Bi kịch của những người trẻ bị tiểu đường

,
Chia sẻ

Với anh D., một bệnh nhân tiểu đường 35 tuổi, mất mát lớn nhất mà bệnh gây ra không phải việc phải nhịn các món khoái khẩu, mà là tình trạng "trên bảo dưới không nghe".

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết trước đây, bệnh tiểu đường type 2 tập trung chủ yếu ở những người trên 40 tuổi. Tuy nhiên càng ngày, người mắc bệnh này càng trẻ. Bệnh viện từng tiếp nhận một bệnh nhân 11 tuổi. Cách đây hơn một tháng, một thiếu nữ 16 tuổi được bệnh viện phát hiện bị tiểu đường type 2 khi em được gia đình đưa đi khám bệnh béo phì (cô gái nặng 70 kg).

Còn trẻ đã suy thận, liệt dương
 
Chị N., 30 tuổi, ở Trúc Bạch, Hà Nội là bệnh nhân tiểu đường type 2 đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Đây là đợt nằm viện thứ ba của chị kể từ khi phát hiện bệnh cách đây hai năm. Lúc đó, thấy người mệt mỏi rã rời, ăn nhiều, uống nhiều nhưng vẫn khát, chị chủ quan cho rằng do mình quá béo (nặng 77 kg) nên làm việc gì cũng nặng nề, vất vả. Càng ngày dấu hiệu mệt mỏi càng rõ rệt, ngay cả những lúc không làm việc gì chị cũng vã mồ hôi, chân tay run. Khi đi khám, N. ngỡ ngàng khi được bác sĩ cho biết mình bị tiểu đường type 2.

Điều tai hại là khi phát hiện bệnh, chị N. đã có biến chứng suy thận. Hiện ngoài việc ăn kiêng, dùng thuốc chữa tiểu đường, chị còn phải dùng thuốc để hỗ trợ chức năng thận, đào thải cặn bã. Chị lo sợ nay mai khi chứng suy thận nặng lên, chị sẽ phải lọc máu, chạy thận và cuộc đời sẽ gắn liền với bệnh viện, chưa kể kinh tế suy sụp vì việc chữa chạy.

Người bị tiểu đường phải thường xuyên đo đường huyết.

Việc phát hiện tiểu đường có biến chứng ở tuổi còn rất trẻ là một đòn nặng đối với N. Hoang mang khi nghĩ đến tương lai của mình, của các con, thần kinh của N trở nên yếu đi, rất khó kiểm soát tâm trạng. Chị thường xuyên nổi nóng, xung đột với chồng con. Các con dần xa lánh chị, còn chồng thì mỗi ngày một lạnh nhạt. Cách đây một tuần, từ một câu hỏi của chồng là "Sao có cái khoá mà em mở mãi không được?", N. nghĩ chồng khinh mình bệnh tật nên hắt hủi, chê bai, đã nổi nóng lên quát anh. Lời qua tiếng lại, hai bên thốt ra những lời làm tổn thương nhau, hậu quả là chị N. bị lên cơn tai biến, phải đi cấp cứu. Ngồi trên giường bệnh, N. cho biết đang rất bi quan cả về sức khoẻ lẫn hạnh phúc gia đình.

Chị H. ở Hà Đông, Hà Nội, cũng phát hiện mình bị tiểu đường ở tuổi chưa đầy 30. Trước đó, chị cũng mệt mỏi, ăn nhiều, uống nhiều..., nhưng vốn có vóc dáng mập mạp từ khi mới dậy thì, chị không cho đó là bất thường. Khi mang thai đứa con đầu lòng được hơn 6 tháng, bác sĩ cho xét nghiệm và phát hiện đường máu rất cao. H. hy vọng đó chỉ là tiểu đường thai kỳ, nhưng từ khoảng hai tháng sau sinh, chị đi xét nghiệm nhiều lần và bác sĩ khẳng định chị bị tiểu đường thực sự. Điều đáng nói là kể từ đó, sức khoẻ của H. xuống dốc rất nhanh.

"Tháng nào cũng phải chầu chực, chen chúc ở bệnh viện cả ngày trời để khám, nào nhịn ăn, rút máu mấy lần để xét nghiệm, đói run cả chân tay, nào chen nhau lấy số, chen nhau nhận kết quả. Khổ nữa là giờ nói chuyện với ai cũng phải cẩn thận, từ gần đây mình rất hay bị hôi miệng, tưa miệng, bác sĩ bảo đó cũng là do tiểu đường", H. tâm sự. Sự khủng hoảng tinh thần, việc không kiêng khem đúng mức và nỗi vất vả khi nuôi con khiến bệnh diễn tiến nặng. H. bị sút cân rất nhiều, đã hai lần bị lờn thuốc, phải đổi thuốc mới mạnh hơn. Con trai chị khi sinh nặng 4,5 kg nhưng rất yếu, vừa lọt lòng đã phải cấp cứu do hạ đường huyết. Bác sĩ cho biết bé bị ảnh hưởng bởi bệnh tiểu đường của mẹ từ thời kỳ bào thai. 
 

Theo tiến sĩ Tạ Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh tiểu đường được chia thành hai loại: type 1 là bệnh do yếu tố bẩm sinh, cơ thể mất hoàn toàn khả năng sản xuất hoóc môn insulin để điều hòa đường huyết. Type 2 là dạng bệnh mắc phải do lối sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt.


Với anh D., một bệnh nhân tiểu đường 35 tuổi sống ở Bắc Ninh, bi kịch lớn nhất mà căn bệnh này đem tới không phải là việc phải nhịn ăn đồ ngọt, hút thuốc lá, những thứ trước đây D. rất mê, mà là sự xuống dốc của phong độ trong phòng the, và đến gần đây thì "liệt" hẳn. D. cho biết "cậu bé" của anh bắt đầu khó cương vào đầu năm ngoái, tức ba năm sau khi phát hiện bệnh. Bác sĩ cho biết bệnh tiểu đường huỷ hoại hệ thống mạch máu, trong đó có các mạch máu ở cơ quan sinh dục. Hậu quả là máu không đủ dồn đến dương vật để gây cương. Đối với D., tình trạng bất lực ở ngay lứa tuổi sung mãn nhất của đàn ông là một nỗi đau không thể nói hết. Nhưng anh chỉ biết tự trách mình vì đã không chú ý phát hiện bệnh sớm mặc dù bố anh trước đó cũng bị tiểu đường; và sau khi biết có bệnh, anh đã không tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của bác sĩ.

"Nghĩ đến việc khi bệnh nặng hơn, tôi cũng phải tiêm insulin ngày mấy lần như bố, hoặc bị mù như bố mà rùng mình", D. tâm sự.

Bệnh nhân trẻ dễ bị biến chứng hơn

Giáo sư Trần Đức Thọ, Chủ tịch Hội Đái tháo đường Việt Nam, triệu chứng bệnh tiểu đường type 2 thường không rõ rệt nên rất dễ bị bỏ qua. Bệnh thường chỉ được phát hiện khi đã nặng hoặc có biến chứng. Nguyên nhân khiến số người trẻ mắc bệnh ngày càng đông là lối sống ít vận động, nhiều stress, thường xuyên dùng rượu, bia và thực phẩm năng lượng cao, vượt quá khả năng chuyển hoá của cơ thể.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Huyền cảnh báo, ở người trẻ, tiểu đường type 2 thường gây biến chứng nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Bệnh nhân thường bị tổn thương nhiều bộ phận quan trọng như tim, mắt, thận, thần kinh. Trẻ em bị tiểu đường type 2 có thể bị lùn, không dậy thì, xơ gan, suy thận, lao phổi, suy giảm trí tuệ…Phụ nữ mang thai mắc bệnh này nếu không kiểm soát đường huyết tốt dễ sinh con nặng cân nhưng rất yếu, dễ bị suy hô hấp hoặc hạ đường huyết sau sinh.

Theo các chuyên gia, bệnh nhân trẻ thường chủ quan, không nghĩ mình bị tiểu đường nên thường đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn nặng. Khi được chẩn đoán, họ thường sốc, chán nản vì cho rằng mình còn trẻ mà đã trở thành gánh nặng nên chất lượng sống càng giảm sút, quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn.
 
Để khống chế bệnh, người bị tiểu đường type 2 cần kiểm soát tốt đường máu, mỡ máu, thực hiện nghiêm ngặt chế độ ăn uống, luyện tập và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Bởi nếu không được điều trị tốt, biến chứng xảy ra nhanh sẽ dẫn tới tử vong sớm, tuổi thọ giảm. Người bệnh cần tập thể dục đều đặn, ít nhất một giờ mỗi ngày, khám định kỳ hằng tháng.
 
Những người thuộc nhóm nguy cơ cao bị bệnh tiểu đường như tăng huyết áp, béo phì, gia đình có người bị tiểu đường, phụ nữ từng bị tăng đường huyết khi mang thai... cần thường xuyên đi khám định kỳ, đo đường huyết để phát hiện bệnh sớm.
 
Theo Xuân Trường - Lam Giang
Đất Việt
Chia sẻ