Ăn uống lúc cáu kỉnh - thà nhịn đói cho xong

,
Chia sẻ

Ăn khi đang quạu quọ, vừa ăn vừa tính toán thì thà nhịn đói ngồi thiền còn có ích hơn

Mặc dù là nước được tiếng có kỹ thuật hiện đại trong ngành y dược nhưng nếu so với các nước khác ở châu Âu thì một trong các đặc điểm của ngành y ở CHLB Đức là người dân và thầy thuốc rất trân trọng kinh nghiệm y học dân gian.


Bằng chứng là bên cạnh các liệu pháp như vi lượng đồng căn theo bác sĩ Hahnemann hay thủy liệu pháp của lương y Kneipp thì những phương thuốc gia truyền của các dưỡng đường tu viện rất được ưa chuộng. Trong đó, mặt mạnh phải kể đến chính là chế độ dinh dưỡng nhằm mục tiêu kép vừa tái tạo cơ quan bị thương tổn vừa giải độc toàn diện cho cơ thể. Cụ thể là không chỉ quan tâm đến món ăn mà còn là cách ứng xử khi ngồi vào bàn ăn.
 
Tám nguyên tắc
 
Chế độ dinh dưỡng bí truyền nói trên được xây dựng trên 8 nguyên tắc sau:
 
1. Ăn chậm, nhai kỹ: Miếng ăn được nhai tối thiểu 10 lần, 20 lần càng tốt. Về khoa học, điều này không khó hiểu bởi nhờ nhai kỹ mà thức ăn xuống đến bao tử ở dạng dễ hấp thu nhất, nghĩa là vốn ít mà lời nhiều nhờ không lãng phí nguyên liệu.
 
2. Ăn trong trạng thái thoải mái: Mục đích là để hoạt chất của tuyến yên có dịp trung hòa hết lượng nội tiết tố thặng dư do stress, để lượng nước chua trong dạ dày được bài tiết với vận tốc hòa hoãn. Bao tử nhờ đó khỏi bị viêm loét. Ăn khi đang quạu quọ, vừa ăn vừa tính toán thì thà nhịn đói để dùng thời gian đó ngồi thiền còn có ích hơn.


3. Uống nhiều nước trước bữa ăn: Mục đích để vừa giảm độ chua của dịch vị vừa giúp bao tử xay nhuyễn thức ăn một cách nhẹ nhàng. Máy xay cứ nhào hoài đồ cứng thì tránh sao khỏi cháy?
 
4. Không ăn quá no: Vì sẽ khiến trái tim gồng mình bơm thêm máu đến trục tiêu hóa rồi quên não bộ, thành tim, đáy mắt...
 
5. Tránh tối đa ăn rau tươi sống: nhưng không bảo đảm an toàn vệ sinh trong bữa cơm chiều để tránh hiện tượng lên men suốt đêm trong khung ruột, vì đó là nguyên nhân gây mất ngủ và nhiều thể dạng rối loạn biến dưỡng do các cơ quan giải độc như gan, thận phải làm việc ngoài giờ.
 
6. Quân bình giữa thực phẩm gốc động vật và rau quả tươi theo tỉ lệ món đỏ đừng hơn phân nửa món xanh để độ pH trong máu đừng quá chua. Rau quả và mễ cốc nên gấp 3 lần thịt, cá.
 
7. Tránh hay giảm món tráng miệng quá ngọt ngay sau bữa ăn để đường huyết không bội tăng khiến tụy tạng mau mệt vì bù đầu với việc điều chỉnh.


8. Thỉnh thoảng nhịn đói ít ngày trong tháng hay một ngày trong tuần (uống đủ nước nhưng không ăn). Cũng có thể chỉ ăn một bữa vào vài ngày trong tuần để các cơ quan trọng yếu giữ nhiệm vụ giải độc như gan, thận, khung ruột có dịp nghỉ xả hơi nhờ không phải đối đầu với độc chất ngoại lai hay phế phẩm nội sinh từ quá trình biến dưỡng.
 
Rượu hoặc bia - chỉ một ly
 
Thêm một điểm vui nữa là trong chương trình dinh dưỡng nói trên không thấy nghiêm cấm rượu bia nhưng nên nhớ là họ chỉ hoan nghênh ly rượu vang đỏ hay cốc bia đen sau mỗi bữa ăn và chỉ một ly mà thôi chứ không phải uống xả láng.


Những nguyên tắc dinh dưỡng nêu trên có thể xem là sản phẩm độc quyền của y học dân gian ở Đức. Trên thực tế, các nguyên tắc này đều đã được đề cập theo nhiều kiểu trong y thư của tất cả nền y học cổ truyền. Vấn đề là nhiều người biết nhưng áp dụng hay không là chuyện khác. Nếu so sánh với thói quen ăn uống của VN thì sẽ hiểu tại sao nhiều bệnh chứng nghiêm trọng như ung thư, cao huyết áp, tiểu đường, thấp khớp, dị ứng...  lại có tỉ lệ cao đến thế?
 
Theo Người lao động
Chia sẻ