Cẩn trọng với nguy cơ ngộ độc do uống chè dây

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết vừa có một ca tử vong tại bệnh viện do nghi ngộ độc thực phẩm từ loại thảo dược chè dây.

Suy gan nghi do ngộ độc chè dây


Đó là một một bệnh nhân nam 72 tuổi đến từ Hải Phòng. Theo người nhà bệnh nhân  trước lúc nhập viện, bệnh nhân và gia đình được một người thân đi du lịch về và biếu một gói chè dây. Cả nhà cùng uống nhưng bệnh nhân là người uống tích cực nhất trong mấy ngày liền. 

Sau đó bệnh nhân có biểu hiện trong tình trạng mệt mỏi, vàng da, vàng mắt. Bệnh nhân nhập viện tại Hải Phòng và được kết luận bị suy gan. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị với trạng thái lơ mơ rồi hôn mê, mắt vàng đậm, suy gan, tan máu. Sau 2 ngày nhập viện thì bệnh nhân tử vong.

Theo bác sĩ Cấp, hiện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã gửi mẫu chè dây bệnh nhân đã dùng để xét nghiệm. Đây là trường hợp đầu tiên uống chè dây bị ngộ độc.

Bản thân chè dây vốn lành tính và được nhiều đơn vị sản xuất thành các chế phẩm được nhiều người yêu thích.

Tuy nhiên, bác sỹ Cấp cũng cho rằng hiện nay trên các trang mạng quảng cáo rất nhiều về các loại thảo dược với công dụng quá mức thực tế. Việc này khiến nhiều người săn lùng mua hơn và dẫn đến tình trạng có thể có những người không có kinh nghiệm đi thu hái nên không loại trừ họ hái nhầm lẫn các loại cây khác. 

Hơn nữa, việc bán trôi nổi các loại đông dược trên thị trường không thể quản lý được quy trình sao tẩm, chế biến. Có thể đây chính là quá trình khiến thảo dược có thể bị lẫn các hóa chất bảo quản không kiểm soát được và là nguyên nhân dẫn tới ngộ độc cho người sử dụng, BS Cấp nhấn mạnh.

Ngộ độc chè dây
Bản thân chè dây vốn lành tính và được nhiều đơn vị sản xuất thành các chế phẩm được nhiều người yêu thích. Ảnh minh họa

Không nên tùy ý sử dụng

Theo các bác sĩ đông y việc người dùng tùy ý sử dụng các loại thảo dược không rõ nguồn gốc để chữa bệnh rất có thể rước thêm bệnh vào cơ thể. Bên cạnh đó, có nhiều loại thảo dược trà trộn, tẩm hóa chất bày bán dưới mác thảo dược tự nhiên có thể gây độc.

Các loại thảo dược được bày bán trên vỉa hè thường chịu tác động nhiều của yếu tố môi trường: gió, mưa, bụi… nên rất dễ hỏng. Vì thế, để bảo quản được lâu hơn thì người bán thường cần đến các chất bảo quản: có thể là chống nấm mốc, giữ độ bền của màu… Tuy nhiên, trên thị trường Việt Nam hiện nay, hầu hết các hóa chất này đều không có nguồn gốc rõ ràng, được bán tràn lan với giá cho như không. Đó là chưa kể các loại thuốc diệt nấm mốc, diệt côn trùng… toàn là chất kích độc nhưng lại đều sử dụng trong quá trình bảo quản thảo dược không nguồn gốc này.

BS Cấp cho biết bản thân mình đã gặp khá nhiều trường hợp ngộ độc thảo dược để điều trị bệnh. Đặc biệt với các bệnh nhân viêm gan mạn tính do phải điều trị lâu dài nên người bệnh có tâm lý rất mệt mỏi, chán nản và bỏ điều trị tây y để điều trị bằng các loại thảo dược được đồn thổi, truyền miệng... theo kinh nghiệm của số ít người.

Chè dây dù là vị thuốc quen dùng, thậm chí có nhiều công trình nghiên cứu khẳng định hiệu quả của nó nhưng việc tự sử dụng với liều không phù hợp hoàn toàn có thể gây hại cho người dùng. Vì thế, dù điều trị theo đông hay tây y cần có liều lượng, sự kiểm soát của bác sĩ Đông y, Tây y chứ người dân không nên tự mua về dùng để tránh những nguy cơ đáng tiếc cho sức khỏe”, BS Cấp khuyến cáo.

Việc ngộ độc các loại thảo dược, thuốc dân gian diễn ra khá thường xuyên. Nhiều ca bệnh không thể xác định được nguyên nhân do dùng vị thuốc nào vì có những loại thuốc tán thành bột bao gồm rất nhiều vị khác nhau.

Vì vậy, khi mua người tiêu dùng phải xem thật kỹ, tìm địa điểm tin cậy, uy tín để mua các loại thảo dược. Nên mua các loại thảo dược tươi thay vì thảo dược sấy khô. Đặc biệt, người dùng không nên tự ý sử dụng thảo dược mà cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, tránh sử dụng tràn lan dẫn đến mang bệnh vào người  lúc nào mà không biết.
Chia sẻ