Bột phụ gia bánh kẹo trộn...đường?

,
Chia sẻ

Trước sự kiện nhiều loại sữa khi xét nghiệm cho thấy hàm lượng đạm thấp (có loại chỉ đạt 0,5%), trong khi nhiều người dân phẫn nộ trước sự lừa đảo của các doanh nghiệp này thì nhà kinh doanh sữa thể hiện sự kinh ngạc.

Có ý kiến cho rằng, hàm lượng đạm thua xa hàm lượng đạm trong sữa cho gia súc!...

Chỉ là bột phụ gia bánh kẹo… trộn đường!?

Trao đổi với phóng viên, Phó Tổng giám đốc Công ty sữa Hà Nội (Hanoimilk), ông Đặng Anh Tuấn tỏ vẻ ngạc nhiên và cho rằng: Sữa có hàm lượng đạm thấp như kiểm nghiệm vừa qua là chưa từng thấy lần nào, “bột sữa whey (sữa tách béo dùng làm sữa tiệt trùng và sữa chua) thì hàm lượng đạm lên tới 30%, còn whey cho gia súc hàm lượng đạm cũng phải từ 10- 11%” - ông Tuấn phân tích.

Xem ảnh lớnKhi được hỏi: Có phải những loại sữa có hàm lượng đạm thấp kia được sản xuất từ bột sắc sữa (bột whey) trộn với đường không, ông Tuấn cho rằng còn không được thế. Nếu có như thế, hàm lượng đạm cũng phải lên tới 11%. Theo kinh nghiệm lâu năm làm trong ngành sữa, ông Tuấn nhận định khả năng nguyên liệu của những loại sữa có hàm lượng đạm thấp này là nhà sản xuất đã trộn tinh bột phụ gia làm bánh kẹo (có rất nhiều loại) với đường và bổ sung thêm hương sữa... Người tiêu dùng khi pha vẫn thấy sữa hòa tan, không vón cục và có mùi thơm của sữa tự nhiên.

Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Nguyễn Thị Lâm cho rằng, chưa xác định được nguyên liệu chính trong các sản phẩm sữa hàm lượng đạm thấp vừa được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (HTC&BVNTD VN) phát hiện. Theo TS Lâm, hàm lượng đạm trong bột sắn (củ mì) khô cũng đã ở mức 1- 2%. Vì vậy, không hiểu nguyên liệu sản xuất loại “sữa” chỉ có hàm lượng đạm 0,5%, mà HTC&BVNTD VN đã phát hiện là loại gì?

Theo bà Lâm, thông thường chỉ cho phép sai số (giữa hàm lượng dinh dưỡng công bố và thực tế) chỉ ở mức cộng trừ 10%.

Thêm nhiều loại sữa gian dối hàm lượng đạm

Ngay sau khi Sở Y tế TP HCM công khai danh sách 14 loại sữa có lượng đạm thấp hơn so với chỉ tiêu công bố mà đơn vị này đã phát hiện được, Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP HCM vừa cho biết, trong 99 mẫu sữa bột mà cơ quan này lấy đi xét nghiệm, có đến 37 mẫu có hàm lượng đạm thấp hơn công bố. Theo đó, có 6 mẫu sữa nhập khẩu kém đạm hơn công bố; 31 mẫu sữa sản xuất nội địa không đạt hàm lượng đạm ghi trên bao bì. Đặc biệt, trong 17 mẫu sữa bột chứa trong bao nilon đã có đến 15 mẫu không đạt hàm lượng đạm công bố, chiếm 88,2%.

Theo ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, ngoài các mẫu sữa giả (tức không đăng ký tiêu chuẩn sản phẩm), đa phần các mẫu sữa còn lại có hàm lượng đạm thấp là do HTC&BVNTD VN phản ánh. Sau đó, Sở Y tế hậu kiểm, đều cho thấy sự chênh lệch đạm không quá cao so với mức công bố trên bao bì.

Theo ông Châu, ngày 15/12/2008, sau khi xử lý các công ty sản xuất sữa vi phạm, Thanh tra Sở Y tế đã có văn bản gửi HTC&BVNTD VN (Văn phòng TP HCM).

Khi được hỏi Sở Y tế có ý định mở rộng kiểm tra các mẫu sữa, đặc biệt là các hãng sữa lớn, có uy tín hay không, ông Châu nói: “Đó là chuyện bình thường phải làm từ xưa đến nay, chuyện này không có gì đặc biệt để phải làm hay không làm cả.”
 

Theo ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch HTC&BVNTD VN, tháng 3 tới Hội phối hợp với Cục ATVSTP (Bộ Y tế) lấy mẫu ở nhiều địa phương để kiểm tra xét nghiệm.

Thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho hay, cơ quan này đang phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Khoa học - Công nghệ tiến hành đợt kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng của nhiều nhãn hiệu sữa ở thị trường Việt Nam. Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành lấy mẫu sữa để kiểm tra hàm lượng chất đạm, chất béo, các chất dinh dưỡng bổ trợ. Theo Cục Quản lý cạnh tranh, cơ quan này đã tiến hành các đợt kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm, nước khoáng đóng chai, nhưng về chất lượng sữa thì đây là đợt kiểm tra đầu tiên.
Theo GĐXH
Chia sẻ