Băng vệ sinh cho phụ nữ Việt: Không 1 dòng nào ghi hóa chất

Theo Soha/Trí Thức trẻ,
Chia sẻ

Bức thư với 250.000 chữ ký tập thể ở Pháp và cuộc khảo sát một số sản phẩm băng vệ sinh đang bày bán trên thị trường Việt Nam hẳn sẽ khiến chúng ta giật mình.

Từ bức thư gửi với 250.000 chữ ký ở Pháp…

Mới đây, Tạp chí "60 triệu người tiêu dùng" nổi tiếng ở Pháp đã công bố nghiên cứu có 5/11 mẫu băng vệ sinh của một số hãng sản xuất bị phát hiện chứa dioxin và thuốc trừ sâu.

Về vấn đề này, một số hãng trong đó có P&G đã lập tức lên tiếng, khẳng định sản phẩm của mình an toàn.

Trong đó, P&G nêu rất rõ: "Quy trình làm sạch chất liệu bông và rayon được dùng sản xuất các sản phẩm của chúng tôi là quy trình xử lý chlorine, vì vậy không thể tạo ra dioxin".

P&G cũng khẳng định "chỉ sử dụng các nguyên liệu đã qua thẩm định kỹ càng để đảm bảo tính an toàn khi sử dụng", và sự an toàn này được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ bảo đảm.

Cam kết kịp thời của P&G có lẽ đủ để khiến khách hàng của hãng yên tâm về độ an toàn trong sản phẩm.

Tuy nhiên, câu chuyện về băng vệ sinh, tampon vẫn còn phải bàn ở một khía cạnh khác, đó là: thành phần hoạt chất dùng để xử lý nguyên liệu không được công bố.

Ngay từ tháng 7/2015, Mélanie Doerflinger, một nữ sinh viên ở Pháp đã gửi một bức thư yêu cầu nhà sản xuất ghi rõ các thành phần trên bao bì sản phẩm của họ, kèm theo bản kiến nghị thu thập chữ kí của người tiêu dùng ủng hộ đề xuất ghi nhãn.

Bức thư nhanh chóng được chia sẻ. Chỉ trong 3 tháng đầu, bản kiến nghị của Mélanie đã thu thập được hơn 50.000 chữ ký.

Tính đến thời điểm hiện tại (ngày 16/3/2016), số chữ kí đã lên tới gần 250.000 trên trang Change.org.


Kiến nghị của Meslanie Doerflinger đã đạt gần 250 nghìn chữ ký.
Kiến nghị của Meslanie Doerflinger đã đạt gần 250 nghìn chữ ký.

Tóm lược nội dung bức thư đề nghị của Mélanie Doerflinger:

“Trước đây, tôi không quan tâm đến thành phần của băng vệ sinh mà tôi sử dụng thường xuyên trong thời kỳ kinh nguyệt mặc dù tôi thấy đó là điều đáng báo động.

Tôi biết tôi có thể mắc các bệnh nghiêm trọng liên quan đến hội chúng sốc nhiễm độc (Syndrome de Choc Toxique -SCT) chỉ vì các thành phần trên băng vệ sinh.

Tôi đã tìm kiếm trên rất nhiều các bao bì của những sản phẩm của thương hiệu Tampax mà tôi có ở nhà và được bày bán trên siêu thị.

Thật sự bất ngờ vì không thể tìm thấy thành phần của các sản phẩm. Và tôi đã viết yêu cầu trên trang facebook của Tampax để giải thích việc này nhưng những vị lãnh đạo đó đã trả lời tôi bằng sự im lặng.

Đã có gì ẩn chứa trong những sản phẩm của họ? Có một hay nhiều nguy hiểm từ thành phần của Tampax có thể gây hại cho chúng tôi, những người phụ nữ đang sử dụng sản phẩm này?


Mélanie Doerflinger - chủ nhân của bức thư.
Mélanie Doerflinger - chủ nhân của bức thư.

Với các rủi ro sức khỏe nghiêm trọng mà những người dùng như tôi có thể gặp phải khi sử dụng sản phẩm này, tôi yêu cầu Procter & Gamble – tập đoàn đa quốc gia, đã xây dựng thương hiệu Tampax, ghi rõ thành phần của băng vệ sinh Tampax trên bao bì.

Qua đó, người dùng Pháp nói riêng và cả châu Âu nói chung biết được họ đang dùng loại sản phẩm có thành phần như thế nào.

Chính phủ Pháp và Liên minh châu Âu cần buộc nhà sản xuất trong thực phẩm và mỹ phẩm ghi rõ thành phần của sản phẩm trên bao bì trước khi đến tay người tiêu dùng.

Chúng tôi có quyền được biết những thông tin những sản phẩm chúng tôi dùng. Đã đến lúc mà sự che giấu cần phải dừng lại !”

Đến kết quả khảo sát bất ngờ ở Việt Nam!

Câu chuyện ở Pháp tưởng chừng xa xôi nhưng hóa ra lại rất “gần gũi” với thực tế ở Việt Nam.

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát một số sản phẩm được bầy bán ở siêu thị, từ hộp sữa, từ lon nước ngọt cho tới những thỏi son, kem dưỡng da... và hiển nhiên là cả sản phẩm băng vệ sinh.

Kết quả thật bất ngờ: Hầu như tất cả sản phẩm còn lại đều ghi rõ thành phần cấu tạo, chỉ trừ… băng vệ sinh!

Bạn có thể quan sát các mẫu sản phẩm bên dưới, thành phần được ghi trên đó thậm chí chi tiết.

Chẳng hạn, uống một hộp sữa bạn biết mình nạp bao nhiêu chất béo vào cơ thể; uống một lon nước ngọt bạn biết mình nạp bao nhiêu đường. Thoa một loại kem dưỡng ẩm, bạn biết có bao nhiêu loại tinh dầu được chiết xuất trong đó…


Thành phần hoạt chất trong 1 loại kem dưỡng được ghi đầy đủ.
Thành phần hoạt chất trong 1 loại kem dưỡng được ghi đầy đủ.


1 hộp sữa hút cũng đầy đủ thông tin thành phần dinh dưỡng.
1 hộp sữa hút cũng đầy đủ thông tin thành phần dinh dưỡng.

Vậy mà với loại sản phẩm tiếp xúc với phần nhạy cảm nhất của phụ nữ, trực tiếp ảnh hướng tới sức khỏe sinh sản của chị em và bắt buộc phải dùng nó hàng tháng trong vài chục năm lại không ghi rõ thành phần các loại hóa chất được sử dụng trong quá trình sản xuất.

Chúng tôi chỉ thấy những lời quảng cáo hoa mỹ về "chiết xuất hương thơm", "yếu tố kháng khuẩn" hay "lõi bông siêu thấm", "công nghệ chống tràn"…

Vậy "yếu tố kháng khuẩn" trên có tên khoa học là gì, "chiết xuất hương thơm" của loại hương liệu nào? "Lõi bông siêu thấm" là loại bông nào, trồng ở đâu, quá trình trồng có theo quy chuẩn nào như VietGAP hay GlobalGAP không?

Tất nhiên, băng vệ sinh đều được làm bằng cotton là thành phần chính. Nhưng không có băng vệ sinh nào chỉ có cotton, bởi để tạo ra lõi bông ấy cần sử dụng rất nhiều nguyên liệu khác nữa.


Những dòng thông tin trên một nhãn hiệu băng vệ sinh bán ở Việt Nam có ghi thành phần cấu tạo nên sản phẩm, nhưng không có thông tin gì về hóa chất xử lý nguyên liệu tạo nên loại sản phẩm nhạy cảm này.

Những dòng thông tin trên một nhãn hiệu băng vệ sinh bán ở Việt Nam có ghi thành phần cấu tạo nên sản phẩm, nhưng không có thông tin gì về hóa chất xử lý nguyên liệu tạo nên loại sản phẩm "nhạy cảm" này.

Những nguyên liệu này dù trực tiếp tiếp xúc lên bề mặt da vùng "nhạy cảm", hay chỉ có mặt trong quá trình sản xuất, đều tác động lên sức khỏe sinh sản của chị em.

Chưa kể tới các hợp chất được sử dụng để bảo quản, tăng tính năng "siêu hút", "chống thấm"... của băng vệ sinh.

Bạn thấy đấy, trên một hũ kem dưỡng da, thành phần nước cũng được ghi đầy đủ, với kí hiệu "water" hay "aqua", bạn có thể thấy trên đó có steroids (corticoids) hay không.

Trên các đồ hộp thực phẩm, bạn sẽ thấy các chất điều vị được kí hiệu 627, 631 nếu được sử dụng.

Nhưng dường như những thành phần hóa học lại bị "bỏ quên" trên sản phẩm tiếp xúc và ảnh hưởng trực tiếp lên sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

Và câu hỏi được đặt ra lúc này, sau những vụ việc gần đây của các thương hiệu nổi tiếng sản xuất băng vệ sinh, phấn rôm và sữa tắm trẻ em: "Liệu có tồn dư hoạt chất halogen, dioxin hay glyphosate như các loại băng vệ sinh bị phát hiện ở nước ngoài hay không?

Liệu có thành phần nào không phù hợp với cơ thể mình hay không, vì trên thế giới đã ghi nhận về trường hợp bị sốc phản vệ khi sử dụng tampon".

Tất nhiên, qua khảo sát trên đây, chúng tôi không khẳng định các sản phẩm băng vệ sinh hiện lưu hành ở Việt Nam là có hại, thậm chí chúng vẫn đang được phụ nữ Việt yên tâm tin dùng.

Nhưng nó cho thấy một thực tế, một câu chuyện liên quan đến sức khỏe sinh sản phụ nữ mà có lẽ chưa được quan tâm đúng mức.

Về vấn đề này, xin dành câu trả lời cho các nhà sản xuất băng vệ sinh, và dành thái độ cho chính chị em phụ nữ Việt Nam.

Chia sẻ