Cảnh báo 3 bệnh tiềm ẩn dễ gặp trong mùa đông

Khánh Huy,
Chia sẻ

Cúm và cảm lạnh không phải là những vấn đề sức khỏe duy nhất bạn gặp khi thời tiết lạnh. Khi nhiệt độ xuống thấp, cơ thể chúng ta dễ gặp phải những bệnh tiềm ẩn khác nữa.

Dưới đây là 3 bệnh tiềm ẩn nhưng lại dễ gặp trong mùa đông. 

Cảnh báo 3 bệnh tiềm ẩn dễ gặp trong mùa đông  1
Cúm và cảm lạnh không phải là những vấn đề sức khỏe duy nhất bạn gặp khi thời tiết lạnh. Ảnh minh họa

1. Bệnh về tim mạch 

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) trong mùa đông, số lượng người bị nhồi máu cơ tim tăng lên đột biến. 

Cơ thể chúng ta phải gắng sức để chống lại nhiệt độ lạnh, do đó có thể gây căng thẳng cho tim. Đặc biệt với những người không hoạt động thể chất thường xuyên hoặc những người vốn bị bệnh tim, nguy cơ này càng tăng. Những người bị bệnh tim trong mùa đông thường xuyên phải chịu những cơn đau thắt ngực. 

Do đó, trong mùa đông,bạn đặc biệt không được lười vận động,  bạn cần thường xuyên luyện tập những bài tập thể dục phù hợp để giúp cơ bắp dẻo dai hơn, mạch máu lưu thông tốt hơn. Đó cũng là cách để giảm những nguy cơ về bệnh tim mạch trong mùa này. 

2. Trầm cảm 

Trầm cảm có thể xảy ra trong suốt cả năm, nhưng phổ biến nhất là vào mùa đông và có thể kéo dài đến tận mùa hè. Theo một khảo sát của Mỹ, có đến 6% dân số Mỹ mắc bệnh trầm cảm mùa đông và phụ nữ có khả năng mắc bệnh cao hơn nam giới.

Không phải ai bị trầm cảm cũng có triệu chứng giống nhau nhưng dấu hiệu chung thường bao gồm: cảm giác buồn bã, lo âu, tuyệt vọng, cảm giác tội lỗi hoặc thấy mình vô dụng, suy nghĩ đến việc tự tử, mệt mỏi, khó chịu. Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm mùa đông cũng thường không rõ ràng. 

Một số chuyên gia sức khỏe tin rằng tình trạng này có thể có liên quan đến sự mất cân bằng của hóa chất trong não để cân bằng giấc ngủ, năng lượng và tâm trạng. Sự mất cân bằng này xảy ra khi nồng độ melatonin – một trong những hóa chất trong não tăng lên trong khi nồng độ serotonin  - một chất hóa học khác lại giảm.

Theo Hiệp hội Tâm thần Mỹ, nếu cơ thể chúng ta được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều, thì sẽ cải thiện triệu chứng trầm cảm tốt hơn. Các chuyên gia cũng khuyên bạn có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm theo hướng dẫn của bác sĩ. Đối với một số người bị trầm cảm, phương pháp điều trị có thể là sử dụng hộp ánh sáng, tức là người bị trầm cảm ngồi trước một chiếc đèn đặc biệt bắt chước ánh sáng mặt trời, mà không nhìn trực tiếp vào ánh sáng, mỗi ngày khoảng 30 phút. Ánh sáng được sử dụng để điều chỉnh giấc ngủ hàng ngày (nhịp sinh học) cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng của bạn. 

Cảnh báo 3 bệnh tiềm ẩn dễ gặp trong mùa đông  2
Trầm cảm có thể xảy ra trong suốt cả năm. Ảnh minh họa

3. Ngộ độc carbon monoxide 

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC), mỗi năm có khoảng hơn 400 người Mỹ chết vì ngộ độc carbon monoxide.

Carbon monoxide (CO) là chất khí không màu, không mùi được tạo ra khi chúng ta đốt nhiên liệu. Bất kỳ thiết bị đốt nhiên liệu nào được dùng trong nhà bạn cũng có thể tạo ra khí CO như bếp, hệ thống sưởi... - những thiết bị sưởi ấm trong nhà được sử dụng vào mùa đông. Chạy xe hơi hoặc chạy một máy phát điện trong nhà cũng có thể gây ngộ độc CO. 

Các triệu chứng thường gặp khi nhiễm độc CO là đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt. Nhưng nhiễm độc CO có thể rất khó chẩn đoán bởi các triệu chứng của nó rất giống với các bệnh khác. Nếu bạn thấy có một số triệu chứng trên trong một thời gian ngắn thì bạn cần đến bác sĩ kiểm tra. 

Để tránh ngộ độc CO, tốt nhất bạn không nên sử dụng các loại lò sưởi ấm trong nhà, không dùng máy phát điện hay để động cơ xe chạy trong gara khép kín. 

(Nguồn: Livescience)
Chia sẻ