"Cần ban hành ngay Quy chuẩn Quốc gia về sữa học đường"

Phương Ly,
Chia sẻ

Một trong những “thần dược” dễ kiếm để cải thiện tầm vóc người Việt là chương trình sữa học đường cho lứa tuổi thế hệ vàng (mầm non, tiểu học).

Công bố mới nhất của Bộ Y tế cho thấy: Tầm vóc của người Việt tăng trưởng chậm một cách đáng báo động so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Một trong những “thần dược” dễ kiếm để cải thiện tầm vóc người Việt là chương trình sữa học đường cho lứa tuổi thế hệ vàng (mầm non, tiểu học). 

Nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, thể trạng của người Việt sẽ không được cải thiện là bao nếu những nguồn sữa không không đạt quy chuẩn được tuồn vào học đường.

"Quá đau lòng khi nhìn tầm vóc của người Việt Nam"

Là một chuyên gia đã từng sống và làm việc tại nhiều nước trên thế giới, ông Nguyễn Thế Khoa, chuyên viên tư vấn khối khách hàng doanh nghiệp JP Mogan Bank Úc cũng cảm thấy xót xa khi lượng sữa tiêu thụ của người dân Việt Nam quá thấp, chỉ bằng khoảng 10% so với các nước trong khu vực.

Năm 2010, lượng sữa nước trên đầu người của một người dân Thái Lan là trên 30 lít, Singapore dùng trên 45 lít, còn Ấn Độ là trên 46 lít mỗi năm. Ở Việt Nam, nếu tính số lượng sản xuất sữa trong nước so với tiêu thụ đầu người thì trong giai đoạn 2000-2009, lượng sữa trên đầu người mỗi năm là 13 lít. 

“Ở các nước phát triển, Chính phủ và gia đình luôn ý thức quan tâm đặc biệt tới con trẻ, chính vì vậy, giáo dục đến thể chất luôn được đặt lên hàng đầu. Ở nước ngoài, tại căn-tin trường học, vào các buổi ăn, khẩu phần ăn của các học sinh luôn có 1 hộp sữa - thứ không bao giờ được phép thiếu trong các bữa ăn. Do đó, sẽ chẳng có gì lạ lẫm khi những người nước ngoài luôn khá to cao. Đấy là cả một chặng đường phấn đấu nghiên cứu đưa vào hệ thống giáo dục và gia đình để gia tăng thể chất. Còn tại Việt Nam ta do nền kinh tế và vùng miền phát triển chưa cân xứng, kèm theo đó là tư duy và kiến thức dinh dưỡng kém hiểu biết của các bậc cha mẹ, nên con trẻ quá thiệt thòi về tầm vóc. Cứ 4 trẻ tại VN thì 1 trẻ bị suy dinh dưỡng. Thực sự có đi nhiều nước mới thấy quá đau lòng khi nhìn tầm vóc bé nhỏ của người Việt Nam!” – ông Khoa nói.

Là một người nghiên cứu sâu về thể trạng người Việt, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng chua xót: “Tôi thật lấy làm tiếc khi chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam luôn thấp hơn các nước trong khu vực”.

Theo bà Lâm, chiều cao trung bình của nam thanh niên Nhật Bản đã lên tới mức 1,715 m,  Hàn Quốc (1,739 m)... còn chiều cao của nam, nữ thanh niên Việt Nam chỉ đạt 163,7cm và 153cm, thấp hơn tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới lần lượt là 13,1cm và 10,7cm.

Tại sao lại vậy? Tiến sĩ Lâm lý giải: “Nguyên nhân không phải vì người Việt di truyền thấp bé, nhẹ cân, mà chúng ta cũng có tiềm năng phát triển giống thể trạng như các nước khác. Tuy nhiên, sau chiến tranh, đời sống kinh tế còn khó khăn, khẩu phần ăn thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng trong thời gian dài; môi trường sống không sạch sẽ, trẻ dễ mắc các bệnh tiêu chảy, hô hấp... đã ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao”.

“Nếu không có sữa học đường, người Việt sẽ chậm lớn"

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang khi hỏi về vấn đề này cũng tỏ ra khá buồn lòng. Ông bày tỏ: “Người Việt thấp hơn 5-6 cm so với nhiều nước - Đó là điều đáng phải suy nghĩ và đương nhiên là không vui rồi!”. 
Ông Vang cho biết trước đây ông đã gửi tới Chủ tịch nước, Bộ Nông nghiệp đề xuất dự án sữa học đường với mong muốn Nhà nước sẽ quan tâm đầu tư cho trẻ em, nhất là trẻ em, mầm non, mẫu giáo, học sinh lớp 1, lớp 2. “Nhưng vì thời điểm đó, kinh tế còn nghèo, nhà nước không đủ tiền nên chương trình đó không tiến hành được. Nhưng với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, chúng ta đã có thể cung cấp cho  khoảng 11 triệu học sinh từ mẫu giáo đến lớp 4 mỗi ngày 200ml sữa” – ông Vang nói.
 

TH true MILK trao tặng 1 triệu ly sữa tươi sạch học đường cho trẻ em đối tượng 30A và biển đảo

Tuy dự án Sữa học đường cần khoản kinh phí lớn, nhưng theo ông Vang, đây là việc không thể không làm: “Trên thế giới, Chương trình sữa học đường được coi là một trong những giải pháp quan trọng góp phần cải thiện tầm vóc con người. Các nước giàu có như Anh đã làm cách đây gần 100 năm, Thái Lan làm cách đây hơn 30 năm và do nhà vua đứng ra chỉ đạo và đã có những kết quả thành công đáng tự hào. Tại Thái Lan, sau 7 năm triển khai, trẻ em tăng được gần 5cm so với chuẩn. Tại Trung Quốc, sau 5 năm triển khai, chiều cao của trẻ em tăng 2cm”.

Chính vì vậy, theo ông Vang, Việt Nam nên gấp rút thực hiện chương trình này cho các em nhỏ vì chúng ta đã có đủ điều kiện. “Nếu không có sữa học đường, người Việt sẽ chậm lớn. Bởi để có một lực lượng lao động đầy đủ cần có chính sách đầu tư hoàn chỉnh” – ông Vang khẳng định. 

Theo đó, Việt Nam cần nghiên cứu kỹ càng để có giải pháp thông minh khi thực hiện chương trình Sữa học đường sao cho hiệu quả nhất.
Thêm vào đó, cũng theo ông Vang: Sữa học đường tuyệt đối không nên dùng sữa bột hoàn nguyên (sữa bột pha nước) vì không đủ vi chất cần thiết theo đúng tiêu chuẩn, để đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh.

“Sữa học đường là một giải pháp tốt, cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Chương trình cần sự chung tay của nhiều đơn vị trong đó Nhà nước phải đầu tư một tỷ lệ lớn nhất, doanh nghiệp là một phần, có thể đóng góp 15 – 20%, các tổ chức, cá nhân khác và bản thân gia đình cũng nên tham gia 1 phần. Làm được như vậy, tôi nghĩ chương trình sẽ thành công” - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang hiến kế. 

"Tại sao quy chuẩn sữa học đường lại quan trọng đến như vậy?"

Cùng chung ý kiến với ông Vang, bà Thái Hương, Chủ tịch TH true Milk (đơn vị duy nhất ở Việt Nam vừa được Bộ Y tế chứng nhận tiêu chuẩn Sữa tươi tiệt trùng dành cho học đường - TH school MILK) nhấn mạnh: “Chính phủ cần ban hành ngay Quy chuẩn quốc gia về sữa học đường - đây là điều kiện tiên quyết để đề án thành công. Để đất nước thoát nghèo và cất cánh, chúng ta cần chọn lĩnh vực đầu tư đột phá sao cho thông minh nhất, hữu ích nhất, có tương lai nhất. Đó chính là đầu tư vào thế hệ trẻ. Điểm quan trọng trong đầu tư vào thế hệ trẻ là đầu tư vào Sữa học đường. Vận mệnh và tương lai đất nước phụ thuộc rất lớn vào việc ngày hôm nay chúng ta chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em lứa tuổi vàng như thế nào”. 

Trước băn khoăn: Làm thế nào để học sinh không phải uống các loại sữa không đạt chất lượng, không đủ đủ vi chất cần thiết cho người Việt, bà Thái Hương nói: "Tại sao Quy chuẩn Quốc gia về sữa học đường lại quan trọng đến như vậy? Bởi vì thị trường Việt Nam hiện có hàng trăm nhãn hiệu sữa khác nhau. Riêng sản phẩm sữa nước, có hơn 70% được sản xuất từ sữa bột nhập khẩu về pha lại; sữa tươi trong nước chưa được phân loại rõ ràng. 

Điều đó đồng nghĩa với việc, các nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe trẻ em chưa được loại bỏ. Học sinh cần vi chất gì, chúng ta bổ sung cái đó. Viện Dinh Dưỡng quốc gia và chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu của Pháp đã dày công nghiên cứu lâm sàng trên thực thể 3.600 học sinh và đã đã có kết luận chính xác trẻ em Việt Nam thiếu những vi chất nào để bổ sung vi chất đó vào trong sữa. Chính vì vậy TH School Milk là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được Bộ Y tế chứng nhận tiêu chuẩn Sữa tươi tiệt trùng dành cho học đường. Vì thế kết quả nghiên cứu này là cơ sở khoa học để ban hành Quy chuẩn sữa học đường Việt Nam".


 
Bà Hương cho biết thêm, các nước phát triển làm rất chặt Quy chuẩn sữa học đường, và chỉ có một quy chuẩn, chứ không có chuyện sữa kiểu gì cũng được đưa vào trường học. Thậm chí ở Thái Lan, chỉ có một nông trại được cấp phép sản xuất sữa học đường.

“Tôi tin chắc Đề án sữa học đường sẽ thành công vì ba lý do lớn: Thứ nhất, TH đã được Bộ Y tế cấp chứng nhận tiêu chuẩn Sữa tươi tiệt trùng dành cho học đường (TH school MILK). Thứ hai, nguồn lực sữa tươi sạch trong nước cũng đủ cung cấp cho Đề án. Điều thứ ba, rất quan trọng là tất cả chúng ta ai cũng muốn làm những điều tốt đẹp nhất cho con em mình. Riêng với TH, chúng tôi cam kết mang đến cho trẻ em Việt Nam ly sữa tốt nhất bằng cả tấm lòng và trái tim của người mẹ; để 10, 20 năm sau, chúng ta có một thế hệ vàng làm chủ đất nước” – Bà Thái Hương khẳng định. 

Báo động: Cứ 10 năm người Việt mới cao thêm được 1cm

Bộ trường Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, Việt Nam là một trong 20 quốc gia có số lượng trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất thế giới. Một nghiên cứu cũng cho thấy, cứ 4 trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi có một trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi.

 

Cũng theo một nghiên cứu khác cho thấy: Cứ 10 năm người dân Việt Nam chỉ cao thêm được 1 cm, trong khi nước láng giềng Thái Lan và Trung Quốc tăng hơn 2 cm. 

Các nhà khoa học chỉ ra rằng: Khoảng 54% chiều cao tối đa của trẻ đã đạt được khi tròn 3 tuổi, 32% chiều cao tối đa vào khoảng 12 tuổi và 14% còn lại vào 18 tuổi. Vì thế, nếu trẻ em lứa tuổi vàng không được uống sữa chất lượng, đúng quy chuẩn, thì tầm vóc người Việt sẽ không được cải thiện. 

Từ năm 2013, Viện Dinh dưỡng quốc gia kết hợp với chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu của Pháp cùng TH đã dày công nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng sữa TH school MILK trên thực thể 3.600 học sinh tại 13 trường mầm non và tiểu học ở Nghĩa Đàn (Nghệ An). 

Kết quả được thử nghiệm được Hội đồng Khoa học của Viện Dinh dưỡng quốc gia xác nhận: TH school MILK góp phần giảm đáng kể tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân và cải thiện đáng kể tình trạng thiếu máu, thiếu kẽm và thiếu vitamin. Đánh giá kết quả này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Đây là cơ sở khoa học để Bộ Y tế cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ngành địa phương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai chương trình sữa học đường quốc gia”. 

Chia sẻ