nhỏ ưa chuộng.

Tuy nhiên, những kết quả kiểm nghiệm mới đây cho thấy, lựa chọn này có thể sai lầm.

Cháo bán sẵn khó đủ chất bổ

Để có món cháo dinh dưỡng an toàn, đủ chất… các gia đình nên tự nấu. Ảnh: Lê Kiên

Với tên gọi “cháo dinh dưỡng” và trên bao bì ghi đầy đủ các chất như cháo, nước xương, đậu xanh, cà rốt, đậu côve, thịt heo, tôm, cá, thịt bò, khoai tây, dầu ăn... đã khiến không ít phụ huynh tin rằng trong cháo có đầy đủ dinh dưỡng, trong khi thực tế không phải như vậy.


Với giá bán một phần cháo chỉ vài ngàn đồng, trong tình hình giá cả sinh hoạt đắt đỏ như hiện nay rất khó để tin các món cháo đó bảo đảm đủ thành phần dinh dưỡng như quảng cáo. Chưa kể gần đây có nhiều thông tin về cháo dinh dưỡng chế biến sẵn của một số cơ sở có nhiều hoá chất bảo quản độc hại.

Trong thực tế khám bệnh tại bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hoá do ăn cháo dinh dưỡng. Những trẻ này trước khi nhập viện khoảng 2 – 3 giờ vẫn khoẻ mạnh, nhưng sau khi ăn cháo gia đình mua sẵn ở ngoài về thì nôn ói, tiêu chảy.

Chẩn đoán của các bác sĩ cho những trường hợp này thường là ngộ độc thức ăn nghi ngờ do cháo dinh dưỡng. Đáng nói hơn, có nhiều trẻ đã bị suy dinh dưỡng, biếng ăn vì ăn cháo dinh dưỡng trong một thời gian dài.

Tự nấu cháo sẽ tốt hơn

Chế biến món cháo vừa ngon vừa bổ, vừa rẻ tại nhà cho trẻ thật ra không khó. Dành ra một chút thời gian để nấu không chỉ giúp trẻ có món ăn an toàn, bổ dưỡng mà còn làm sâu đậm hơn tình yêu thương giữa cha mẹ với con cái.

Do vậy, dù bận rộn mấy thì các ông bố bà mẹ cũng nên chịu khó nấu cho trẻ ăn là tốt nhất. Một vài gợi ý để mọi người có thể tự nấu lấy món cháo dinh dưỡng tại nhà:

Để không tốn gas mà cháo nhừ: nên đun sôi gạo từ buổi tối, sau đó cho vào một bình thuỷ, sáng hôm sau đã có một nồi cháo trắng nhuyễn nhừ.

Để không mất công xay nhuyễn thực phẩm: hãy băm thịt thật nhuyễn, bỏ những sợi gân xơ, sau đó hoà tan với nước lạnh, cho vào cháo còn đang nguội rồi đun sôi chín thịt. Như vậy thịt không bị vón cục và bé ăn rất dễ dàng.

Để bé ăn được thực phẩm tươi: buổi sáng nên cho bé ăn một chén cháo trứng (cháo trắng và một quả trứng) hoặc cháo sữa (cháo trắng và bảy muỗng sữa bột). Trưa, chiều, tối thì ăn cháo với thịt bằm hoặc các loại khác.

Để có cháo thơm ngon: lấy một nắm lá rau xanh (rau muống, bồ ngót, mồng tơi, rau dền...) băm nhuyễn cho vào cháo khi đã chín thịt. Đun sôi chín rau, cho một muỗng canh dầu ăn vào nồi cháo, đun sôi là xong.

Bé mới tập ăn không nên nêm nếm mặn, ngọt vì bé không thích, còn nếu bé đã quen với vị nêm thì cứ tiếp tục nêm. Bé ăn bữa nào thì nấu thịt rau bữa đó, không nên nấu một nồi ăn cả ngày (trừ cháo trắng là nấu sẵn).

Điều cuối cùng cần biết, thực tế không có cháo nào là “cháo dinh dưỡng”, chỉ có cháo thịt, cháo cá, cháo tôm... Và nếu ăn hoài không lên cân, bé bị ói và tiêu chảy... thì phải xem lại cách lựa chọn cháo cho bé.

Nhiều mẫu cháo dinh dưỡng nhiễm khuẩn

Kết quả kiểm nghiệm vừa công bố của viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM trên 49 mẫu cháo dinh dưỡng ăn liền, dưới dạng có bao gói sẵn và dạng rời cho vào bịch, hộp… bán tại chín quận trong TP.HCM (quận 3, 6, 8, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú) cho thấy có 42,9% mẫu cháo nhiễm khuẩn coliforms, 26,5% nhiễm khuẩn E.coli và 6,1% nhiễm khuẩn staphylococcus aureus (các tác nhân gây bệnh đường tiêu hoá).

Đáng chú ý: có 57,1 – 75,5% số mẫu có hàm lượng protid, lipid và năng lượng không đạt so với quy định. Tính cân đối năng lượng cũng không đạt, chứa nhiều glucid nhưng lại ít lipid hơn mức cần thiết.

Theo SGTT
Chia sẻ