Biếng ăn và háu ăn

,
Chia sẻ

Chán ăn và háu ăn với nhiều hình thức và mức độ, có thể là sinh lý, tạm thời, nhưng cũng có khi trầm trọng thành bệnh lý và kéo dài.

Các rối loạn về hành vi ăn uống (eating disorder) có thể coi là một bệnh có biểu hiện bằng việc người mắc bệnh tự ép buộc mình phải ăn hoặc từ chối ăn mà không căn cứ theo nhu cầu tự nhiên của cơ thể, gây ra những tác hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

Các rối loạn này có thể tạm chia thành hai nhóm lớn là biếng ăn (chán ăn) và háu ăn (ăn vô độ) với nhiều hình thức và mức độ, có thể là sinh lý, tạm thời, nhưng cũng có khi trầm trọng thành bệnh lý và kéo dài.

Rối loạn ăn uống và hậu quả

Các hình thức của biếng ăn có thể là ăn số lượng ít, kén ăn (chỉ ăn một số món), không muốn ăn, cảm giác ngán thức ăn, dễ nôn ói, trẻ em thì ngậm, bú, không chịu nhai nuốt… Nếu mức độ biếng ăn nhẹ và tạm thời do cơ thể mắc bệnh nhiễm trùng, do trẻ bị ép ăn “bạo lực” dẫn đến biếng ăn tâm lý, những giai đoạn biếng ăn sinh lý trong một - hai tuần khi trẻ mọc răng, học bò, học đi…; trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt, thiếu kẽm, thiếu vitamine A… do chế độ ăn không phù hợp, người lớn bị căng thẳng (stress)… thì có thể gọi là biếng ăn “bình thường”. Hoặc ở những trẻ béo phì, gia đình có di truyền khả năng ăn dễ, cha mẹ béo phì thì con cũng háu ăn và béo phì… thì đây là những trường hợp háu ăn “bình thường”. Những rối loạn ăn uống rất “bất thường” có thể gặp ở trẻ lớn và người lớn (thường là giới nữ) là chứng chán ăn tâm thần, ăn rồi tự móc ói, ăn vô độ… là những biểu hiện nặng do rối loạn tâm thần, ảnh hưởng nặng nề đến thể chất và có thể tử vong vì kiệt sức, suy dinh dưỡng, hoặc dẫn đến bệnh béo phì, bệnh đái đường, chứng tăng huyết áp và bệnh tim mạch.

Các rối loạn ăn uống ảnh hưởng lớn đến phái nữ độ tuổi từ 12 đến 35, nhưng các nhóm khác cũng cho thấy nguy cơ đang tăng dần. Thanh niên và thiếu niên, theo các số liệu thống kê, được cho là nhóm có nguy cơ cao. Các phương tiện truyền thông bị quy lỗi là đã đưa ra các tiêu chuẩn hình mẫu “gầy mới đẹp”. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, 80% các em không hài lòng về ngoại hình và trọng lượng cơ thể và nhiều trẻ em gái sẵn sàng cho việc ăn kiêng.

Căng thẳng tâm lý cũng là nguyên nhân làm phát triển bệnh. Người bệnh có nhận thức sai lệch về hình dáng cơ thể, họ thường cho rằng mình quá béo trong khi thực tế là thiếu cân. Nghiên cứu sinh học thấy có nhiều thay đổi về nội tiết tố, hóa chất trung gian trong não...

Rối loạn ăn uống nặng để lại các hậu quả thể chất nghiêm trọng:

- Tai hại cho thận.

- Nhiễm trùng đường tiểu và làm hại đến ruột già.

- Mất nước, táo bón, và tiêu chảy.

- Động kinh, co giật bắp thịt hay chuột rút.

- Chứng ăn không tiêu kinh niên.

- Mất kinh hoặc kinh nguyệt thất thường.

- Suy yếu cho hầu hết các bộ phận cơ thể.

Nhiều hậu quả của chứng chán ăn tâm thần liên quan đến việc suy dinh dưỡng, gồm có:

- Có trọng lượng thấp một cách bất thường (có trọng lượng ít hơn 85% so với tuổi và chiều cao hoặc có BMI <= 17,5).

- Mất kinh (mất kinh được định nghĩa là không có kinh trong ba chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp) đối với phái nữ.

- Có nỗi sợ hãi lớn để lấy lại trọng lượng cơ thể bình thường hoặc trở nên béo và có mối bận tâm quá mức đến trọng lượng cơ thể và ngoại hình

- Cực kỳ nhạy cảm với thời tiết lạnh.

- Không có khả năng tập trung và suy nghĩ hợp lý.

Nhận diện chứng "háu ăn tâm thần"

Chứng ăn vô độ tâm thần là một kiểu hành vi chu kỳ với đặc điểm là có giai đoạn ăn thái quá rồi mất kiểm soát: Xảy ra một cách tái diễn các cơn ăn vô độ, trong một khoảng thời gian ngắn (một đến hai giờ), người bệnh ăn một lượng thực phẩm quá nhiều, không thể ngừng ăn hoặc không thể kiểm soát mình ăn gì và ăn bao nhiêu. Người bệnh có những hành vi bù trừ không thích hợp như: kích thích ói, lạm dụng chất nhuận trường, thuốc lợi tiểu, thụt tháo hoặc các loại thuốc khác, nhịn đói, tập luyện thể dục quá mức. Thường kèm theo các biến chứng cơ thể như mất nước, suy giảm nhịp tim...

Các cơn ăn vô độ và hành vi bù trừ không thích hợp xảy ra trung bình ít nhất hai lần một tuần trong vòng ba tháng. Người mắc bệnh có trọng lượng bình thường, hoặc chỉ nhỉnh cân một chút, nhưng lại cảm thấy mình béo và không hấp dẫn. Họ ăn kiêng nhằm kiểm soát cơ thể, nhưng do bị đói nên có lúc họ ăn một lượng thức ăn quá nhiều. Xấu hổ và sợ bị béo ra, họ tạm thời ngừng ăn hoàn toàn, có thể luyện tập quá mức và thường gây nôn hoặc lạm dụng thuốc tẩy để thanh lọc bản thân ở mức độ cực đoan nhất. Bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 18-20, chủ yếu ở thanh thiếu niên, tỷ lệ mắc từ 5% - 10% trong số nữ ở tuổi trung học và nữ thường nhiều hơn nam.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới chứng háu ăn tâm thần: người bệnh có một tiền sử bệnh lý béo phì, tự ti về hình dáng cơ thể. Đôi khi là do lời bình luận của gia đình, bạn bè xung quanh về trọng lượng và hình dáng. Bên cạnh đó là do áp lực muốn có một thân hình mảnh mai một cách không thực tế dẫn tới chỗ nhiều phụ nữ không bằng lòng với cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh của mình. Phần lớn không phát triển thành bệnh, chỉ một số phụ nữ nào có nhân cách không ổn định hoặc đang trong giai đoạn stress kéo dài, quá tự ti với chính bản thân mình mới có nguy cơ mắc bệnh cao.

Càng sớm can thiệp khi các rối loạn ăn uống mới bắt đầu thì kết quả càng khả quan. Thời gian bình phục có thể mất hàng tháng hay hàng năm, nhưng phần lớn đều khỏi. Những thay đổi trong hành vi ăn uống có thể là do sự phối hợp nhiều bệnh khác nhau gây ra, do vậy bước đầu tiên phải làm là khám sức khỏe tổng quát. Trong việc chữa trị không chỉ có bác sĩ tâm lý mà còn bao gồm các bác sĩ chuyên ngành dinh dưỡng, đồng thời phải chữa cả bệnh lý để đạt hiệu quả cao nhất

Việc điều trị có thể bao gồm:

- Cung cấp kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và sức khỏe.

- Hướng dẫn cụ thể về thực phẩm, thực đơn sử dụng, cách chế biến.

- Giúp tạo lại các thói quen ăn uống lành mạnh.

- Tác động về mặt tâm lý để giúp người bệnh thay đổi niềm tin và hành vi có hại liên quan tới ăn uống.

- Thuốc trị trầm cảm có thể được dùng để làm giảm bớt tâm trạng lo âu nếu có.

Việc nhập viện có thể cần thiết cho những người bị suy dinh dưỡng trầm trọng, biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân chán ăn tâm thần.

Việc điều trị chứng ăn vô độ tâm thần phải được các chuyên gia tâm thần xác định. Liệu pháp tâm lý được dùng chủ yếu trong trường hợp này. Khi đó, các nhà tâm lý lâm sàng thường triển khai một số liệu pháp như: nhận thức hành vi là chủ yếu, liệu pháp hệ thống, liệu pháp thư giãn luyện tập, giải thích hợp lý.

Theo BS CK1 Đào Thị Yến Thủy

(Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)

PNO

Chia sẻ