Ăn nhiều cà rốt gây vàng da

,
Chia sẻ

Cà rốt giàu vitamin A, giúp sáng mắt, có lợi nhiều cho sức khỏe. Tuy nhiên, ăn như thế nào để hấp thụ được nguồn vitamin A tốt nhất từ cà rốt thì chắc hẳn nhiều người vẫn chưa biết.

Nên nấu chín hoặc xay ép

Cà rốt chứa nhiều carotene (tiền vitamin A). Lượng carotene hấp thụ vào sẽ được cơ thể chuyển hóa dễ dàng thành vitamin A ở ruột và gan. Ngoài ra, cà rốt cũng là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và có nhiều chất bổ khác như vitamin A, B, C, D, E, acid folic, kali và sợi pectin (giúp hạ cholesterol máu).

Những nguyên tố như canxi, đồng, sắt, magiê, măng-gan, phốt pho, lưu huỳnh có trong cà rốt cũng ở dạng dễ hấp thu vào cơ thể hơn bất kỳ dạng thuốc bổ nào. Trong cà rốt còn chứa nhiều chất chống oxy hóa quan trọng như: beta carotene, alpha carotene, phenolic acid, glutathione... đã được chứng minh có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư...

Không giống hầu hết các loại rau quả khác, cà rốt đã nấu chín hay xay ép thành nước đem lại nhiều chất dinh dưỡng hơn so với ăn sống.
Cà rốt sống có vách tế bào cứng, làm cơ thể chỉ chuyển hóa được dưới 25% lượng beta carotene thành vitamin A. Tuy nhiên, khi cà rốt đã được nấu chín hay xay ép thì các vách tế bào cellulose dày cứng sẽ bị phá vỡ và phóng thích chất dinh dưỡng, giúp cơ thể hấp thu hơn 50% carotene. Nhưng nếu nấu quá lâu thì cũng làm giảm thành phần dinh dưỡng và mùi vị của cà rốt.

Theo kết quả nghiên cứu của Ðại học Arkansas (Mỹ) đăng trên Tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm (8/2000), cà rốt nấu chín (với một ít dầu mỡ) hay xay ép sẽ làm tăng nồng độ các chất chống oxy hóa (beta carotene, phenolic acid), giúp cơ thể dễ hấp thu hơn 34,3% so với ăn cà rốt sống.

Cà rốt nên dùng loại tươi nhất, đã qua đun nấu (tốt nhất là luộc sơ qua). Ngoài ra cần phải nhai nhuyễn cà rốt khi ăn. Để việc hấp thu vitamin A từ thực phẩm được tốt hơn thì nên chế biến cùng một ít dầu, mỡ.

Ăn nhiều vàng da
Thành phần dinh dưỡng

Trong 230g nước ép cà rốt chứa: 70,8 calories; 0,1g chất béo toàn phần; 0g chất béo bão hòa; 0mg cholesterol; 213,3mg natri; 0,6g chất xơ; 1,3g protein; tối thiểu 27.000IU vitamin A; 20,550IU beta carotene; 6.388 IU alpha carotene; 32,2mg canxi; 0,6mg sắt.


Nếu ăn hay uống cà rốt quá nhiều hoặc quá lâu có thể gây vàng da ở lòng bàn tay hay bàn chân. Nguyên nhân do tích tụ carotene từ cà rốt vào máu quá nhiều và làm thấm ra ngoài da.

Tình trạng này không gây nguy hiểm gì và dễ kiểm soát (khác với ngộ độc vitamin A gây nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, ói, lồi mắt, khô tróc da...). Chỉ cần ngưng hay giảm ăn cà rốt một thời gian sẽ hết vàng da.

Mỗi ngày ăn một củ cà rốt nhỏ bằng nắm tay em bé là đủ nhu cầu vitamin A từ beta carotene.

Ðể tránh ngộ độc phốt pho từ thuốc diệt côn trùng còn sót lại trên cà rốt, trước khi ăn nên rửa sạch, gọt vỏ và cắt bỏ hai đầu.

Loại cà rốt hoang dại Queen Annes Lace có thể gây độc khi ăn. Lá của nó chứa Furocoumarins có thể gây viêm da khi tiếp xúc, đặc biệt khi ướt. Hạt có thể gây sẩy thai.

Cà rốt đã qua đun nấu có chỉ số đường máu (Glycaemic index) là 49, nghĩa là sau khi ăn sẽ làm nồng độ đường trong máu không tăng quá cao (dưới 50 là tốt). Lý do đường trong cà rốt có cấu tạo phức tạp nên được tiêu hóa chậm hơn, bảo đảm cảm giác no kéo dài. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường không nên ăn hay chỉ dùng ít nước ép cà rốt.

Theo Viện Thông tin - Thư viện Y học Trung ương
Chia sẻ