Ăn cá thêm… bệnh?

,
Chia sẻ

Thật vô lý bởi từ trước tới nay cá luôn là nguồn đạm lý tưởng cho cơ thể. Tuy nhiên, đúng là sẽ bị bệnh nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu ăn cá theo các cách sau


Gỏi cá ngon, bổ nhưng ẩn chứa hiểm họa lâu dài

 

1. Ăn gỏi cá, cá sống dễ mắc sán lá gan

Không ít người “ mê” cái hương vị tươi ngon của gỏi cá sống mà không biết rằng tiềm ẩn trong cá sống là hàng loạt loại ký sinh trùng sán lá gan, vô cùng có hại cho gan. 

Theo nhận định của các chuyên gia dinh dưỡng học, sán lá gan là một loại ký sinh trùng vô cùng độc hại. Tỷ lệ người mắc sán lá gan rất cao khi ăn sống hoặc ăn cá, hải sản chưa chín kỹ. Sán lá gan một khi đã xâm nhập vào cơ thể sẽ gây viêm nhiễm đường ống mật, gây tắc nghẽn quá trình dẫn mật từ gan về túi mật và ruột, một số trường hợp nghiêm trọng sẽ dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan. 

Các triệu chứng lâm sàng thường gặp khi mắc phải sán lá gan như: kiệt sức, tức bụng trên, đầy bụng khó tiêu hóa, đau bụng, đi ngoài, gan sưng to, đau đầu, chóng mặt… Người mắc sán gan lâu, giai đoạn cuối có thể mắc bệnh trướng nước ở gan, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Khuyến cáo: Nhiều người cho rằng ngâm những lát cá sống trong các loại gia vị hay giấm… sẽ diệt hết ký sinh trùng sán lá gan, có thể yên tâm sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế các loại gia vị như xì dầu, giấm, mù tạc, rượu trắng… khó có thể diệt hết chúng. Chỉ qua nấu chín (đun sôi ít nhất ở 90oC) mới mong tiêu diệt hết loại ký sinh trùng cứng đầu này. 

Do đó, hãy hạn chế ăn các loại gỏi cá sống. Đồng thời lưu ý, khi sán lá gan bắt đầu vào cơ thể dường như không có bất cứ triệu chứng nào rõ ràng, thậm chí sau mười mấy năm cũng không thấy bệnh phát tác. Nên thường khi phát hiện ra bệnh thì đã muộn. Những người có sở thích ăn gỏi cá các loại, nên thường xuyên đi khám bệnh, nghe tư vấn của bác sỹ. 

2. Tự ý dùng mật cá chữa bệnh coi chừng sẽ trúng độc, nguy hiểm đến tính mạng

Mật cá cũng là một trong những vị thuốc Đông y có công hiệu trị chứng: đỏ mắt, đau gan, đau họng, thanh nhiệt giải độc, trị ho, giúp sáng mắt…( Chú ý: chỉ được dùng vị thuốc này khi đã có hướng dẫn của bác sỹ).

Tuy nhiên, nếu tùy tiện sử dụng mật cá chữa bệnh, giải độc sẽ gây phản tác dụng, hậu quả không thể cứu chữa, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Theo các chuyên gia, dịch mật trong cá có chứa thành phần chất hóa học có thể hòa tan trong nước, có độc tố cực mạnh. Loại độc tố này không thể bị phá vỡ khi ngâm trong rượu hay bất cứ dung môi nào khác. 

Độc mật cá phát tác rất nhanh, bệnh tình nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Những người trúng độc nhẹ có những triệu chứng sau: buồn nôn, nôn mửa dữ dội, đau bụng, đi ngoài… Người trúng độc nặng hơn xuất hiện các chứng: gan sưng to, vàng gan (hoàng đảm), ấn nhẹ lên vùng gan, thận cũng thấy đau… nếu không cứu chữa kịp thời gây suy nhược chức năng gan và thận rồi dẫn đến tử vong.

Lời khuyên: tốt nhất không nên sử dụng mật cá tùy tiện tránh gây ảnh hưởng sức khỏe và nguy hiểm tính mạng, nếu dùng để chữa bệnh nên làm theo sự chỉ định của bác sỹ.

3. Ăn cá khi đói dễ mắc bệnh gút

Theo nghiên cứu gần đây của các nhà dinh dưỡng, ăn cá khi đói vô cùng có hại cho dạ dày, đặc biệt nguy cơ mắc bệnh gút cao.

Gút là căn bệnh gây ra do lượng piu-rin (C5H4N4) chuyển hóa hỗn loạn gây ra lượng a-xít u-ríc (C5H4O3N4) trong máu tăng, từ đó gây tổn thương các tổ chức cơ thể.

Phần lớn cá đều chứa piu-rin, nếu ăn nạp nhiều piu-rin vào cơ thể khi đói, cơ thể sẽ không thể sản sinh đủ lượng carbohydrate để phân giải chất này, làm mất cân bằng lượng axit kiềm trong cơ thể, dễ dàng gây ra bệnh phong thấp, hoặc làm bệnh phong thấp thêm nặng.

Lời khuyên: Trước khi ăn cá, có thể ăn lót dạ một vài thực phẩm ít béo, chứa nhiều cacbohydrate như: cháo ngũ cốc, kiều mạch, khoai môn. Hoặc có thể ăn cá kèm với thực phẩm chứa nhiều tinh bột: khoai lang, ngô, cơm tẻ…để cân bằng axit kiềm trong cơ thể, giảm bớt sự độc hại của piu-rin, có tác dụng tốt cho sức khỏe.

 

Theo Phạm Hằng
Dantri/HP
Chia sẻ