Cây đinh lăng có phải là thuốc?

,
Chia sẻ

Nhà tôi có trồng cây đinh lăng, chỉ biết hái lá làm rau ghém ăn sống. Tôi nghe nói cây đinh lăng cũng là thuốc bổ.

Không biết công dụng và cách dùng cây này ra sao, xin giải đáp giúp?

Thu Trang

Cây đinh lăng - Ảnh: Internet

 
Trả lời:
 
Cây đinh lăng còn được gọi là cây gỏi cá, vì hay được dùng như một loại rau ghém ăn chung với cá. Đinh lăng có vị đắng, ngọt, tính mát, mùi thơm, không độc, có tác dụng bổ ngũ tạng làm tăng cường sức dẻo dai và nâng cao sức đề kháng cơ thể, chống được hiện tượng mệt mỏi, giúp ăn ngon, ngủ yên, mau lên cân.

Theo các kết quả nghiên cứu, trong rễ đinh lăng có chứa nhiều saponin có tác dụng như nhân sâm, nhiều sinh tố B1, ngoài ra rễ còn chứa khoảng 13 loại axit amin cần thiết cho cơ thể, nhờ đó đinh lăng còn giúp tăng trí nhớ. Ngoài công dụng trên, rễ đinh lăng thường được dùng để trị ho ra máu, chữa tắc tia sữa, làm mát huyết, lợi tiểu, chữa mẩn ngứa. Lấy rễ đinh lăng sao vàng, khử thổ, sắc cho phụ nữ uống sau khi sinh để chống đau dạ con và làm tăng tiết sữa cho con bú.

Lá đinh lăng cũng được dùng nấu canh với thịt, cá để bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người ốm mới dậy. Tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, ban sởi, chữa ho ra máu, kiết lỵ.

Theo kinh nghiệm dân gian, để phòng chống bệnh co giật cho trẻ em hoặc trẻ mới sinh, người ta lấy lá non và lá già phơi khô đem lót vào gối hoặc trải giường cho trẻ nằm. Phối hợp với sữa ong chúa làm thuốc bổ rất tốt. Vận động viên đô vật uống nước sắc từ lá đinh lăng sẽ giúp sức lực dẻo dai và bền bỉ trong khi thi đấu.

Tuy nhiên, do thành phần saponin có nhiều trong rễ đinh lăng, chất này có tính phá huyết sẽ làm vỡ hồng cầu, vì vậy chỉ dùng khi cần thiết và phải dùng đúng liều, đúng cách. Càng không được dùng rễ đinh lăng với liều cao sẽ bị say thuốc và xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy.

 
Theo Ds. Lê Kim Phụng
Tuổi trẻ
Chia sẻ