Cảnh báo dịch bệnh bùng phát sau ngập úng

,
Chia sẻ

Trung tâm Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo: Nguồn nước của thành phố đang ô nhiễm nặng. Hà Nội rất dễ bùng phát trở lại các loại bệnh dịch, đáng ngại nhất là sự quay lại của dịch tả và sốt xuất huyết.

Nước thành phố ô nhiễm nặng

Hà Nội là nơi tập trung nhiều cụm bệnh viện T.Ư với số lượng bệnh nhân rất lớn. Điều này đồng nghĩa với việc các bệnh viện hàng ngày thải ra lượng nước có chứa nhiều vi khuẩn mang bệnh dịch. Hiện nay, đa số các bệnh viện đều để nước thải chảy thẳng ra sông theo kiểu lộ thiên.

Trong mấy ngày qua, Hà Nội đã trải qua đợt mưa to kéo dài kỷ lục khiến cả thành phố rơi vào tình trạng ngập úng. Nước ở các hồ, sông dẫn chất thải đã hoà lẫn vào nước sạch tràn ngập khắp các gia đình. Dẫn đến hiểm hoạ dịch bệnh đang đe dọa toàn bộ cư dân thành thị.

Chiều 1/11, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, đã cảnh báo người dân Hà Nội về nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả và dịch sốt xuất huyết sau đợt ngập úng này. Ông Nga xác nhận, lượng nước đang ngập úng đã bị nhiễm khuẩn nặng bởi rác thải y tế và rác thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, nguồn nước dùng để sinh hoạt cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn.

Đề phòng ngừa dịch bệnh, ông Nga khuyến cáo: “Người dân nên giữ gìn vệ sinh sau đợt ngập úng. Nước rút đến đâu, nên làm vệ sinh sạch sẽ đến đó. Cần lưu ý diệt ruồi, bọ gậy ở những nơi nước tù. Người dân cần tuyệt đối ăn chín, uống sôi. Những gia đình có cháu nhỏ không nên để các cháu nô đùa ở khu vực nước ngập, rất dễ dẫn đến việc ngã xuống kênh mương hoặc uống phải nước bẩn…”

Đối với công tác Y tế dự phòng, ông Nga cũng cho biết, toàn bộ hệ thống cán bộ dự phòng đã được lệnh hoạt động 24/24 nhằm phục vụ công tác chống dịch. Một lượng lớn cloramin B đã được chuẩn bị để sát khuẩn những khu vực tập trung đông dân cư và có nguy cơ cao xảy ra dịch tả. Cùng đó, cơ số lớn hoá chất sát khuẩn diệt muỗi, bọ gậy gây sốt xuất huyết cũng đã được điều động để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh có thể xảy ra.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã chuẩn bị đủ thuốc men để điều trị trong trường hợp xảy ra dịch tả hoặc sốt xuất huyết. Trung tâm Y tế dự phòng của Sở sẽ tiến hành sát khuẩn ở những khu vực đã từng xảy ra dịch tả và những khu vực có nguy cơ cao như: Ký túc xá sinh viên, khu tập trung nhiều người lao động ngoại tỉnh đến ở trọ.

Những khu vực được đánh giá là có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh là: thành phố Hà Đông, quận Thanh Xuân, quận Hoàng Mai…

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế cũng khuyến cáo người dân lưu ý biểu hiện bệnh dịch. Nếu phát hiện người nhà có hiện tượng sốt cao, tiêu chảy kéo dài cần báo ngay cho chính quyền sở tại và đưa bệnh nhân đến viện điều trị kịp thời, tránh lây lan bệnh trên diện rộng.
 

Bộ Y tế: Cấp cứu miễn phí cho dân bị bão, lũ

Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn cũng là những tỉnh đang bị mưa lũ hoành hành.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế cũng đã gửi công văn khẩn yêu cầu các tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng cấp cứu miễn phí cho nạn nhân bão, lũ. Các đội cấp cứu cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh; hỗ trợ các vùng ngập lũ, cứu chữa kịp thời người bị thương, đặc biệt là khử trùng nguồn nước uống phục vụ sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh lây lan.

Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra và báo cáo về số lượng dự trữ cơ số thuốc, hoá chất và thiết bị y tế cho những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng và chia cắt do mưa lũ; sẵn sàng các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ xảy ra mưa bão.

Các đơn vị trực thuộc Bộ cũng nhận được lệnh phải chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, hoá chất, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động trực 24/24h, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.

Theo P. Thanh
Dantri
Chia sẻ